Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh

Thứ Bảy, 30/01/2021, 08:42
Theo dự thảo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2016 - 2020, cả nước trồng rừng tập trung được 1,134 triệu hécta, bình quân 227.000 ha/năm.

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm 2020. Đến nay, diện tích có rừng cả nước là 14,6 triệu hécta. Trong đó, rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng  4,3 triệu hécta. Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng từ  40,84% năm 2015 lên  42%  năm năm 2020, song trong vòng 15 năm qua, rừng phòng hộ cả nước đã mất 0,6 triệu hécta; riêng  giai đoạn 2006 - 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu hécta xuống còn 4,4 triệu hécta và giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu hécta.

Bên cạnh đó, diện tích rừng tuy có tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp. Theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy chỉ có 8,75% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình 24,79%, rừng nghèo 53,45% và rừng nghèo kiệt phục hồi 13,01%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn tới.

Theo số liệu theo dõi, tổng hợp của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã, sản xuất được khoảng 650 triệu cây giống lâm nghiệp mỗi năm phục vụ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán; trồng mới 68.240ha rừng phòng hộ (bình quân 13.650ha/năm); trồng mới 281.250ha rừng sản xuất (bình quân 56.250ha/năm). Tuy nhiên, do quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp và ở điều kiện khó khăn hơn nên diện tích trồng rừng phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất  có xu hướng giảm dần khoảng 15-20% mỗi năm (trồng rừng phòng hộ từ 18.500ha năm 2016, đến 2020 còn khoảng 10.100ha; trồng mới rừng sản xuất từ 79.000ha năm 2016 và 2017, năm 2019 trồng 39.000ha, đến 2020 còn 32.250ha).

Số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay cho biết, bình quân mỗi năm cả nước trồng được khoảng 66 triệu cây lâm nghiệp phân tán các loại. Vì vậy, định hướng trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, căn cứ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đăng ký kế hoạch trồng rừng của các địa phương, trong những năm tới, dự kiến mỗi năm trồng mới 6.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Như vậy, từ 2021-2025 cả nước sẽ trồng được 30.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng (tương đương khoảng 70 triệu cây).

Đối với trồng mới rừng sản xuất, giai đoạn 2021-2025 dự kiến trồng mới khoảng 150.000ha rừng sản xuất, bình quân khoảng 30.000ha/năm (tương đương với khoảng 240 triệu cây). Còn lại khoảng  690 triệu cây trồng phân tán trong các khu đô thị, vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đường giao thông, công sở,  khu văn hóa lịch sử, tôn giáo và các công trình công cộng khác,... Đến hết năm 2025, cả nước trồng được  ít nhất 1 tỷ cây  xanh.

Trong đó 690 triệu cây xanh trồng  phân tán ở các khu đô thị  và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và  trồng mới  rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đối tượng thực hiện chủ yếu là trồng cây xanh phân tán (bao gồm khu vực đô  thị  và  nông thôn) và một phần diện tích trồng cây xanh trong rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng mới rừng sản xuất, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ).

Mục tiêu Bộ NN&PTNT đưa ra, năm 2021 trồng khoảng 182 triệu cây xanh (trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Năm 2020 cả nước trồng được khoảng 80 triệu cây lâm nghiệp phân tán). Từ năm 2022 – 2025, mỗi năm trồng 204,5  triệu cây xanh (trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020).

Chi Linh
.
.
.