Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đối thoại với thanh thiếu niên chậm tiến

Thứ Tư, 08/09/2010, 13:07
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối thoại trực tiếp với 394 thanh thiếu niên chậm tiến về vấn đề ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, tạo môi trường lành mạnh, giữ gìn TTXH.

Ngày 7/9, Công an thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức chương trình gặp mặt, trao đổi cho gần 300 thanh thiếu niên chậm tiến tại 7 quận, huyện của TP Đà Nẵng với các học sinh đang học tập, rèn luyện tại Trường Giáo dưỡng  số 3 - Bộ Công an và các phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Hòa Sơn - Đà Nẵng, nhằm mục đích giao lưu, trao đổi, đồng thời đẩy mạnh việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ và cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Được biết, để nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ, qua đó từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo ANTT, giữ gìn TTXH, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình "5 không, 3 có" của thành phố… Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng từ nhiều năm qua luôn khuyến khích và phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn.

Thanh thiếu niên chậm tiến tham quan xưởng mộc của các phạm nhân đang cải tạo tại trại giam Hòa Sơn.

Qua chương trình gặp mặt thanh thiếu niên chậm tiến lần này, còn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường bằng hình thức thực tế xác thực nhất. Các em được giao lưu, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các trẻ em phạm tội đang học tập và giáo dục tại Trường Giáo dưỡng số 3. Được nghe những tâm tư, những suy nghĩ và hiểu thêm được quá trình dẫn đến phạm pháp, để giúp các em có nhận thức đúng đắn vươn lên trong cuộc sống trở thành những công dân tốt.

Đây cũng là sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành của thành phố đối với các em và mong muốn rằng thông qua đợt dã ngoại như thế này để  các em có những cảm nhận sâu sắc hơn về bản thân mình và từ đó có cách nhìn nghiêm túc hơn để tránh xa những cám dỗ đang từng giờ từng ngày gặm nhấm vào suy nghĩ và việc làm của các em.

Được biết, ngoài chương trình gặp gỡ và nói chuyện, tìm hiểu thực tế những cơ sở sản xuất, nơi sinh hoạt và cải tạo của các phạm nhân Trại giam Hòa Sơn, học sinh Trường Giáo dưỡng số 3, các thanh thiếu niên chậm tiến còn được đi tham quan thắng cảnh Bà Nà nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng và sinh hoạt cộng đồng cùng các đoàn viên thanh niên ưu tú của Công an thành phố và Thành đoàn Đà Nẵng.

Ngày 7/9, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trủ trì buổi gặp mặt với 294 thanh thiếu niên chậm tiến, độ tuổi từ 12 đến 17 thuộc 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là những thanh thiếu niên chủ yếu đã từng phạm vào các tội như: trộm cắp, đánh nhau, gấy rối trật tự công cộng,... được Công an, chính quyền địa phương theo dõi. Trong số này, hầu hết các em đều thuộc con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ít được học hành.

Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Bá Thanh đã tâm sự, chia sẻ nhằm mong muốn các em tiến bộ và trở thành những con người có ích cho xã hội, góp phần vào xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu mạnh trong tương lai.

Theo ông, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau có thể khiến các em có những suy nghĩ tiêu cực, tuy nhiên không nên vì thế mà "buông xuôi" rồi bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào các hành vi phạm pháp. Bởi hậu quả của việc vi phạm pháp luật thì không chỉ có các em mà cả gia đình và xã hội phải gánh chịu. Hơn nữa, Đà Nẵng đang hướng đến phát triển thành một thành phố du lịch mà các hành động cướp giật túi xách, tai nạn giao thông, nghiện hút,... sẽ khiến khách du lịch không mặn mà gì với việc tham quan tại đây. Các em hầu hết đều là công dân của thành phố, vì vậy phải có nhiệm vụ cùng chung tay xây dựng thành phố phát triển.

Sau buổi gặp mặt, ngành Công an phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh rà soát lại các thanh thiếu niên tham gia buổi gặp mặt này, nếu còn tiếp tục vi phạm một lần nữa sẽ bị mang đi giáo dục tại Trại Giáo dưỡng. Trường hợp nào có hoàn cảnh quá khó khăn, nếu cam kết không tái phạm tội và mong muốn học nghề để đảm bảo cuộc sống thì báo cáo với Đoàn Thanh niên trực thuộc, thành phố sẽ tạo điều kiện để các em có nghề ổn định cuộc sống

Hoài Thu
.
.
.