Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh: Luật Cư trú tạo hành lang pháp lý để quản lý xã hội tốt hơn

Thứ Sáu, 02/06/2006, 07:44

Hôm qua (1/6), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an trình Dự án Luật Cư trú trước Quốc hội. Đây là đạo luật quy định các nguyên tắc cơ bản về cư trú của công dân, quản lý Nhà nước về cư trú, đặc biệt vấn đề dư luận rất quan tâm: quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu như thế nào? Nhân dịp này, phóng viên Báo Công an nhân dân đã phỏng vấn Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an về một số vấn đề liên quan.

- Thưa Bộ trưởng, việc Quốc hội đưa dự án Luật Cư trú vào chương trình thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp lần này cho thấy tính cấp thiết trong xây dựng hành lang pháp lý về cư trú - một trong những quyền cơ bản của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp?

Bộ trưởng Lê Hồng Anh: Để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, từ trước tới nay Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, thực hiện tốt công tác quản lý cư trú cũng như phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Tuy nhiên, đến nay, do đòi hỏi của tình hình mới, các quy định trước đây về đăng ký, quản lý cư trú không còn phù hợp, bộc lộ những hạn chế như: thủ tục hành chính rườm rà, không tập trung, thống nhất, một số nơi bị lạm dụng.

Để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền; Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thì lĩnh vực quản lý Nhà nước về cư trú cần phải được luật hóa, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh,  bảo đảm tập trung, thống nhất, đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ soạn thảo Dự án Luật Cư trú. Trong quá trình soạn thảo, Dự án Luật Cư trú đã được gửi và lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, tổ chức xã hội, ý kiến đại diện quần chúng và tham khảo luật pháp liên quan trước khi trình Quốc hội. Luật Cư trú sẽ tạo hành lang pháp lý để quản lý xã hội tốt hơn.

- Một nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật là sổ hộ khẩu. Vậy vấn đề này được quy định với vai trò, vị trí ra sao trong giai đoạn hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Hồng Anh: Sổ hộ khẩu có vị trí, vai trò lớn nhưng quan trọng nhất là góp phần quản lý xã hội về mặt Nhà nước. Qua công tác quản lý hộ khẩu đã giúp Nhà nước quản lý tốt di biến động dân cư, từ đó hoạch định các chính sách quan trọng như: chính sách dân số, quy hoạch, bố trí dân cư theo vùng, lãnh thổ; thực hiện bảo hiểm xã hội, y tế; các chính sách ưu tiên về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; chính sách phát triển đô thị; chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết tình trạng thiếu việc làm; áp dụng các biện pháp quản lý hành chính đối với một số trường hợp theo quy định pháp luật và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đặc biệt, sổ hộ khẩu còn giúp người dân có điều kiện thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình như quyền bầu cử, ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương mình, quyền vay vốn của ngân hàng, các tổ chức tín dụng để giải quyết việc làm…

- Thưa Bộ trưởng, mặc dù quy định sổ hộ khẩu nhằm thực hiện các yêu cầu trên song nhiều ngành, địa phương lại dùng sổ hộ khẩu như một biện pháp để áp dụng các điều kiện ràng buộc khác khiến người dân gặp nhiều khó khăn, phiền toái. Chúng ta cần giải quyết điều này như thế nào?

Bộ trưởng Lê Hồng Anh: Qua khảo sát của cơ quan chức năng, đúng là có hiện tượng nói trên, một số cơ quan, tổ chức lạm dụng quy định về sổ hộ khẩu, dẫn đến hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chẳng hạn, học sinh học công lập đi học phải theo sổ hộ khẩu gia đình, để mua được nhà, chuyển quyền sử dụng đất cũng dựa vào sổ hộ khẩu... Chính phủ cũng có ý kiến về vấn đề này và thấy rằng, việc làm như trên của một số cơ quan, tổ chức là bất hợp lý, gây phiền toái trong nhân dân.

Người dân đăng ký hộ khẩu tại Hà Nội.

Do đó, Dự án Luật được xây dựng theo hướng không cho sử dụng sổ hộ khẩu vào các giao dịch, đi lại. Bản thân sổ hộ khẩu nếu sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, không bị lạm dụng sẽ có vai trò rất tốt mà người dân không bị ràng buộc nhiều, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Trên tinh thần đó, Dự án Luật nghiêm cấm hành vi "Lạm dụng quy định về sổ hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân".

- Là cơ quan chuyên trách trong quản lý Nhà nước về cư trú, trong đó có sổ hộ khẩu, theo Bộ trưởng, để đảm bảo hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân và vai trò quản lý của Nhà nước, chúng ta cần quan tâm điều gì?

Bộ trưởng Lê Hồng Anh: Như đề cập ở trên, chúng ta không xem nhẹ nhưng cũng không tuyệt đối hóa sổ hộ khẩu. Vấn đề đặt ra là phải nhìn thẳng vào sự thật, điểm gì chưa được thì chấn chỉnh, khắc phục chứ không vì một số bất cập mà có cách nhìn thái quá. Thứ hai, trong vấn đề cải tiến, đổi mới quản lý cư trú, nhất là tiếp dân, giải quyết các thủ tục về đăng ký, cấp sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng... phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Một vấn đề khác, phải tạo sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quản lý Nhà nước giữa hộ khẩu với các lĩnh vực khác như hộ tịch, nhà đất, dân số...

Về phía cơ quan Công an trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cư trú, yêu cầu đặt ra là phải cải tiến mạnh mẽ quy trình, thủ tục đăng ký thường trú, cấp hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, thực hiện cơ chế thông thoáng, minh bạch. Chúng tôi cũng thấy rằng, trong thực tiễn, bên cạnh những thành tích chung cũng xảy ra hiện tượng tiêu cực, một số cán bộ Công an gây phiền hà khi giải quyết đăng ký hộ khẩu, có khi lợi dụng điều này để có hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu.

Quan điểm của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an là kiên quyết xử lý nghiêm túc mọi biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, sai phạm. Đơn vị Công an, cán bộ Công an có quyền hạn giải quyết đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho công dân, trong chức năng, nhiệm vụ được giao phải thực hiện tốt các quy định của pháp luật, của ngành, theo đúng quy trình, thủ tục cũng như thái độ trong quan hệ tiếp xúc với dân. Gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã lập các "đường dây nóng", hộp thư công dân để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị của công dân, trong đó có bộ phận cán bộ Công an chuyên trách về giải quyết thủ tục đăng ký sổ hộ khẩu của công dân.

- Tự do cư trú là quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, đã có hiện tượng lợi dụng quyền này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích chung xã hội. Vậy cần quy định vấn đề này như thế nào để ngăn chặn các hành vi lợi dụng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Hồng Anh: Công dân có quyền tự do cư trú, điều này được khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, người nào lợi dụng quyền này để thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi vi phạm pháp luật đều có chế tài xử lý nghiêm được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Dự án Luật Cư trú cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: cấm lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ quản lý cư trú để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Ngoài ra, vấn đề hạn chế quyền tự do cư trú và lựa chọn cư trú cũng được đặt ra trong Dự án Luật. Điều này nhằm thực hiện các yêu cầu đảm bảo an ninh - quốc phòng, các yêu cầu quan trọng khác hoặc khi công dân vi phạm pháp luật và bị cơ quan có thẩm quyền quyết định hạn chế quyền cư trú (bị can, bị cáo, người bị pháp luật quy định cấm đi khỏi nơi cư trú...). Đây là biện pháp được pháp luật nhiều nước quy định, tùy mức độ cụ thể mà quyền năng này bị hạn chế tuyệt đối hay tương đối.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.