Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Lê Doãn Hợp: "Tập hợp được người tài"

Chủ Nhật, 30/07/2006, 08:54

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (VHTT) Lê Doãn Hợp thẳng thắn nói như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo CAND trong những ngày đầu đảm nhận chức vụ mới...

Những mâu thuẫn có tính thời cuộc

- Thưa Bộ trưởng, nhận nhiệm vụ đứng đầu Bộ VHTT trong điều kiện đời sống văn hóa nhân dân đã nâng lên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông tin cũng đa dạng và phức tạp hơn. Điều này vừa tạo môi trường tốt nhưng cũng đặt ra những thách thức, Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào?

- Nhu cầu hưởng thụ văn hóa cao là phù hợp quy luật phát triển, khi đời sống kinh tế đã tiến bộ đáng kể. Hiện, chúng ta đang có môi trường văn hóa khá thuận lợi, điều kiện kinh tế được cải thiện hơn nhiều cũng đặt ra yêu cầu cao hơn trong phát triển văn hóa, chăm lo đời sống, tinh thần của nhân dân...

Tất nhiên, khó khăn cũng không nhỏ. Khó khăn lớn nhất là làm sao để phát huy giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thời đại ngăn ngừa văn hóa độc hại. Chúng ta cũng phải giải quyết những mâu thuẫn lớn như mâu thuẫn về sự đòi hỏi hưởng thụ văn học nghệ thuật phải tương xứng với dân tộc và thời đại; mâu thuẫn về sự bất cập của đội ngũ cán bộ đầu đàn trong điều kiện văn hóa hội nhập quốc tế và nhiều vấn đề bức xúc khác...

- Mâu thuẫn về đòi hỏi hưởng thụ văn học nghệ thuật ở tầm cao trong khi khả năng đáp ứng còn mức độ, chưa có nhiều sản phẩm văn hóa xứng tầm, nhất là trong văn học nghệ thuật. Theo Bộ trưởng, mấu chốt vấn đề có phải do ta chưa tạo môi trường tốt để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn, nghệ sĩ?

- Bây giờ, nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa của xã hội đã khác trước, ngày nay có thể người ta ưa thích những sản phẩm văn hóa mà trước đây không có hoặc không được coi trọng, sự đánh giá cũng rất khác nhau. Trong khi đó, sản phẩm văn hóa hội nhập ngày một nhiều, hội tụ đa dạng các nền văn hóa thế giới và người hưởng thụ có rất nhiều sự lựa chọn.

Lâu nay tôi cũng nghĩ nhiều đến việc chú trọng nhân tài, làm thế nào để tài năng của ngành được trân trọng, được tôn vinh, để có những tác phẩm văn học nghệ thuật ngang tầm thời đại, xóa bỏ dần mâu thuẫn giữa nhu cầu hưởng thụ và khả năng đáp ứng trong đời sống văn hóa.

Trọng dụng nhân tài văn hóa

- Bộ trưởng sẽ coi quy tụ nhân tài, nhất là đội ngũ văn, nghệ sĩ cho hoạt động văn hóa là yếu tố căn bản?

- Có được điều đó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ môi trường, hoàn cảnh xã hội đến tài năng, sự đam mê... Nhiều khi những sản phẩm văn hóa lớn lại ra đời trong bối cảnh bất thuận lợi của người sáng tác và những sản phẩm văn hóa này qua thời gian sàng lọc lại được xã hội thừa nhận...

- Sự phát triển của văn hóa hội nhập bên cạnh thuận lợi cũng kéo theo quá nhiều thách thức, trong đó nhiều tồn tại chưa giải quyết có hiệu quả: việc xâm phạm di tích văn hóa; sự lộn xộn nhiều khi thái quá trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật; các tệ nạn phát sinh từ dịch vụ văn hóa vũ trường, karaoke... Xem ra, đây là vấn đề khó, thưa Bộ trưởng?

- Mới đây, trong cuộc họp giao ban tôi cũng đã nói với anh em rằng, mặt trái của báo chí, vũ trường, karaoke, internet, rồi những lĩnh vực còn nhiều ý kiến như lễ tang, lễ hội, cưới hỏi, biểu diễn nghệ thuật, in ấn xuất bản... phải khảo sát thực trạng, đánh giá thật khách quan.

