Bốn trường hợp lái xe phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Thứ Sáu, 22/08/2014, 11:49
Ngày 18/8/2014, Liên Bộ Y tế - Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA về quy định xét nghiệm nồng độ cồn (Etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó nêu rõ một số trường hợp được quỹ BHYT thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA, có 4 trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, bao gồm: Thứ nhất, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn, hoặc bị tai nạn giao thông, được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; thứ hai, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; thứ ba, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; thứ tư, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh phải được bác sỹ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Cũng theo quy định tại Thông tư, việc thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của các trường hợp trên được quy định cụ thể như sau: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không vi phạm Luật Giao thông đường bộ được phân định rõ: Người phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu thuộc trường hợp thứ nhất, thứ hai và thứ tư nêu trên, nếu có thẻ BHYT thì quỹ BHYT thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về BHYT (cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH bảo đảm quyền lợi của đối tượng).

Người thuộc trường hợp thứ nhất, thứ hai không có thẻ BHYT; người thuộc trường hợp thứ ba có hoặc không có thẻ BHYT thì cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Người thuộc trường hợp thứ tư, nếu không có thẻ BHYT cũng phải thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/9/2014

PV
.
.
.