Bắt sâu chứ không chặt cây

Thứ Hai, 12/02/2018, 10:43
Ngắm nét vẽ biếm của Leo (tên thật là Lê Phương) trên tờ An ninh thế giới cuối tháng, giữa tháng, nhiều bạn đọc tưởng họa sĩ này già dặn cỡ ngũ lục tuần. Nhưng khi anh mới bắt đầu cộng tác với tờ An ninh thế giới giữa tháng, - cuối tháng (ANGTCT) chỉ mới qua tuổi 20.

Leo vẽ nhiều phủ sóng trên nhiều ấn phẩm và thường xuyên vẽ biếm cho nhiều bìa báo lớn. Giải thưởng nhiều nhưng ấn tượng với độc giả là khi anh nhận giải nhất cuộc thì "Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí”.

Bức tranh của anh vẽ 2 con đường. Một con đường đông xe cộ chen nhau có lá cờ hội đề "Hội tranh ấn thăng quan", một con đường khác vắng hoe không một bóng người có lá cờ hội ghi "Hội minh thề không tham nhũng". 

Tranh của Paweł Kuczynski.

Câu chuyện của bức tranh không cho người xem cái cười dễ dãi mà cái cười của suy ngẫm đánh thức trách nhiệm công dân.

Số đầu năm 2018,  Leo vẽ những quân cờ domino dây chuyền theo nhau lăn kềnh. Mỗi quân cờ có hình một con chuột. Trong "thời tiết củi tươi, củi khô" đang nóng lên thì những bức biếm họa của Leo càng chọc đúng "mạch sống".

Sơ sơ Leo vẽ cho ANGTCT ít nhất 16 năm với chừng  800 biếm họa. Leo vẽ như người canh mục này mọi thời tiết. Đồng hành canh mục cùng ANGTCT có họa sĩ Hữu Khoa thường vẽ trang giữa và Lê Tâm vẽ trang cuối.

Vai trò của minh họa trong truyền thông ngày càng được được tận dụng. Minh họa không chỉ là một cách diễn họa đẹp bài báo mà độc lập hơn, biếm sĩ kể một câu chuyện song hành cùng tác giả báo.

Khi chữ cạn lời thì hình vẽ lên tiếng. Khi nối mạng toàn cầu thì các bức biếm họa có sự chia sẻ lớn hơn rất nhiều sự tưởng tượng. Biếm họa hay không kém gì một dạng viral content, viral video...

Đây là cách chơi chữ ý rằng sự lan tỏa chả khác gì virus vậy. Có một chuyên gia Pháp nói rằng người sản xuất nội dung phải đáp ứng được cho 7 tỷ người lười đọc. Vậy nên có người bảo xem bức biếm họa cười một tiếng là hiểu xong vấn đề.

Có thể thấm điều này khi chứng kiến các bức biếm họa được lan tỏa trên Facebook, mạng xã hội lớn nhất toàn cầu và riêng Việt nam đứng thứ 7 về người dùng với với 64 triệu tài khoản.

Biếm họa đã hay lại còn nhanh. Sự kiện nóng, sốc vừa được chia sẻ thì lát sau, còn chưa uống hết tách cà phê đã thấy biếm họa về chuyện trên được lan tỏa trên đoạn thoại.

Các nước khác thì biếm họa đã có những bước tiến hàng trăm năm, đi sâu vào các vấn đề hiểm hóc như chuyện xung đột bang giao. Hiếm có khu vực cấm cho những cây bút hài.

Gần đây, người ta chia sẻ rất nhiều bức biếm họa của một họa sĩ tài năng người Ba Lan là Paweł Kuczynski. Tranh của ông cho người xem những góc nhìn oái oăm và chính xác đến đau đớn về thời đại tưởng như là đỉnh cao về phát triển toàn cầu.

Bi kịch và hài kịch thực không tách bạch mà chất là một. Bi hài kịch vừa nói về thế giới vừa vẽ về mỗi con người. Chưa cần nói về bút pháp diễn họa, chỉ cần kể tóm tắt về ý tưởng đã nhiều gợi mở rồi.

Paweł vẽ một bức tượng ngài diễn giả. Từ miệng diễn giả là một đài phun nước. Phía dưới có tấm biển tiết kiệm nước. Căn bệnh tràng giang đại hải của loài người không cần nhiều nét. Bức khác, ông vẽ một diễn giả có cái mũi nói dối dài nửa mét. Trên đó cả một đàn chim biểu tượng Twitter đang hót.

Biếm về Facebook, Paweł vẽ một tù nhân ngắm bầu trời qua một kính tiềm vọng hình chữ F của Facebook gác lên ô sửa chấn song nhà tù. Thực ra anh ta có thể mở cánh cửa tự do nết vứt cái kính đó đi. Mỗi Facebooker phải chăng đang là một tù nhân của cái mạng quỷ quái này? 

Sáng tạo và dũng cảm là không giới hạn nhưng không thể tùy tiện lạm dụng các chuẩn văn hóa nhạy cảm cộng đồng. Bài học đau đớn chưa lâu của tạp chí hài hước Charlie Hebdo đã vượt quá giới hạn văn hóa đã phải trả giá bằng tính mạng 12 người. Đó là cái giá không đáng có.

Biếm họa có quyền phản biện sâu cay nhưng chỉ được đón nhận khi nó mang tinh thần xây dựng và nhân văn. Biếm sĩ như người châm cứu chứ không phải ông đồ tể, như con chim bắt sâu chứ không không phải kẻ chặt cặt cây.

Lê Tâm
.
.
.