Vụ bác sĩ phẫu thuật làm chết bệnh nhân, ném xác xuống sông Hồng?

Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bộ trưởng Y tế nói gì?

Thứ Sáu, 25/10/2013, 08:16
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, vụ "ném xác bệnh nhân" xảy ra ngoài sự tưởng tượng, suy nghĩ bình thường của mọi người. Mức độ vi phạm không chỉ là rất nghiêm trọng về mặt phẩm chất đạo đức đối với một người thầy thuốc mà ngay cả về mặt lý trí của con người... Còn Bộ trưởng Y tế nói: Hiện nay chúng tôi đang tìm mọi giải pháp, kể cả giáo dục, kể cả cơ chế tài chính và pháp luật, nhưng có lẽ không thể một sớm một chiều.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Vụ án “vượt quá ngưỡng suy nghĩ”

“Các bác sĩ ngoài giờ làm việc có thể làm thêm, luật đã cho phép như vậy nhưng cũng phải xem làm thêm đến mức độ nào, đến loại dịch vụ nào thôi. Những kỹ thuật quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người thì phải do những bệnh viện hiện đại thực hiện chứ không phải bác sĩ cứ một con dao, mấy loại dụng cụ là có thể làm được mọi thứ” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định quan điểm xung quanh vụ bác sĩ cơ sở Cát Tường phẫu thuật nâng ngực làm chết bệnh nhân, vứt xác xuống sông. Dù là phiên thảo luận về kinh tế với các điểm nhấn mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng vụ án ngành Y lại làm nóng tại nhiều tổ. Ngay trong giờ giải lao, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đã được báo chí “săn đón”...

Ông Phạm Quang Nghị nói: Hà Nội là nơi xảy ra vụ việc nhưng nhiều nơi, nhiều cơ quan ban ngành phải có trách nhiệm cùng xử lý. Rồi vấn đề cơ chế chính sách, lâu nay chúng ta muốn tạo ra sự thông thoáng để người dân có thể tự lựa chọn dịch vụ y tế cho mình nhưng bây giờ cũng cần tính lại xem độ thoáng đến mức nào là vừa, giới hạn những dịch vụ này được làm đến mức nào, việc nào không được phép...

- Hà Nội gần đây xảy ra nhiều vụ án rúng động dư luận liên quan y đức bác sĩ, trong khi người dân cả nước vẫn kỳ vọng về Thủ đô khám, chữa bệnh sẽ được đảm bảo chất lượng. Do vậy, ngoài xử lý vụ việc, ông tính chuyện chấn chỉnh y đức ở Thủ đô thế nào để lấy lại lòng tin người dân?

Việc này có thể nói xảy ra ngoài sự tưởng tượng, suy nghĩ bình thường của mọi người. Mức độ vi phạm không chỉ là rất nghiêm trọng về mặt phẩm chất đạo đức đối với một người thầy thuốc mà ngay cả về mặt lý trí của con người, hướng xử lý hậu quả do bác sĩ đó gây ra cũng vượt quá ngưỡng mà mọi người có thể suy nghĩ được. Mức độ chấn động gây ra đối với mọi người trong xã hội rất lớn.

Do tính chất nghiêm trọng như vậy, việc xử lý phải rất đồng bộ, rất cương quyết, không những giải quyết xong được vụ việc này mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe chung. Báo chí ngoài việc thông tin, miêu tả, phân tích thông tin thì cũng cần có định hướng cho dư luận xã hội trở về với những phạm trù đạo đức thiết yếu để những việc như vậy không lặp lại nữa. Một người thầy thuốc có thể là không may gặp sự cố, gây hậu quả chết người nhưng cũng phải ứng xử thế nào chứ không thể xử sự như trong vụ việc này được.

- Dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm cơ quan chức trách trong vụ việc, ông suy nghĩ thế nào? 

Giờ tất cả các khâu phải rà soát lại hết, không được chừa khâu nào. Ngay bây giờ tôi nói về vấn đề quảng cáo, những người đăng quảng cáo về thẩm mỹ viện này có phải chịu trách nhiệm không, đăng quảng cáo như vậy nhưng có đến thẩm tra xem nội dung đăng quảng cáo có đúng không. Chất lượng, chuyên môn, dịch vụ, thiết bị có đúng như thế không hay người ta cứ gửi quảng cáo tới, đưa tiền thì đăng thôi? Vậy nên rất nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc này.

- Nhưng trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Sở Y tế, rồi chính quyền quận đến đâu?

