Bộ GTVT nghiên cứu tình trạng “cắt khúc” với hàng hóa, hành khách quá cảnh khi chuyển sân bay quốc tế ra Long Thành

Thứ Ba, 13/08/2013, 08:53
Trước kiến nghị của ông Mai Trọng Tuấn, cựu phi công Đoàn bay 919 và ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng quản lý bay - sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ngày 6/8 vừa qua Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu về đề tài này.

Theo đó, hai ông Mai Trọng Tuấn và Lê Trọng Sành đã cùng kiến nghị việc không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành với lý do: Nếu cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là để phục vụ chức năng của sân bay quốc tế; còn sân bay TSN phục vụ cho nhu cầu quốc nội sẽ phạm phải 2 sai lầm là gây trở ngại và bất tiện lớn cho hành khách và hàng hóa quá cảnh. Nếu dốc sức xây dựng cho bằng được, sẽ đánh mất một “hội điểm vàng” trên nhiều khía cạnh. Nhất là từ khi sân bay TSN được đầu tư mở rộng và nâng cấp, năng lực khai thác đã cải thiện nhiều.

Cả ông Tuấn và ông Sành đều cho rằng, nếu có nhu cầu khai thác lớn hơn, chỉ cần mở rộng sân bay TSN về phía Bắc để đảm nhiệm chức năng quốc tế, phía Nam sân bay dành cho khu vực nội địa. Khi đó, sân bay TSN sẽ có diện tích gấp đôi sân bay Changi của Singapore. Tầm vóc của TP Hồ Chí Minh càng được nâng lên.

Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh hiện đang mở rộng về phía Nam và phía Đông nên mặc nhiên TSN sẽ ở bìa ngoài về phía Bắc của thành phố. Vì vậy mở rộng sân bay này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến khu vực trung tâm thành phố. Đặc biệt, tới đây hướng lưu thông cho xe cộ, hành khách ra vào sân bay sẽ được giảm tải nhờ đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi. Khi nhu cầu phát triển hàng không tăng lên nữa, chỉ cần sử dụng thêm sân bay Biên Hòa. Để nối 2 sân bay cận  kề nhau này sẽ rất thuận tiện do đã có sẵn 2 xa lộ, cộng lại có tới 10 làn xe, các cầu qua sông đều là cầu đôi lớn. Đồng thời từ thành phố sẽ còn có thêm đường xe điện ngầm đến Suối Tiên, giáp Biên Hòa hỗ trợ hành khách, hàng hóa quá cảnh giữa 2 sân bay.

Trường hợp cần có sân bay Biên Hòa làm căn cứ bảo vệ Tổ quốc, chỉ cần xây dựng tại Long Thành một sân bay quân sự cấp I - cần đầu tư ít, thi công nhanh bởi gần đó còn có sân bay Phan Rang hỗ trợ. Thực hiện một sự hoán đổi lợi cả đôi đường về kinh tế, quốc phòng sẽ hơn là làm một sân bay quốc tế tại Long Thành, chơi vơi giáp với Bà Rịa

Đ.Thắng
.
.
.