Bình Định: Tưởng niệm 153 chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng

Thứ Hai, 19/01/2009, 09:33
Ngày 17/1, nhằm ngày 22 tháng Chạp âm lịch, chính quyền và nhân dân thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức ngày giỗ tập thể của 153 chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Tại đám giỗ này, ngoài lễ dâng hương tưởng niệm còn là dịp để nhân dân địa phương báo công với các liệt sĩ về những thành tích trong năm của mình, tổ chức khen thưởng, tặng quà cho các gia đình tiêu biểu.

Thị trấn Đập Đá là một đầu mối giao thông quan trọng nằm ngay trên quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt. Chiếm giữ được Đập Đá có thể khống chế hoàn toàn hai con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam và trực tiếp uy hiếp địch ở thị xã Quy Nhơn.

Ngày 18/1/1968 (ngày 19 tháng Chạp năm Đinh Mùi), các chiến sỹ Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng đang đóng quân tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) bí mật tập kết tại làng Sở Nam để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Đập Đá, mở đầu cho chiến dịch Mậu Thân tại Bình Định. Mặc dù kế hoạch tác chiến đã được xây dựng khá chu đáo, nhưng địch "đánh hơi" thấy nên đã tăng cường 1 trung đoàn lính Nam Hàn thuộc sư đoàn "Mãnh hổ", 4 đại đội bảo an, 32 xe tăng và xe bọc thép... để phòng thủ.

Tối 19/1/1968, trong lúc các chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng đang tiến hành đào công sự chuẩn bị chiến đấu thì địch bất ngờ bao vây kín trận địa quân ta và pháo kích dữ dội. Bọn chúng dồn dân ra ngoài hòng cô lập bộ đội. Nhưng đêm đêm nhân dân vẫn bí mật tiếp tế lương thực và đạn dược cho các chiến sỹ. Mặc dù tương quan lực lượng là rất lớn nhưng các chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn chiến đấu ngoan cường, không lùi bước, kiên quyết giữ trận địa đến người cuối cùng.

Ngày 27/1/1968, địch dùng máy bay ném bom tàn sát khu vực Sở Nam, triệt hạ nhà cửa, cây cối, tài sản của nhân dân địa phương. Trong trận chiến đấu này, 153 chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng cũng đã anh dũng hy sinh.

Ngay trong Tết Mậu Thân, nhân dân địa phương đã mang xác các chiến sỹ của ta sang gò Đá Trắng, làng Sở Tây (nay là Tây Phương Danh) để chôn cất trong một ngôi mộ tập thể. Nhằm che mắt nguỵ quyền, nhân dân gọi đó là nơi chôn những tên lính Nam Hàn bị chết.

Bây giờ, mộ tập thể của 153 chiến sỹ Sao Vàng ngày xưa được xây dựng khang trang, nhân dân địa phương gọi là Nhà mộ tổ Anh hùng. Trước nhà mộ có một tấm bia đá ghi đầy đủ tên tuổi, quê hương của 153 liệt sĩ. Nơi đây đã trở thành một di tích lịch sử một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên đất Bình Định

Hoàng Minh
.
.
.