Bỏ học nhiều, đi học lại ít

Thứ Hai, 03/11/2008, 20:32
Ông Phạm Văn Nghiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An lắc đầu: Năm nào cũng phân công nhau đến nhà vận động, thế nhưng rất ít em quay trở lại lớp. Năm nay trong số hơn 100 HS bỏ học, chỉ có 5 em đi học lại.

Mặc dù các cấp, ngành Giáo dục của tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế, thế nhưng tình trạng học sinh (HS) ở các huyện miền núi, vùng ven biển ở Quảng Ngãi bỏ lớp vẫn diễn ra với chiều hướng đáng lo ngại.

Những con số buồn      

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh vào tháng 10/2008, riêng 7 huyện miền núi và hải đảo Quảng Ngãi đã có khoảng 1.100 HS bỏ học, nhiều nhất là bậc tiểu học khoảng 550 em; THCS khoảng 500 em, còn lại là THPT. Địa phương dẫn đầu là huyện Sơn Hà, với khoảng 316 HS; Tây Trà trên 280 em. Riêng huyện Ba Tơ, trong 280 em bỏ học thì bậc THCS chiếm gần 200 em.

Gần 20 năm đứng lớp, cô Trịnh Thị Trình, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Trung, Sơn Hà không thể nhớ và tính được bản thân cùng các đồng nghiệp đã bao nhiêu lần phải lội suối, vượt đèo vào tận các bản làng để vận động các em trở lại trường.

Vào mùa thu hoạch đót đầu năm 2008 này, cô Trình kể: "Làng Lòn có 9 em học lớp 5A do mình chủ nhiệm thì tất cả đều nghỉ học đi bẻ đót".

Thầy Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu phó Trường Tiểu học Trà Lâm thở dài: Học sinh bỏ học, hay đến lớp "bữa đực bữa cái" vào mùa thu hoạch đót đã trở thành lệ, trong đó chủ yếu là bậc THCS.

Còn ở huyện Tây Trà, theo ông Đinh Văn Lập, Trưởng phòng GD huyện thì có nơi, số bỏ học chiếm tỉ lệ từ 40-75% so với tổng số HS của trường vào mùa đót vừa rồi. Không chỉ miền núi, mà một số vùng đồng bằng ven biển, số HS bỏ lớp cũng đáng lo ngại.

Theo BGH Trường THCS Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa thì từ đầu năm học 2008-2009 đến nay, toàn trường có đến hơn 100 HS bỏ học, trong đó khối lớp 6 chiếm khoảng 1/2.

Lực bất tòng tâm?

Để hạn chế phần nào tình trạng này, nhiều trường đã đưa ra những giải pháp hết sức tích cực. Ở Trà Lâm, Hội đồng nhà trường quy định: Lớp nào có HS nghỉ học 2 buổi thì giáo viên chủ nhiệm phải đến tận gia đình tìm hiểu nguyên nhân và thuyết phục trở lại lớp. Chính quyền một số nơi còn hỗ trợ gạo cho HS bậc THPT..., tuy nhiên kết quả mang lại không mấy khả quan.

Cô Trương Thị Thúy, giáo viên Trường THCS Sơn Mùa, huyện Sơn Tây thở dài: Vào thời điểm vụ mùa thu hoạch thì ngày nào các thầy cô cũng chia nhau đến nhà, lên tận rẫy để vận động các em trở lại lớp. Thế nhưng không ít trường hợp đến lớp được một vài buổi rồi lại nghỉ học.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An lắc đầu: Năm nào cũng phân công nhau đến nhà vận động, thế nhưng rất ít em quay trở lại lớp. Năm nay trong số hơn 100 HS bỏ học, chỉ có 5 em đi học lại.

Em Phạm Thanh Ty (lớp 6K) bỏ học hơn 2 tuần, giờ đi học trở lại "vô tư": Thích thì nghỉ ở nhà chơi vài tuần rồi đi học lại. Học không nổi thì nghỉ học ở nhà đi biển.

Một số cán bộ quản lý ngành Giáo dục các huyện miền núi than thở: Tại không ít địa phương, chính quyền sở tại rất ít quan tâm đến vấn đề này và xem đó là việc của ngành Giáo dục, của thầy cô nên việc vận động người dân trong vùng đưa con em mình bỏ lớp trở lại trường càng thêm khó khăn bội phần.

Bài toán vẫn chưa có lời giải

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi thì nguyên nhân chính là do phần hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, vì vậy các em vừa đi học nhưng vừa phải tranh thủ đi làm kiếm tiền, lao động để phụ giúp cho gia đình. Cho nên khi đến thời điểm các mùa vụ gieo trồng, thu hoạch... xảy ra tình trạng học "giã gạo" dẫn đến hổng kiến thức, không hiểu bài nên chán, rồi bỏ học. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh bận với việc kiếm sống và làm kinh tế nên ít quan tâm đến học hành của con.

Mặt khác, nhận thức về việc cho con đi học còn hạn chế. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp ở các huyện miền núi tuy đã được nâng cấp lên rất nhiều, thế nhưng nhiều nơi vẫn còn rất thiếu thốn và tạm bợ; một số điểm trường ở xa, vì thế khi đến được lớp các em mệt, không còn tinh thần tiếp thu bài, kiến thức; chất lượng của đội ngũ giáo viên còn hạn chế... cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên

Công Nguyễn
.
.
.