Bình Phước: Hỗ trợ tiền nuôi voi để phục vụ du lịch và bảo vệ rừng

Thứ Hai, 10/11/2014, 14:58
Ngày 9/11, ông Vũ Đình Trúc – Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước cho biết, từ kiến nghị của các hộ đồng bào dân tộc Stiêng nuôi voi, Chi cục vừa ký kết bản thỏa thuận về hỗ trợ kinh phí nuôi voi với 4 hộ dân ở xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng) là chủ quản lý sử dụng 4 con voi.

Theo đó từ tháng 11/2014, sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/con, từ nguồn ngân sách của UBND huyện Bù Đăng cấp cho xã Đắk Nhau để chi hỗ trợ, thời gian hỗ trợ từ 1/11/2014 đến 1/11/2015, sau đó xem xét hỗ trợ tiếp, Chi cục cũng đã thống nhất mua lại 4 con voi của hai hộ là ông Điểu Cước – chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Tiến và ông Điểu Nhố (cùng ngụ xã Đắk Nhau, cùng dân tộc Stiêng) với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng (tương đương 500 triệu đồng/con).

Ông Vũ Đình Trúc cho biết thêm, thời gian qua các hộ nuôi voi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng voi nên đã đề nghị nhà nước hỗ trợ kinh phí. Hiện tỉnh Bình Phước đang triển khai thực hiện phát triển các dự án phát triển du lịch sinh thái gồm Khu du lịch sinh thái Trảng Cỏ Bù Lạch qui mô gần 5.000ha và Khu du lịch sinh thái Bù Gia Mập qui mô gần 19.000ha. Do đó việc hỗ trợ kinh phí nhằm mục đích bảo tồn đàn voi sắp tới phục vụ phát triển du lịch sinh thái cho hai khu du lịch này, đặc biệt phục vụ tuần tra rừng. Đặc tính của voi đã được thuần hóa là chỉ tuân theo mệnh lệnh của người đã nuôi dưỡng, chăm sóc nó từ nhỏ, vả lại các “ông voi” đã quen sống môi trường văn hóa với các tập tục của đồng bào dân tộc.

Một “ông voi” đang được chăm sóc, nuôi dưỡng. Ảnh: Đức Trí.

Do đó ông Điểu Cước – đại diện các hộ nuôi voi đã đồng ý chuyển những người chăm sóc, huấn luyện voi thành nài voi hợp đồng để tập cho voi các động tác cơ bản nhằm tiếp cận khách du lịch (ký kết hợp đồng từng năm). Sau khi chuyển các “ông voi” về Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, các nài voi này sẽ chịu sự quản lý của Ban này để huấn luyện voi phục vụ du lịch sinh thái và tuần tra bảo vệ rừng.

Từ trước đến nay các hộ nuôi voi xem các “ông voi” là con vật thiêng liêng trong đời sống tâm linh. Ngoài ra, nuôi voi còn để thể hiện uy quyền trong buôn sóc. Voi được các hộ sử dụng để cày kéo, đi rừng, săn bắt nhưng từ khi bị cấm phá rừng, săn bắt, hàng chục năm qua những “ông voi” trở nên… thất nghiệp thỉnh thoảng mới kéo vài cây cọc phụ giúp hàng xóm dựng nhà, cất chòi. Suốt thời gian dài phải tự nuôi dưỡng, chăm sóc rất tốn kém nên các hộ gặp khó khăn về kinh phí. Do đó việc hỗ trợ kịp thời các hộ nuôi voi không chỉ phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ rừng mà còn giúp bảo tồn và phát triển đàn voi lâu dài ổn định của tỉnh Bình Phước

Đức Trí
.
.
.