Quản lý "gánh hàng rong":

Biện pháp hành chính không quản được... thói quen

Thứ Hai, 06/04/2009, 11:11
Quản lý VSATTP là lĩnh vực "khó nhằn" đối với không chỉ ngành Y tế mà cả chính quyền các địa phương. Trong đó quản lý đối với thức ăn đường phố mà ta hay gọi đơn giản là hàng rong có thể nói là "xương" nhất. Quyết định 11/Bộ Y tế ra đời từ năm 2006 nhưng cho đến nay, việc áp dụng những quy định của nó đối với hàng rong vẫn còn quá xa vời.

Trong 10 điều quy định về quản lý đối với thức ăn đường phố thì một trong số đó quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Việc này đã được ngành Y tế và chính quyền TP HCM bắt tay nhau quyết tâm đưa vào quản lý không chỉ đối với thức ăn đường phố mà cả các quầy sạp ăn uống trong các chợ truyền thống. Nhưng thực tế đã không suôn sẻ.

Tại quận 6, qua hơn 2 năm nhận làm quận thí điểm về đảm bảo VSATTP, Phó Chủ tịch UBND quận - bà Lê Thị Vuôn đã phải "kêu trời" vì không quản nổi hàng rong. Các sạp trong chợ cũng chẳng hơn gì. Trong 433 cơ sở kinh doanh thực phẩm của quận chỉ cấp giấy chứng nhận được 322 cơ sở. Để cấp giấy chứng nhận cho các quầy ăn uống trong chợ, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận đã phối hợp với Ban quản lý kêu chủ từng sạp lên lớp tập trung, tham dự lớp tập huấn kiến thức sơ đẳng về VSTP 2 ngày.

Từng tiểu thương được làm hồ sơ, nhưng qua 1 năm vất vả mà trong tổng số 1.326 quầy sạp trong 4 chợ của quận (Phú Lâm, Bình Tây, Bình Tiên, Minh Phụng) mới chỉ có 1.007 chủ quầy tạm đồng ý xin đăng ký làm hồ sơ cấp. Kết quả cho tới nay chỉ có 228/1.326 chủ sạp được cấp giấy. Đặc biệt trong số hàng rong chỉ cấp được 36 giấy, đạt tỷ lệ 0,18%.

Không chỉ lãnh đạo địa phương khó khăn mà ngành Y tế cũng bối rối. Ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đưa ra câu hỏi: Quản lý VSATTP quầy sạp trong chợ hiện khó cái gì? Và phải tự trả lời: Khó vì ý thức tiểu thương. Vì năng lực đầu tư của BQL các chợ không đáp ứng nổi các điều kiện của ngành Y tế. Lâu ngày BQL… ngại, từ bỏ luôn trách nhiệm hỗ trợ các tiểu thương thực hiện vấn đề VSTP.

Thực tế khi thí điểm tại quận 6 và Hóc Môn, các quầy sạp của Nhà nước cho thuê thì có thể sắp xếp được. Oái oăm là quầy sạp thuộc chủ quyền riêng của tiểu thương. Di dời giải tỏa những sạp này có khác chi giải tỏa nhà.

Đại diện Phòng Kinh tế quận 6 than: "Việc này còn khó hơn… lên trời". Chẳng tiểu thương nào chịu vì lo mất mối lái, lo miếng cơm bị ảnh hưởng. Không thể di dời theo đúng yêu cầu ngành Y tế, hoạt động trong điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, trong cảnh VSTP ô nhiễm thì ngành Y tế không thể cấp giấy. 

"Gánh hàng rong" trong chợ đã vậy. Hàng rong ngoài đường còn khó gấp bội. Trên lý thuyết là sẽ quản lý hàng rong từ nơi bán hàng tới tận nơi… cư trú. Theo đó, giấy chứng nhận được cấp bởi UBND phường, xã nơi cư trú. Địa phương nơi người bán sẽ có "giấy phép" về thời gian và địa điểm kinh doanh. Nghe qua thật chặt chẽ nhưng thực tế thì "lực bất tòng tâm". 

Bà Lê Thị Vuôn, Phó Chủ tịch UBND quận 6 phát biểu: "Chúng tôi đã làm rất quyết liệt với hàng rong. Hành vi vi phạm VSATTP theo Nghị định 45 của Bộ Y tế có thể bị phạt tới 10-15 triệu đồng/lần nhưng cơ sở nhỏ quá thì cơ quan chức năng chỉ tốn thời gian và giấy mực làm biên bản, còn đối tượng có tiền đâu mà nộp phạt?".

Bà Đào Mỹ Thanh, Trưởng khoa VSATTP TTYTDP TP cho hay: Trong 102/305 phường, xã trong TP đăng ký làm điểm về thực hiện đảm bảo VSATTP tại TP HCM từ 2007 tới nay thì chỉ có 23% số cơ sở đạt yêu cầu. Trong 1.312 hàng rong của 102 phường, xã trên, chỉ có 100 phường, xã đạt. Bà Thanh thừa nhận "hàng rong quản không xuể".

Qua giám sát 10 tiêu chí đảm bảo VSTP tại 102 phường, xã điểm trên, chỉ có 55% trong tổng số 102 phường, xã trên sau 2 năm thực thi đăng ký phường, xã điểm, nhân viên bán hàng mới có thói quen đeo tạp dề, mũ (1/10 tiêu chí). Thói quen bốc thức ăn tay không, ngại đeo bao tay nilon thì "làm hoài" mà 10 năm nay vẫn không làm nổi. Mọi thao tác chế biến của các chủ hàng theo kiểu "khuất mắt trông coi".

Mấy năm qua, việc người dân tẩy chay gà vịt khi có dịch cúm gia cầm, sữa lập tức không có người mua khi chứa melamine. Điều này chứng tỏ VSATTP đã có sự quan tâm. Nhưng thực tế ghi nhận như trên phải chăng các cơ quan chức năng chưa đưa ra những cảnh báo đủ để người tiêu dùng chú ý. Phải chăng bên cạnh những biện pháp hành chính còn rất cần có những biện pháp tuyên truyền hữu hiệu hơn

Nga Huyền
.
.
.