Về việc này, quy trách nhiệm thuộc về ai? Tôi nghe có ý kiến nói lỗi thuộc về tất cả, từ hệ thống cơ chế chính sách quản lý hiện nay về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân từ khâu cấp phép, rồi sau cấp phép hậu kiểm, kiểm tra hoạt động của cơ sở ấy. Bởi vì có khi đăng ký xin cấp phép lĩnh vực này nhưng những người thực hiện sau đó lại lén chuyển sang làm một việc khác, thì cũng phải rõ trách nhiệm. Báo chí, dư luận cũng chưa đề cập nhiều về sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn các dịch vụ liên quan rất lớn đến sức khỏe của con người. Còn nói chính quyền địa phương thì gồm UBND nhưng Ủy ban cũng không phải là nơi cấp phép hoạt động này. Sở Y tế cũng chưa cấp phép cho cơ sở hoạt động nên giờ nói trách nhiệm của ai, quy cho một người rất khó.

- Sở không cấp phép nhưng có trách nhiệm thanh, kiểm tra phát hiện sự việc, bởi cơ sở này đã hoạt động nửa năm ở vị trí mặt tiền, quảng bá rầm rộ chứ không phải lén lút gì?

Những việc đó đều phải được làm rõ để xử lý. Cơ sở này chưa được cấp phép để làm kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ mà lại tự ý làm và người bác sĩ dù có trình độ tay nghề chuyên môn cứng nhưng muốn thực hiện kỹ thuật phức tạp cần phải có một hệ thống trang thiết bị, những người giúp việc về lĩnh vực chuyên môn… chứ không phải một mình bác sĩ có thể làm được. Tôi nghĩ, nếu việc này xảy ra trong một bệnh viện hiện đại, khó dẫn đến hậu quả chết người vì ở đó có phương tiện cấp cứu kịp thời. Còn bác sĩ này, bệnh viện quản lý ông ấy vào giờ hành chính nhưng ông ta lại đi làm việc này vào thứ 7, lại là làm ngoài...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Tôi rất khổ tâm, day dứt”

Phát biểu về những vụ việc động trời liên quan đến ngành Y trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Đạo đức nghề nghiệp, y đức trong thời gian qua có báo động rất lớn. Tôi rất đau đớn, xót xa. Tôi cũng thấy đây là trách nhiệm nặng nề và phải cố gắng rất lớn. Hiện nay chúng tôi đã ra hàng loạt các văn bản, chỉ thị, rồi tập huấn đến 6000 cán bộ tuyến huyện.

Thế nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có chế tài và đang xây dựng. Không chỉ ngành Y mà cả xã hội phải quan tâm, có những chế tài thật sự nghiêm túc. Hiện nay chúng tôi đang tìm mọi giải pháp, kể cả giáo dục, kể cả cơ chế tài chính và pháp luật, nhưng có lẽ không thể một sớm một chiều. Tôi rất đau xót, khổ tâm, day dứt, đang tìm nhiều biện pháp với nhiều chuyên gia để giải quyết. Chúng tôi biết rằng người dân than phiền và chúng tôi cũng đã từng chứng kiến điều đó. Hiện nay chúng tôi đang rất nỗ lực”.

Liên quan đến việc cải thiện chất lượng y tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Chính phủ đã quyết đầu tư 20 nghìn tỷ phát triển bệnh viện tuyến cuối vì quá tải. “Từ khi giải phóng đến nay TP HCM chưa xây bệnh viện mới nào ở cấp TP, chủ yếu là bệnh viện cấp quận, huyện. Hà Nội thì từ khi giải phóng đến nay mới xây thêm được 3 bệnh viện quy mô nhỏ. Số giường bệnh/người của chúng ta mới đạt 22,5/10.000 dân, trong khi những nước như Hàn Quốc thì là 40 hay Nhật Bản thì 140. Chúng ta thấp như thế nên không đầu tư là rất khó.

Các đại biểu như Lê Trọng Nghĩa, Trần Du Lịch có đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và các địa phương tăng cường đầu tư hơn nữa. Đặc biệt  hiện nay đất đang quy hoạch treo, đang thu hồi trong khi xây dựng bệnh viện phải giải phóng mặt bằng rất lớn, nên dành đất ấy cho bệnh viện, kể cả ngoài công lập. Tài chính y tế có thay đổi, vừa rồi Chính phủ hết sức ưu tiên giải quyết bảo hiểm y tế cho người nghèo. Chất lượng khám chữa bệnh đang được tăng cường hơn. Hiện nay nếu chỉ đầu tư cho bệnh viện tuyến cuối thì người dân đổ lên trên này hết, vì vậy chúng tôi cũng đang đầu tư xây thêm khoảng 40 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh, cũng phải 2, 3 năm nữa mới hoàn thành”

Đ.Minh - V.Hân (ghi)
.
.
.