Bình Định: Hàng trăm hộ dân “nhắm mắt” uống nước nhiễm phèn

Thứ Bảy, 18/01/2014, 15:27
Xã Tây Phú, cách thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) chừng 2km về phía Tây, nhưng hàng chục năm nay, người dân luôn phải đối mặt với những rủi ro về bệnh tật do nguồn nước mang lại. Không có hệ thống nước sạch để dùng, bà con nơi đây vẫn phải “nhắm mắt” làm liều mỗi ngày khi trực tiếp sử dụng nguồn nước nhiễm phèn từ bể lắng lọc thủ công, gây ô nhiễm nặng.

Vừa dẫn tôi đến xem giếng nước nhà mình bị nhiễm phèn nặng, nước vẩn đục, ông Đỗ Văn Thành, một hộ dân sống ở xóm 2, thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) phân trần: “Mặc dù gia đình đã xây bể lắng lọc để giảm lượng phèn nhưng vẫn không ăn thua. Nước nấu ăn, uống đổ vào phích chỉ vài phút là đỏ quạch, cặn lắng dưới đáy. Trẻ nhỏ uống vào dễ đau bụng, tắm rửa thì rất ngứa ngáy. Khổ lắm!”.

Cách nhà ông Thành chừng 300m, giếng nước nhà anh Lê Văn Khương cũng ở trong tình cảnh tương tự. “Giếng nước gia đình tôi đóng cách đây 3 năm, nhưng rồi không sử dụng được. Nước toàn bị đục ngầu, có mùi hôi ngai ngái, rất khó chịu. Không có nước để dùng, hằng ngày các thành viên trong nhà phải bấm bụng liều dùng”, anh Khương lo lắng.

Qua khảo sát của chúng tôi, hiện không riêng gì gia đình ông Thành, ông Khương, hơn 200 hộ dân khác ở các xóm Đồng Lầy thôn Phú Lâm; xóm 2, xóm 3, xóm 4 thôn Phú Thọ và xóm 1, xóm 2 thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) cũng đồng cảnh ngộ. Theo thống kê của chính quyền sở tại thì toàn xã có khoảng 500 hộ phải sử dụng nước bị nhiễm phèn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo ông Lê Hùng Cường - Phó Trưởng trạm Y tế xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) thì mỗi năm, trên địa bàn xã có đến hàng trăm trường hợp nhiễm các chứng bệnh liên quan đến răng miệng, ngoài da và đường ruột, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: “Toàn xã Tây Phú có khoảng 2.500 hộ dân với 9.500 nhân khẩu. Theo thống kê hiện nay, địa phương có khoảng 80% hộ dân dùng nước giếng tại nhà. Tuy nhiên, phần lớn giếng nước của bà con đều bị nhiễm phèn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.

Theo ông Thành, ở xã Tây Phú duy chỉ có 1/4 thôn Phú Thịnh và Phú Thọ nằm gần nhà máy nước sạch thị trấn Phú Phong là có nước sạch để dùng, còn lại hàng trăm hộ dân khác với hàng ngàn nhân khẩu phải sử dụng nước từ những giếng nhiễm phèn, đỏ quạch. Ông Thành cũng thừa nhận chính quyền địa phương trở nên bất lực bởi không thể tìm giải pháp hữu hiệu nào giúp người dân tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tật do phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn. “Thôn Phú Hiệp, Phú Lâm, Phú Mỹ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 50% nước bị vẩn đục, nhiễm phèn. Để có nguồn nước sạch ổn định và lâu dài cho bà con là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. Tuy nhiên, điều đó là nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương vốn còn nhiều khó khăn về tài chính. Trước mắt, UBND xã đã vận động bà con tự xây dựng bể lọc bằng xi măng để loại bỏ bớt phèn, phục vụ cuộc sống” - ông Thành nói.

Mong mỏi của người dân xã Tây Phú về việc giải “cơn khát” nước sạch là chính đáng; thiết nghĩ, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền sớm xem xét đầu tư dịch vụ hệ thống nước sạch để đảm bảo vệ sinh cho người dân

Hoàng Nguyên
.
.
.