Bình Định: Sa tặc moi ruột sông Hà Thành

Thứ Hai, 20/07/2009, 10:10
Theo ông Nguyễn Văn Bàng (60 tuổi) người dân sống lâu năm ở xóm An Trạch, thôn Bình An 1, xã Phước Thành (Tuy Phước, Bình Định) thì chưa bao giờ nạn khai thác cát trái phép tại sông Hà Thanh lại ảnh hưởng đến người dân nơi đây như lúc này.

Căn nhà nguyên thủy của ông cách bờ sông Hà Thanh đến 30m vậy mà bây giờ nó đã gần đến bờ sông. 40 căn nhà ven sông ở đây đang đối mặt với nguy hiểm vì dòng sông bị moi ruột một cách tùy tiện, làm thay đổi dòng chảy, tạo thành những dòng xoáy bất thường khi mùa lũ tới, gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, uy hiếp đến các khu vực dân cư và một số công trình xây dựng lân cận. Đó là chưa nói đến việc khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh còn đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của những giếng nước thuộc Công ty Cấp thoát nước Bình Định.

Theo quy định thì việc khai thác cát phải cách xa giếng nước ít nhất 500m. Thế nhưng thực tế trong thời gian qua, nạn khai thác cát trên sông Hà Thanh đã xâm thực đến sát chân giếng nước của các trạm bơm. Về lâu dài chắc chắn những giếng nước này sẽ bị nhiễm bẩn, cạn kiệt nguồn nước đang cung cấp cho hàng chục ngàn hộ dân ở TP Quy Nhơn. Nhiều năm qua, nạn khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh thuộc địa bàn xã Phước Thành, huyện Tuy Phước liên tục diễn ra. Nhân dân bất bình nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện Tuy Phước chưa có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, làm xáo trộn tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Những ngày hè oi ả của tháng 7, đến sông Hà Thanh, đoạn sông thuộc khu vực thôn Bình An 1, xã Phước Thành việc sa tặc đang xới nát lòng sông để lấy cát đem bán càng diễn ra lộng hành. Mặc dù khu vực này đã được chính quyền địa phương cấm khai thác và nhiều lần truy đuổi đối tượng vi phạm, song việc khai thác mua bán cát làm vật liệu xây dựng giữa sa tặc và chủ xe ben vẫn diễn ra trắng trợn. Theo những người dân sinh sống ven sông Hà Thanh, ước tính mỗi ngày tại khúc sông này có khoảng 200 lượt xe ben chở cát, với khối lượng khai thác lên đến hàng ngàn mét khối. Việc khai thác cát tập trung một chỗ đã tạo nên những hố sâu, trở thành những cái bẫy rất nguy hiểm gây ra không ít vụ chết đuối cho trẻ em.

Mặc dù khai thác tràn lan như vậy, nhưng đáng ngạc nhiên là những cá nhân và doanh nghiệp mua bán cát không đóng thuế tài nguyên, phí môi trường, cũng như không hề đóng góp một khoản nào cho địa phương. Theo ông Cao Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, trước đây mỏ cát được giao cho địa phương quản lý, chính quyền cho doanh nghiệp đấu thầu, khai thác hợp lý có qui hoạch. Sau đó, UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý, đánh giá trữ lượng. Do nằm ngoài sự quản lý của xã, trong khi Sở Tài nguyên - Môi trường khó kiểm soát mỏ cát thì nạn khai thác cát trái phép ồ ạt diễn ra.

Trong khi còn chờ đợi quyết định của UBND tỉnh Bình Định về việc giao lại quyền quản lý nơi đây cho chính quyền địa phương thì sa tặc đang từng ngày ngang nhiên dầm nát, moi ruột lòng sông này một cách cố ý

Lê Hương
.
.
.