Bộ trống ngàn năm của một người lính

Thứ Sáu, 20/03/2009, 14:04
Bộ sưu tập của Thiếu tá Ung Thanh Dũng gồm 10 chiếc trống cổ, chiếc trống nào cũng có tuổi đời hơn ngàn năm. Trong đó có những chiếc trống chậu hiếm hoi hơn 1.500 năm tuổi mà khi lật ngửa trống là chậu đựng nước, lật úp chậu nước trở thành trống.

Hơn 20 năm qua, anh mất ăn mất ngủ, miệt mài băng rừng lội suối khắp từ Nam chí Bắc sưu tầm những chiếc trống cổ đặng lưu giữ hồn dân tộc. Vì tình yêu trống mãnh liệt, anh đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ, thậm chí vay mượn, cầm cố tài sản, nhà cửa và chịu không ít tiếng thị phi. Anh là Thiếu tá Ung Thanh Dũng, hiện công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin, đơn vị phía Nam

Kho báu vô giá

Ung Thanh Dũng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp. Anh đam mê lưu giữ những di vật sinh hoạt, chiến đấu cổ xưa của cha ông, đặc biệt là những chiếc trống cổ từ hơn 20 năm qua. Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Kiệm (TP Hồ Chí Minh) bày la liệt hàng trăm di vật cổ nhuốm màu thời gian gồm rìu đá, tiền xưa, qua đồng (vũ khí thời đồ đồng)…

Thiếu tá Ung Thanh Dũng bày tỏ: "Tôi đam mê sưu tập trống đồng vì cảm nhận được nhiều giá trị, tinh hoa của dân tộc qua di vật thiêng liêng này. Không chỉ cầu mùa màng, lễ hội, mừng chiến thắng, tiếng trống đồng còn là lời hiệu triệu, tập hợp mọi người, các tráng dũng, chiến binh khi bộ tộc, đất nước đứng trước họa xâm lăng. Tiếng trống thể hiện sự đồng lòng quyết tâm chiến đấu, là cội nguồn của sự đoàn kết".

Bộ sưu tập của anh gồm 10 chiếc trống cổ, chiếc trống nào cũng có tuổi đời hơn ngàn năm. Chiếc trống cổ đầu tiên được anh mua tại khu phố chuyên bán cổ vật trên đường Lê Công Kiều, nơi anh từng sạch gia tài vì những thủ thuật lừa đảo tinh vi của bọn xấu: "Năm 2003, tôi tình cờ bắt gặp một bác (đã mất) vì túng ngặt phải mang vật gia bảo ra chợ với giá nhượng lại 30 triệu đồng (tương đương 6 cây vàng). Rút kinh nghiệm xương máu, tôi nhờ nhiều chuyên gia kinh nghiệm thẩm định trước khi tuyển về. Đó là chiếc trống đồng Đông Sơn trên 2.000 năm tuổi".

Cách đây 3 tháng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam liên lạc với Thiếu tá Ung Thanh Dũng mượn chiếc trống cổ của anh trưng bày cho quần chúng chiêm ngưỡng.

Những chiếc trống cổ của Thiếu tá Ung Thanh Dũng có chiếc to đùng nhưng cũng có chiếc bé xíu bằng lòng bàn tay. Chiếc trống nhỏ nhất có đường kính 3-4cm, được các nhà chuyên môn gọi là trống minh khí, là đồ tùy táng cho người chết. Thú vị nhất là khi được tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc trống chậu hiếm hoi hơn 1.500 năm tuổi mà khi lật ngửa trống là chậu đựng nước, lật úp chậu nước trở thành trống.

Ung Thanh Dũng và chiếc trống cổ.

"Nhiều học giả đoán định trống chậu ra đời trong một giai đoạn lịch sử nhất định, khi giặc phương Bắc xâm chiếm nước Nam. Để dập tắt tiếng trống âm vang khích lệ, kêu gọi hào khí của quân khởi nghĩa, kẻ thù đã cấm các lò đồng không được đúc trống. Không khuất phục, ông cha mình đã sáng chế, đúc trống giống chậu rửa mặt. Trống này rất hiếm vì chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định".

