Bình Định: Phập phù lo “bom nước” ở O3

Thứ Hai, 10/11/2014, 12:06
Thôn O3 thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) nằm ngay dưới hạ lưu chân đập nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5. Ba năm qua, “bom nước” khổng lồ luôn rình rập đe dọa cuộc sống 32 hộ dân nơi đây. Trong khi đó, bài toán tái định cư cho người dân nơi đây chưa có lời giải.

Cách UBND xã chừng 4 km về phía Bắc, thôn O3 nằm bên kia sông Côn. Mùa này, con đường mòn độc đạo bắt qua sông dẫn về làng chìm trong nước, do Nhà máy mở cửa xả đáy. Để về được với làng vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi mất gần 30 phút dò chân trong lởm chởm đá trơn trượt và làn nước lạnh ngắt, chảy xiết.

“Nhắm mắt” băng sông

Người thôn O3 kể, hai tuần nay, kể từ thời điểm Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 bắt đầu xả cửa đáy, việc đi lại, giao thương của người dân gặp vô vàn khó khăn và nguy hiểm. Bà con ở các làng Đắk Tra, O5, Kon Trú, K6 (phía Tây trung tâm xã) vào thôn O3 của xã để làm ruộng rẫy và thu mua nông sản đều gặp khó khăn. Ngược lại, người dân O3 muốn đến trung tâm xã để làm việc, đi chợ, học hành cũng rất bất tiện. Hiện tại, để qua lại, thông thương giữa các khu vực này, cách duy nhất là “nhắm mắt” băng sông.

Đầu tháng 11/2014, có mặt tại khu vực này, PV tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: nhiều thanh niên cùng khiêng xe máy qua sông. Giữa dòng nước xiết, 4 thanh niên trai tráng oằn vai vượt sông với những bước chân loạng choạng. Đôi chỗ nước sâu, anh thanh niên hụt chân, chiếc xe nghiêng theo, cả người và một phần xe nhúng vào nước lạnh. Chật vật mãi, nhóm thanh niên mới đưa xe cập bờ thành công.

Anh Đinh Văn Chuynh (31 tuổi), chủ nhân của chiếc xe, lý giải: “Chiều nay, tôi lo nhờ anh em trong làng mang xe qua trước để sáng mai chở chị gái đi khám bệnh. Đường đi dạo này khó khăn nên hầu như bà con cũng ngại đi ra ngoài làng, tự cung tự cấp là chủ yếu”. Chỉ vào mực nước trên đường đi giữa lòng sông, anh bảo: “Mực nước còn thấp đấy. Chứ vào mùa mưa, Nhà máy thủy điện xả đáy 3 cửa, nước dâng lên cao, không thể qua lại”.

Người dân khiêng xe máy băng sông Côn.

Là một trong 3 hộ dân có nhà bị cuốn trôi mùa lũ trước, anh Đinh Trâm lo lắng: “Cả tuần nay, nhìn con nước lớn chảy xiết, ào ào đổ về ai nấy đều bất an. Nước lớn đồng nghĩa với chuyện làng bị cô lập, chia cắt, nhà cửa đứng trước nguy cơ bị “hà bá” nhấn chìm. Bờ kè đã hoàn thành nhưng nỗi lo nước lớn vẫn còn đấy”.

Nhiều năm gắn bó với thôn O3, thầy giáo Trương Hữu Chiên - hiện đang dạy tại điểm trường O3 - lại hướng nỗi lo lắng về các em học trò cấp 2 của mình. Số em đang học cấp 2 của làng chỉ chừng chục em. Vì ở bán trú, nên chuyện đi về của trò chỉ diễn ra vào dịp cuối tuần. Đoạn đường từ xã về làng đã xa, nay thêm đoạn lội sông nên vất vả và hiểm nguy gấp bội.

Khó tái định cư

Về chuyện tái định cư, ông Đinh Mun, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, phân bua: “Sau đợt lũ lịch sử xảy ra vào tháng 11-2013 khiến 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và bị cuốn trôi. Địa phương lập tờ trình gửi UBND huyện xin chủ trương di dời thôn O3 đến nơi ở mới - cách  làng cũ khoảng 1km về phía Nam (từ rẫy Bá Trâu thôn O3 đến suối Đắk Kpung) với diện tích khoảng 6ha. Sau đó, huyện có về khảo sát nhưng vị trí mới mà bà con yêu cầu thì không được chấp thuận. Đến nay, chuyện tái định cư nơi ở mới cho bà con vẫn còn bỏ ngỏ”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Qua khảo sát thực tế thì quỹ đất nơi bà con muốn di dời tới lại nằm ở vị trí sát núi, có độ dốc cao, rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn. Vì vậy, huyện đã lên phương án khác là tiến hành khảo sát, quy hoạch quỹ đất nằm phía trong điểm trường mẫu giáo O3, nơi có vị trí cao ráo, bằng phẳng, song người dân lại không đồng ý vì quan niệm chỗ ở mới không phải do bà con đích thân chọn sẽ gặp “xui xẻo”. Trước mắt, để đảm bảo an toàn, thì huyện yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn xây dựng kè chống sạt lở, đồng thời đổ đất gia cố phần móng, nhằm đảm bảo an toàn. Đến nay, công tác thi công đang bước vào giai đoạn hoàn thành.

“Nếu người dân vẫn sinh sống nơi ở cũ, vào mùa mưa lũ bà con đi lại bằng cách nào?” - PV thắc mắc. “Hiện nay, địa phương đang thi công mở tuyến đường dân sinh từ cầu treo O5 lên thôn O3, với chiều dài 5 cây số. Sau khi mở tuyến xong, đơn vị thi công tiến hành đổ cấp phối. Kinh phí thực hiện khoảng 1,5 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành cuối năm 2014. Công trình được thực hiện bằng nguồn vỗn hỗ trợ từ Dự án Rica Nhật Bản tài trợ. Do đó, trong điều kiện mưa lớn, con đường băng qua sông Côn bị ngập, bà con sẽ đi men theo con đường đang mở để đi tạm. Đến năm 2015, đơn vị thi công sẽ tiến hành đổ bê tông kiên cố hóa, kết hợp trồng cây xanh, gia cố đê kè, nên chuyện đi lại của người dân sẽ được thuận tiện”.

Theo UBND xã Vĩnh Kim, trong đợt lũ 11/2013 vừa qua, tại thôn O3 đã có 3 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, nguyên nhân ban đầu được xác định là do hệ thống kè 2 bên bờ sông phía hạ lưu chân đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 không được xây dựng, lũ qua tràn đã tạo nên những cột sóng đập vào hai bờ sông gây xói lở khu dân cư. Bên cạnh đó, lũ đã làm sạt lở và cuốn trôi hàng nghìn mét khối đất hai bên bờ sông bên dưới chân đập, một phần diện tích đất của thôn O3 cách chân đập khoảng 200m đã bị sạt lở.

Nhà máy Vĩnh Sơn 5 (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn) đặt tại xã Vĩnh Kim, gồm 2 tổ máy, tổng công suất 28MW, do Công ty cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ. Vài năm trước, khi đào kênh, thay vì tập kết về bãi thải theo quy hoạch, một lượng lớn đất đá đã bị đơn vị thi công trút đổ dọc bờ sông Côn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân, uy hiếp dòng chảy.

Hoàng Nguyên
.
.
.