Tôi nhấn mạnh rằng, lĩnh vực văn hóa là nhạy cảm, liên quan đến nhiều tầng lớp nhân dân ở các địa phương nên giải pháp này phải cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Ngành văn hóa chủ yếu là xác định cơ chế, chính sách, còn tăng cường đốc thúc kiểm tra để chính quyền địa phương phải vào cuộc mới làm được, bởi mọi tiêu cực đều xảy ra trên địa bàn cụ thể. Có cơ chế rồi phải kiểm tra, đốc thúc, thưởng phạt kịp thời, nghiêm minh thì mọi việc sẽ đi dần vào nền nếp.

- Còn về trách nhiệm của Bộ trưởng?

- Các đồng chí hỏi tôi về trách nhiệm, về tồn tại của đời sống văn hóa, tôi cũng nói thẳng là mình phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp và phải dám chịu trách nhiệm để khắc phục. Khi đã có chủ trương, đã chỉ đạo quyết liệt rồi, mà kết quả vẫn chưa tốt thì mình phải tìm giải pháp mạnh hơn theo hướng sát dân, đổi mới, sáng tạo để có kết quả tốt hơn.

- Văn hóa truyền thống dân tộc ta luôn giữ bản sắc riêng, dù trong điều kiện nào. Thế nhưng ngày nay, "cơn bão" thị trường và các luồng văn hóa hội nhập đang thách thức nghiêm trọng và có dấu hiệu làm suy thoái văn hóa một bộ phận, nhất là lớp trẻ. Thưa Bộ trưởng, ngành VHTT nên có một cơ chế như thế nào để hạn chế, khắc phục được mặt trái của độc tố?

- Mở cửa bao giờ cũng có hai mặt. Cái tốt đã rõ, nhưng kèm đó là các "luồng gió độc" cũng dễ xâm nhập vào. Trách nhiệm của Nhà nước, cụ thể như Bộ VHTT cũng bằng các biện pháp quản lý để "đón gió lành, tránh gió độc". Nhưng điều quan trọng còn ở tự bản thân mỗi người phải có sức đề kháng cần thiết.

Ngôn ngữ ngắn nhất là hành động

Bộ trưởng là một Tiến sĩ kinh tế, có điều gì lo lắng khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ VHTT

- Nhiều đại biểu Quốc hội nghĩ rằng đưa một Tiến sĩ kinh tế sang làm văn hóa là vấn đề quan ngại. Nhưng trong 38 năm công tác, tôi vẫn có hơn 10 năm làm về tư tưởng văn hóa trong Quân đội, ở địa phương và ra Trung ương. Tôi cũng được Đảng điều chuyển, đào tạo qua nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xây dựng Đảng. Được đào luyện qua nhiều môi trường quân đội, cơ sở, thành, tỉnh và Trung ương.

Quá trình lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện ở địa phương đã cho tôi nhiều bài học và kinh nghiệm tốt trong đó có văn hóa thông tin. Nếu tôi có một chút tài năng, tôi xin hứa phấn đấu để có một cái tài cần nhất là tập hợp được mọi cái tài của người khác trong ngành để thực thi tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.

Tư duy của những người dân xứ Nghệ chúng tôi là "nhảy vào, tóe ra", tức cái gì khó mà nhảy vào, lăn xả vào thì nó sẽ tóe ra bài học, ra kinh nghiệm, ra sản phẩm, ra chương trình, ra chính mình...

- Và Bộ trưởng cũng sẽ "vi hành" như hồi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, có thể về quê bằng xe khách với dân?

- Tôi sẽ thể hiện bằng nhiều vai, đó là cách để có thông tin thật, trên cơ sở thông tin thật thì xử lý mới tốt. Vừa rồi vào Quảng Bình tôi cũng đi tàu hỏa. Làm người lãnh đạo tôi sợ nhất là ba việc: nội bộ mất đoàn kết, thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Tóm lại người lãnh đạo phải sáng tạo để có đầy đủ thông tin, trung thực thì dễ thành công hơn.

- Xin hỏi câu cuối, trên cương vị mới, đồng chí sẽ tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?

- Ngôn ngữ ngắn nhất là hành động và hành động là thước đo ngắn nhất của mọi ngôn ngữ. Cho nên tôi cũng không muốn nói nhiều mà phải quyết làm cho được. Toàn bộ lời hứa đang ở phía trước và sẽ được chứng minh dần trong tương lai.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng và chúc Bộ trưởng hoàn thành tốt trọng trách được giao!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.