Biến tướng từ một chương trình hội chợ dành cho trẻ em

Thứ Sáu, 31/05/2013, 21:42
Quần áo người lớn “đại đại hạ giá”; rổ rá, xô chậu, lồng bàn, thực phẩm chức năng, dây lưng, ví da, ấm, chén… được đưa vào Hội chợ đồ chơi và quà tặng trẻ em 1-6 lần thứ 14 đang diễn ra tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Đồ chơi, quà tặng trẻ em bị lép vế bởi hàng loạt mặt hàng không liên quan gì đến trẻ em bày kín trong hội chợ.

Thế mà từ nhiều ngày nay, những băng rôn quảng cáo về hội chợ này nhan nhản trên mặt phố, nào là “tại hội chợ có nhiều chương trình lý thú và bổ ích dành tặng các em nhân dịp Tết thiếu nhi” khiến nhiều người quan tâm. Phụ huynh đưa con đến đây đều thất vọng vì sự biến tướng của một chương trình dành cho thiếu nhi sang hướng kinh doanh đồ người lớn.

Hàng hóa tạp nham

Chiều 28/5, trong cái nắng gay gắt, một số phụ huynh cho con vào Hội chợ đồ chơi và quà tặng trẻ em tại Công viên Thống Nhất, đã vô cùng thất vọng về việc quảng cáo một đằng, thực hiện một nẻo ở hội chợ này.

Chị Lê Thị Ngọc, nhà ở phường Định Công, Hà Nội bức xúc: “Hàng trẻ em thì ít mà quần áo người lớn đại hạ giá thì nhiều. Nhìn vào hội chợ này thì giống như chợ bán quần áo đổ đống nhiều hơn”. Quả như những gì người dân phản ánh, ngay cổng công viên là quầy bán xô, chậu và các đồ dùng bằng nhựa khá lớn. Xô chậu ngổn ngang trông chẳng khác nào vào chợ quê. Kế đó, cũng ở ngay mặt tiền là dãy hàng quần áo người lớn treo chằng chịt. Từ áo may ô đến bộ đồ ngủ được đổ đống hoặc treo trên mắc. Khách mua là những người đi tập thể dục ở công viên. Hai dãy ki ốt kéo dài tận vào phía trong cũng chủ yếu bán các quần áo hạ giá, giày dép đổ đống, bát đĩa, ấm chén, ví da, dây lưng, gạo, mắm muối...

Những quầy hàng đồ chơi hiếm hoi ở hội chợ, nhưng phần lớn là không rõ xuất xứ, không có tem hợp quy.

Điều khá bất ngờ là ki ốt nào cũng treo la liệt tấm biển “quần áo hạ giá” như: 100k/3 áo sơ mi, hàng đồng giá 35k/chiếc; đại hạ giá 50k. Để bắt mắt người mua, có chỗ còn treo biển quảng cáo “đại đại hạ giá, 100k/3 chiếc” hoặc “siêu siêu rẻ, 25k/áo”, “giá sốc, giảm đồng loạt”… “100 nghìn 4 chiếc áo sơ mi”- cô bán hàng mời gọi. “Ngày nào em chẳng mang vào công viên này bán, chất lượng tốt lắm, đàn ông đi tập thể dục toàn mua để mặc”- cô tiếp tục phân bua.

Quần áo người lớn đổ đống bán đại hạ giá có mặt ở hội chợ dành cho trẻ em, nó khiến cho các phụ huynh lắc đầu ngao ngán. Ở hội chợ này, người ta còn bán cả thực phẩm chức năng như gạo lứt đến các hàng hóa tạp phẩm khác. Có ki ốt còn bán các loại đá, vòng, thậm chí còn bày bán và quảng cáo hạt đậu Bình An có xuất xứ từ Ấn Độ, chữa khỏi rắn cắn, đau đầu, mất ngủ, bóng đè…

Đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc tràn vào hội chợ

Nhễ nhại mồ hôi sau khi đi một vòng quanh hội chợ, chị Nguyễn Hà Phương đành mua cho con chiếc ôtô chạy bằng pin vì “ngoài đồ chơi chẳng có gì để mua cho cháu cả”. Hàng trẻ em chỉ chiếm phần nhỏ trong hội chợ và ngoài vài hàng quần áo, chỉ có đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có dấu hợp quy bày bán. Ghé vào hàng đồ chơi treo tấm biển “đồng giá 40k”, chúng tôi thấy chất lượng đồ chơi này thật là kém. Cầm chiếc ôtô cảnh sát và chiếc xe tăng chạy bằng pin khá to mà có giá 40k/chiếc, chúng tôi thắc mắc vì không thấy dấu hợp quy. Tức thì, chủ hàng khoát tay: “Đồ chơi nào bây giờ chẳng của Trung Quốc, lấy đâu ra dấu má”!

Đồ chơi nhập lậu, không nguồn gốc, chất lượng kém, độc hại đưa vào Hội chợ tiêu dùng cho trẻ em thì thật là… hết nói. Đặc biệt, khi cầm những đồ chơi này, chúng tôi không khỏi giật mình lo lắng vì nó được làm bằng chất liệu nhựa không đảm bảo, màu sắc nhợt nhạt. Khi chơi các đồ chơi kém chất lượng này, trẻ em liệu có bị nhiễm độc hay không?

Xem qua một lượt các kiốt đồ chơi trong hội chợ, chúng tôi thấy hầu hết là đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tính độc hại của nó. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp một kiốt bán đồ chơi có dấu hợp quy. “Tôi không tin lắm về cái dấu hợp quy dán ở chiếc xe này, nó mờ mờ như dấu phôtô” - một khách hàng đang mua đồ chơi cho con ngần ngại. Duy nhất trong hội chợ có một kiốt bán đồ chơi bằng gỗ nhập khẩu từ Nhật Bản nhưng giá thành tương đối cao.

Mặt hàng làm quà tặng cho trẻ như thú nhồi bông trong nước sản xuất hay đồ chơi dân gian đều vắng bóng ở hội chợ này. Khơi gợi tính truyền thống, tình yêu đất nước từ những mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em đều không có. Đến hội chợ, người ta chỉ thấy siêu nhân, rôbốt, ôtô, máy bay, tàu hỏa… không rõ xuất xứ, không được kiểm định về độ an toàn. “Tôi chẳng thấy có chương trình lý thú và bổ ích nào dành cho trẻ em như quảng cáo. Không có gian hàng vui chơi trí tuệ hay mang tính giải trí cho trẻ, mà chỉ thấy bán đồ chơi như ở phố Lương Văn Can, Hàng Mã”, một khách tham quan hội chợ cho biết.

Chào mừng Quốc tế thiếu nhi 1-6, nhiều chương trình giải trí cho trẻ em được quảng cáo rầm rộ ở Hà Nội. Tổ chức các chương trình, hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ em nhân dịp này là việc làm nên khuyến khích. Nhưng việc mang trẻ em ra để quảng cáo và hoạt động không đúng mục đích là điều đáng phê phán. Hội chợ hàng tiêu dùng “Đồ chơi và quà tặng trẻ em 1-6 lần thứ 14” gây thất vọng cho khách hàng nhí và phụ huynh. Mục đích và ý nghĩa tốt đẹp đã bị biến tướng. Việc bán đồ chơi, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm định chất lương và độ an toàn ở hội chợ này thì cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội có biết hay không?

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.