Bình Thuận chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

Thứ Hai, 12/01/2015, 11:45
Bình Thuận là một trong những tỉnh cực Nam Trung Bộ, khí hậu khô hạn, lượng mưa rất ít trong năm và thời tiết nắng nóng nhất nước vào những tháng mùa khô.

Thời tiết hanh hao đầy nắng và gió của Bình Thuận là yếu tố quan trọng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và dễ lan nhanh. Năm 2014, xảy ra 27 vụ cháy rừng, trong đó có 19 trường hợp cháy rừng tự nhiên. Tuy không gây ra thiệt hại lớn, nhưng nguyên nhân cháy rừng cần phải được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, đa phần dân các huyện thị lên rừng chặt củi, tìm mai vàng, tìm gỗ, tre…

Những bếp lửa rừng cháy dang dở, đồng bào dân tộc đốt rẫy không được dập tắt rất dễ gây cháy. Trời lạnh, những người đi đêm thường đốt “cúi rơm” làm đuốc cũng dễ gây cháy. Ngay cả một tàn thuốc lá rơi xuống lá khô và cỏ tơ bùi nhùi cũng có thể gây ra đám cháy rừng khủng khiếp. Vào ban đêm tối trời, người dân vùng Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Bắc Bình, Đức Linh là những huyện có nguy cơ cháy rừng cấp độ nguy hiểm nhất.

Năm qua, Hạt Kiểm lâm TP Phan Thiết đã khởi tố 1 trường hợp cháy rừng trồng với diện tích 15ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết quản lý. Trên cơ sở xác định, thời tiết khô hạn kéo dài trong năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, phương án bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã có văn bản gửi các Hạt kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh.

Các lực lượng phối hợp diễn tập PCCC rừng.

Phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp PCCC rừng như cày băng cản lửa đối với rừng trồng, dọn phát và đốt làm giảm vật liệu cháy, chăm sóc băng xanh của các đơn vị còn lại, thu gom vật liệu cháy, bố trí nguồn nước thích hợp để dập lửa khi xảy ra cháy...

Mặt khác, các địa phương tăng cường việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ rừng cho 16/67 xã trọng điểm trên toàn tỉnh với trên 1.000 người tham gia và ký cam kết bảo vệ rừng, thực hiện tốt PCCC đối với cư dân sống trong khu vực có rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm cho biết, tỉnh Bình Thuận đang là một trong những địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp độ 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Bình Thuận hiện có tổng diện tích rừng 371.072ha, trong đó có trên 200.000ha thuộc diện có nguy cơ cháy cao. Đặc biệt khi thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ cháy rừng càng đáng báo động hơn.

Cơ quan chức năng đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ và PCCC rừng, trang bị máy thổi gió, xe cơ giới và hơn 2.500 dụng cụ dập lửa của các tập thể, cá nhân sẵn sàng ứng chiến khi có tình huống xảy ra.

Ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, BQL đã huy động 50 hộ dân làm rẫy sống ven khu bảo tồn tham gia vào công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống “giặc lửa” tại Bình Thuận vẫn còn không ít khó khăn. Ngoài việc bất lợi về điều kiện tự nhiên và thời tiết, kinh phí đầu tư cho PCCC rừng hiện còn thấp, phương tiện và điều kiện còn thiếu, yếu.

Việc chi trả công cho những người tham gia chữa cháy không đảm bảo. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong dân và trách nhiệm của hạt kiểm lâm, các BQL rừng, chủ rừng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống cháy rừng mùa khô tại Bình Thuận.

Nam Yên
.
.
.