Tuy chỉ là tay ngang, đến với trống cổ bằng niềm đam mê tình cờ nhưng qua tìm hiểu, nghiên cứu, Thiếu tá Ung Thanh Dũng phát hiện nhiều điều kỳ thú liên quan đến trống đồng. Tại Việt Nam, trống đồng được phân thành 2 dạng, trống đồng Đông Sơn và trống Mường (giai đoạn sau).

Điểm bất dịch ở trống cổ là luôn có biểu tượng ngôi sao ở giữa, sao 8 cánh hoặc 12 cánh. Trên thân trống bao giờ cũng có hoa văn hình thuyền, người chèo thuyền (biểu hiện nền văn minh lúa nước) và chim hạc. Trống còn có những hình tượng cách điệu như hình con cóc, có khi 2 con cóc đang giao phối với nhau như thể hiện thông điệp của người xưa về khát vọng trường tồn, được mưa thuận gió hòa…

"Tôi sẽ hiến cho Nhà nước"

Quá trình tuyển những cái trống ngàn năm tuổi về tư gia của Ung Thanh Dũng vô cùng kỳ công, mất nhiều công sức, tiền của. "Trong bộ sưu tập, cái trống nào cũng làm tôi khổ sở, hao tốn nhiều về tài lực lẫn trí lực. Có cái ngay khi hay tin, dù trời đã tối nhưng tôi phải tất bật mua vé máy bay rồi đi Lạng Sơn mang về. Có cái tôi phải thế chấp tài sản, vay mượn đủ đường nhưng cũng có cái tôi mua với giá chẳng là bao".

Anh hóm hỉnh: "Nhận được tin, tôi luôn tìm cách có được trống vì sợ nó bị đưa đi nước ngoài. Như thế đất nước sẽ mất đi bảo vật vô giá. Đưa cái trống về đến nhà an toàn là lúc tôi sung sướng nhất. Tôi ngắm nó không biết chán, đến độ bà xã tôi có khi ghen với trống".

Giới sưu tập cổ vật đánh giá bộ sưu tập trống cổ ngàn năm của Thiếu tá Ung Thanh Dũng trị giá triệu đô nhưng cũng có người khẳng định đó là kho báu vô giá. Về điều này, anh chia sẻ: "Ngay từ lúc dấn thân vào niềm đam mê sưu tầm cổ vật nói chung, trống cổ nói riêng, hiện tại và mai sau vẫn vậy, tôi luôn tâm niệm một điều, những gì tôi đang lưu giữ không bao giờ là của riêng mình. Tôi đang nuôi ý định sẽ hiến bộ trống cho Nhà nước quản lý và đang xúc tiến thực hiện điều này".

Ung Thanh Dũng tin tưởng: "Khi được hiến cho Nhà nước, bộ trống cổ sẽ trở thành tài sản chính thức của quốc gia, sẽ được bảo quản, bảo vệ tốt nhất. Và quan trọng nhất là mọi người dân đều có thể chiêm ngưỡng báu vật. Có hiến cho Nhà nước tôi mới không lo khi mình không còn nữa, vì nhiều lý do trống sẽ lưu lạc, trở thành vật sở hữu tư của ai đó!".

Bao tâm huyết, công sức, tiền của và nước mắt đổ ra vì trống cổ vậy mà khi có được rồi, Thiếu tá Ung Thanh Dũng không có ý định làm của riêng. Nhiều người cho anh "bị tâm thần" và tôi ước gì cuộc sống có nhiều người “tâm thần” như anh vậy. Ẩn sau cái ý nghĩ, hành động tưởng chừng bất bình thường ấy là một tấm lòng rất bình thường mà cao cả. Nó thể hiện ý thức, lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước không có đường biên của một người lính

N.T.Dũng
.
.
.