Bồng bềnh trên nước kênh... vừa mừng vừa lo

Chủ Nhật, 06/09/2015, 09:40
Bắt đầu từ chiều 2/9, tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) chính thức hoạt động, thu hút hàng nghìn người dân thành phố mang tên Bác đến ngắm nghía, chia sẻ và thưởng ngoạn.


Khách ngồi trên thuyền Phụng (ghe bầu Nam bộ) có người chèo, nghe đàn ca tài tử, sông nước bềnh bồng suốt đoạn kênh dài 4,5km từ chân cầu Thị Nghè (quận 1) đến gần châu cầu Lê Văn Sỹ (quận 3), thả hồn ra mà ngắm cảnh Sài Gòn hai bên bờ kênh…

Lạ, bởi lẽ dòng kênh nước đen Nhiêu Lộc năm nào nay đã được nạo vét, cải tạo, xử lý nước thải từ năm 2012 với số kinh phí hơn 300 triệu USD để biến thành một dải lụa xanh uốn lượn giữa trung tâm thành phố. Hai bờ những xóm nước đen ô nhiễm nghiêm trọng nay trở thành hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa, những khu công viên giải trí, thể thao và hai dãy phố mặt tiền rực sáng ánh đèn màu đêm đêm…

Lạ, như lời cụ Nguyễn Văn Thạnh, 78 tuổi sống ở khu Miếu Nổi chia sẻ: “Ngày xưa những người dân như chúng tôi chỉ ước mơ được sống sạch sẽ không phải xóm nước đen, kênh rạch ô nhiễm… Nay đã có một con kênh nước xanh, hai bờ cây xanh, văn hóa… Mấy người già bạn tôi, chiều nào cũng ra đây tập thể dục, thấy thuyền chèo du lịch lòng vui vô cùng”. Trung Kiên, nhân viên Công ty Du lịch H.M thì sướng ngất ngư ca rằng: “Dân mình đi du lịch sang Thái Lan, Singapore, Ý, Pháp… rất thích được đi thuyền trên những dòng sông, kênh thơ mộng. Nay Thành phố mình cũng có rồi, đi đâu cho xa”.

Thuyền chở khách du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Chiều 4/9, tôi thử dạo một vòng qua tuyến du lịch trên đường Hoàng Sa hướng từ cầu Thị Nghè lên cầu Lê Văn Sỹ, đi qua địa bàn các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận và quận 3. Trời hãy còn quá sớm (hành trình du lịch từ 15h đến 22h mỗi ngày) mới hơn 16h20, nên hai bến đón trả khách vắng hoe chỉ lèo tèo mấy người dưới thuyền đang chuẩn bị. 

Anh Tuấn, một thanh niên câu cá đối diện bến tàu du lịch (chùa Chantaransay, quận 3) tỏ ra không hào hứng mấy khi cho biết: “Giờ này nước rút cạn sát đáy bùn. Mực nước xuống cả mét lộ rõ các ống cống nước thải khổng lồ hai bên bờ kè và rác nổi lềnh bềnh, hôi hám khủng khiếp. Đi trên kênh vào thời điểm này không ai chịu nổi đâu”.

Thì ra, con nước lớn ròng… của người miền Tây có vai trò rất quan trọng đối với tuyến du lịch “mới lạ” này, khi dòng kênh còn đang tồn tại quá nhiều vấn đề vệ sinh, ô nhiễm môi trường… Ngoài việc thuyền chèo đi ngược gió, bốc mùi, còn rác rưởi ô nhiễm nổi lềnh bềnh cũng là những thứ kinh khiếp đối với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Ngay cả khi con nước lên cao nhất, vấn đề ô nhiễm môi trường không còn đáng ngại thì vẫn phải “lo” về sự cố, tai nạn. Rủi ro khi khách lỡ ngã xuống kênh sẽ ra sao? Trên mỗi thuyền, ngoài cô gái chèo chống còn có một hướng dẫn viên thuyết minh sẽ kể lịch sử từng cây cầu và hai bên bờ đang xuôi chèo qua, nhưng cả hai nhân viên này có được huấn luyện công tác cứu hộ, cứu nạn dưới nước chưa?

Khi thuyền đến gần nhà ga cầu Lê Văn Sỹ, hướng dẫn viên đưa du khách mỗi người một chiếc hoa đăng và ai cũng thành tâm cầu một điều ước trước khi thả xuống nước. Đến điểm dừng, một nhân viên đứng ở nhà ga lịch sự cảm ơn và tặng du khách một chiếc quạt bằng gỗ... Để tăng sức hấp dẫn như ca Huế trên sông Hương, trên thuyền lớn còn có biểu diễn nhạc dân tộc truyền thống và các nghệ sỹ thổi kèn saxophone với những nhạc phẩm trong và ngoài nước như: Tiếng xưa, Hạ trắng, Trở về dòng sông tuổi thơ, Loving you, Dont make me wait for love, Going home...

Ban tổ chức cho biết, lộ trình một chuyến tham quan trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 4,5km mất thời gian 1h30 phút. Tuyến du lịch sẽ hoạt động đều đặn từ 15h đến 22h mỗi ngày. Công ty Thuyền Sài Gòn đầu tư xây dựng hai nhà ga và 12 thuyền. Thuyền Phụng (từ 4-6 ghế) với giá 220 nghìn/khách, còn đi thuyền chống với sức chứa 7-20 hành khách có giá 110 nghìn/khách. Tuyến du lịch đầu tiên trên kênh có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa, trong đó xây dựng cầu tàu 6,8 tỉ đồng.

Cơ sở để mở tuyến du lịch thủy nội địa hoàn toàn phù hợp với phát triển và nhu cầu về du lịch, tham quan với loại sản phẩm hoàn toàn mới lạ, nhưng sự bền vững, thái độ, cung cách phục vụ, các dịch vụ theo du thuyền, cảnh quan và vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường… vẫn còn rất nhiều nỗi lo.

Hoàng Châu
.
.
.