Bí mật từ một "lá đơn xin chết"

Thứ Hai, 17/01/2011, 12:00
Tôi thắp ba nén nhang lên mộ ông để xin lỗi ông vì tôi đã kể ra câu chuyện này. Đó là một câu chuyện liên quan đến đời tư của ông mà tôi đã giữ kín 30 năm qua.

Vào cuối năm 1980, khi tôi được phân công về làm Cảnh sát khu vực ở phường Liên Bảo, thị xã Vĩnh Yên (nay là TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Nói là thị xã nhưng địa bàn tôi phụ trách còn nghèo nàn lắm. Dân ở đây chủ yếu là làm thuê và buôn bán nhỏ.

Tối 27 Tết, tôi đã tạm giữ một xe (xe cải tiến) chở gỗ lậu do hai chị em Nguyễn Thị H. vận chuyển từ hướng núi Tam Đảo về trung tâm thị xã.

Chiều 29 Tết, tôi đang làm việc tại trụ sở Công an phường thì Nguyễn Thị H. cùng bạn là Đinh Thị Ng. đến nộp một lá đơn "xin chết" với những dòng chữ nguệch ngoạc.

Tôi hỏi H.: "Sao cháu lại nộp đơn này cho chú?". H. không trả lời ngay câu hỏi của tôi mà thật thà kể về hoàn cảnh gia đình... Đêm 30 Tết. Khi những tràng pháo giao thừa nổ đùng đoàng báo hiệu một năm mới đã đến, tôi lại nghĩ về lá đơn của H. và không khỏi lo lắng cho em. Rồi hình ảnh một ông bố bệnh tật cùng 6 đứa con nhỏ cứ lảng vảng quanh tôi. Tôi quyết định đợi đến sáng mồng một Tết sẽ xuống nhà ông T.

Với trang phục Cảnh sát được là lượt phẳng phiu, tôi đạp xe tới nhà ông T. Tôi chào hỏi và chúc Tết gia đình ông T. Ông T. có vẻ sửng sốt và bất ngờ với sự xuất hiện của tôi, sau đó mời tôi ngồi xuống chiếc chõng tre cũ kỹ.

Nhà ông T. nghèo thật. Nói là nhà nhưng thực ra là một chiếc quán ba gian lợp bằng lá cọ đã mòn cụt. Mái ở góc nhà đã có nhiều lỗ thủng nhìn thấy trời. Trong nhà ngoài chiếc chõng tre cũ để ngồi tiếp khách chỉ có 2-3 chiếc chiếu gấp để trên nền đất. Một bé trai khoảng 5-6 tuổi đang ngủ, thấy có tiếng người lạ vùng ngồi dậy. Tôi lấy tiền lẻ còn mới để "phát vốn" (mừng tuổi) cho cháu. Cháu ngần ngại, sờ sợ nhưng vẫn cầm và chạy ra ngoài.

Lúc này ông T. ngồi thừ ra, im lặng. Ông cầm ấm nhưng không pha nước. Rồi ông òa lên khóc. Ông khóc to và nấc lên như một đứa trẻ. Tôi hơi lúng túng, bảo ông: "Năm mới em đến chúc Tết sao bác lại khóc? Thế này thì "giông" đấy!".

Lát sau, ông nói ông rất bất ngờ về việc tôi đến chúc Tết gia đình. Thì ra, chính quyền vẫn còn quan tâm đến gia đình ông, một gia đình chuyên đi chở gỗ lậu, đang bị bắt giữ xe.

Ông bộc bạch: "Chú có thể cho tôi là một người thần kinh hay điên dại, nhưng vì khổ cực quá, tôi đã dự định ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của bố con tôi trên cõi đời này. Tôi đã định trước bữa cơm chiều sẽ thắp hương cầu xin tổ tiên và bà nhà tôi tha thứ. Tôi sẽ cho bả chuột vào thức ăn để cả nhà ra đi thoát khỏi cảnh khổ".

Ngừng một lát, ông nói tiếp: "Bây giờ nghĩ lại tôi thấy không thể nào làm được cái việc ấy. Chú là người ngoài mà còn quý con tôi như vậy, lẽ nào tôi lại bắt chúng chết…". Giọng ông nghẹn lại không nói thành lời.

Ông buồn bã kể: "Vì chú mới về có thể chưa biết. Hoàn cảnh tôi éo le lắm. Nhà cũng chẳng có. Chiếc quán đang ở này cũng là của người khác cho ở nhờ.

Tôi thì bệnh tật (bị hỏng một mắt). Trước đây tôi làm nghề sửa chữa xe đạp nhưng cũng chẳng kiếm được là bao, gần Tết ông đánh liều đi sắm một chiếc xe ba gác để mua bán gỗ lậu. Dù biết là vi phạm, nhưng xem ra còn dễ kiếm được miếng cơm manh áo cho con. Giờ thì xe bị giữ, biết lấy phương tiện gì kiếm sống nuôi con. Cảm thông hoàn cảnh nghèo khó của ông, tôi nói với ông sẽ đề nghị chính quyền địa phương trả lại chiếc xe cải tiến và không xử lý hành chính cháu H. nữa. Tôi cũng khuyên ông tiếp tục làm nghề sửa chữa xe đạp và bán hàng nước kiếm sống, đừng nên buôn bán gỗ lậu nữa.

Trước khi xin phép ra về, tôi ngỏ ý muốn ông đưa cho tôi gói thuốc bả chuộc nhưng ông quả quyết nói: "Chú hãy tin ở tôi. Tôi đã quyết định từ bỏ việc làm dại dội rồi. Tôi hứa với chú mà. Tôi chỉ xin chú một điều, chú đừng nói chuyện này với bất kỳ ai, bởi nếu không hàng xóm và cả các con tôi sẽ coi tôi là một con người tàn nhẫn và độc ác. Và các cháu sẽ hận tôi suốt đời".

Tôi đã "vâng" và giữ được lời hứa với ông tròn 30 năm qua.

Những ngày tháng sau đó tôi thường xuyên qua lại nhà ông. Tôi đã đề xuất tổ liên gia, đoàn thể và chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ gia đình ông và quan hệ giữa ông và tôi ngày càng gắn bó, ông cũng quý tôi nhiều hơn.

Khoảng vài năm sau, gia đình ông chuyển đến phường Q. ở. Các con ông cũng khôn lớn, đứa chạy chợ, đứa làm công ở các nhà hàng. Đời sống gia đình đã khấm khá lên.

Đến nay các con ông đã yên bề gia thất, có cuộc sống ổn định, khiến tôi không còn cảm thấy day dứt nữa. Nhân dịp năm mới, tôi viết lại câu chuyện trên, không phải để tự khen mình, mà muốn nhắn gửi tới các chiến sĩ trẻ mới bước vào làm nhiệm vụ hãy gần dân thương dân và sống vị tha với dân. Đôi khi bằng những hành động đó đã cứu sống được những con người nghèo khó, nhất là khi Tết đến, Xuân về

Hải Hà
.
.
.