“Bó tay” với trộm cắp, móc túi trên xe buýt?

Thứ Bảy, 21/03/2009, 14:41
Nạn móc túi hoành hành tại các điểm đỗ, trạm trung chuyển hay thậm chí cả trên xe buýt không phải là chuyện bây giờ mới nói. Nhưng có một điều đáng bàn là dường như sau mỗi lần cơ quan chức năng mở đợt cao điểm phòng chống loại tội phạm này, tình hình đâu lại vẫn hoàn đấy.
>> Móc túi lộng hành trên xe buýt

Dù chính thức khánh thành chưa đầy nửa tháng nhưng trạm trung chuyển xe buýt Long Biên đã được người dân thường xuyên đi xe buýt đưa vào danh sách điểm "đen" về nạn móc túi, chẳng kém gì trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy. Có mặt tại trạm vào đầu giờ sáng một ngày cuối tuần, chúng tôi càng hiểu hơn vì sao mà các đối tượng móc túi lại có thể dễ dàng hoành hành tại nơi đây đến vậy.

Đơn giản, bởi những lúc bình thường, đã có tới hàng trăm người xếp hàng chờ xe, huống chi vào giờ cao điểm, có tới hàng chục nghìn lượt khách tập trung dày đặc (mỗi ngày có 17 tuyến xe buýt với 2.458 lượt xe trung chuyển qua đây), chính đặc điểm này là miếng mồi béo bở cho bọn tội phạm.

Bác Vũ Huy Linh, một người thường xuyên phải đi lại bằng xe buýt cho biết, tại điểm trung chuyển mới này, những ngày đầu người dân đi còn thấy yên tâm, chứ giờ trộm cắp xảy ra nhiều. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bác thì bọn tội phạm thường dùng khẩu trang hoặc đội mũ sụp xuống để che mặt. Phát hiện ai có đồ đạc để hớ hênh, chủ yếu là ví tiền và điện thoại di động là chúng hành động ngay. Thường thì chúng lợi dụng lúc mọi người chen lấn lên xe, xô đẩy hành khách ngã để móc túi.

Bác Linh cũng nói thêm rằng đừng tưởng trên xe buýt đã là an toàn. Bản thân bác đã chứng kiến nhiều vụ móc túi trắng trợn trên xe buýt, khi bị phát hiện, chúng còn to mồm đáp trả và dọa đánh khiến người mất của đành phải ngậm ngùi chấp nhận. 

Trao đổi với lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, được biết, Tổng Công ty đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội để đảm bảo tới mức tối đa an ninh, an toàn cho hành khách đi xe buýt.

Tuy nhiên, cũng theo ông này, do lực lượng mỏng (một ngày tối đa lực lượng thanh tra giám sát của Tổng Công ty chỉ kiểm tra được khoảng 6 - 7% lượt phương tiện trên tổng số gần 10.000 lượt) lại không có chức năng tạm giữ nên nhiều khi cũng "lực bất tòng tâm".

Được biết, theo quy định tại điều 138 Bộ luật Hình sự, sau khi làm rõ hành vi tội phạm, cơ quan Công an phải phối hợp với các ngành chức năng định giá tài sản trộm cắp để đánh giá mức độ phạm tội. Khoảng thời gian này thường kéo dài ít nhất từ 3-5 tuần. Trong thời gian ấy, đối tượng chỉ bị xử lý hành chính và lại được... tạm tha. Kết quả là tội phạm lại tiếp tục nhởn nhơ tái diễn hành vi phạm tội, gây biết bao hệ lụy cho xã hội và thách thức các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cuối cùng, cần phải nói rằng, con số vài ba chục vụ trộm cắp tài sản trên các tuyến xe buýt mà các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ từ đầu năm đến nay thực tế chưa làm vừa lòng những người lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 60 tuyến buýt với tổng cộng 940 xe đang hoạt động. Và nếu không nhanh chóng có những biện pháp lâu dài và thích đáng, những khách hàng thân thiết của chiếc xe vàng đỏ vẫn sẽ tiếp tục phải "nơm nớp" nỗi lo mất cắp.

Được biết, UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 463/UBND-NC gửi Giám đốc Công an thành phố yêu cầu xử lý nghiêm nạn móc túi ở các trạm xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, chính quyền địa phương thực hiện ngay việc điều tra, kết luận và xử lý nghiêm đối với các hành vi trộm cắp, móc túi tại các bến xe buýt và trên các tuyến xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

PV
.
.
.