“Bệnh viện”… dành cho gấu ở rừng Cát Tiên

Chủ Nhật, 02/10/2011, 15:05
Được lực lượng kiểm lâm các địa phương "giải phóng" khỏi những trang trại, khu du lịch chuyên nuôi gấu lấy mật, từ nạn nhân bị hành xác với lắm thương tật, nhiều gấu nuôi trở thành "bệnh nhân" quan trọng của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp ở Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).

Xuất phát từ trụ sở Hạt kiểm lâm Cát Tiên, trên đường đưa chúng tôi đến "bệnh viện dành cho gấu", anh Đỗ Văn Thao, cán bộ pháp chế ở hạt, cho biết khi được giải phóng từ các chuồng nuôi chật hẹp, tù túng, gấu nuôi được đưa đến "bệnh viện" trong tình trạng rất thảm thương, đầy bệnh tật. Để cứu chữa cho những "bệnh nhân" đặc biệt này, các nhân viên cứu hộ không quản ngại nguy khó, thầm lặng bám rừng, cưu mang thú hoang bằng tình yêu thương… khôn tả!

"Bệnh viện" dành cho gấu nằm cách trụ sở Hạt Kiểm lâm Cát Tiên chỉ vài trăm bước chân. Trạm nằm giữa rừng, được bao quanh bởi cây cối rậm rì, một không gian sống lý tưởng cho những chú gấu phải trải qua nhiều năm ròng rã sống trong cảnh bị người ta cầm tù trong những chiếc cũi sắt giữa cảnh cổng kín tường cao.

"Việt Nam có 2 loài gấu là gấu chó và gấu ngựa. Cả 2 loài này đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam với nguy cơ tuyệt chủng đến gần và được Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ xếp vào nhóm IB, nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại… Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 3.000 cá thể gấu được nuôi nhốt tại hơn 700 cơ sở ".

Trên đường đến "bệnh viện" giữa rừng, anh Thao nhiệt tình khái quát thông tin có liên quan đến những "bệnh nhân" có túi mật mà cánh mày râu rất khoái, thường dùng ngâm rượu uống với niềm tin nạp vào sẽ "khỏe như gấu".

Giọng trầm buồn, anh cán bộ pháp chế mới 27 tuổi cho biết, nhiều năm qua loài gấu "khổ" vì những suy nghĩ thiển cận và lối hành xử tàn bạo của con người: "Rất nhiều người tin mật gấu còn có tác dụng giải độc, chữa bệnh ung thư, pha rượu uống vào không say… Có người còn sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để được ăn tay gấu đặng thỏa cái thú ẩm thực món ngon vật lạ. Chính điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cái gọi là ngành công nghiệp săn gấu và khai thác gấu lấy mật".

Anh Thao vừa dứt mạch chuyện cũng là lúc chúng tôi đứng trước tấm bảng ghi dòng chữ "Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên: Khu điều trị - phục hồi chức năng hoang dã". Ngửi mùi lạ, hơn chục "bệnh nhân" khổng lồ đen trùi trũi gầm rú, có "bệnh nhân" chừng như bị lên cơn kích động đứng dạng chân, 2 chi trước nắm chặt khung sắt lừa lắc mạnh vừa trợn mắt gầm gừ đe dọa.

"Không biết ngày trước số phận của loài gấu ra sao chứ trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, tình hình quả là quá bi đát" - anh Thao lại trĩu giọng: "Hồi mới được đưa về rừng, chú gấu nào cũng trong tình trạng te tua. Cuộc sống cầm tù hơn chục năm, bị người ta cho ăn uống qua loa, vệ sinh sơ sài, liên tục bị họ dùng kim nhọn chích vào lồng ngực rút mật… khiến gấu lúc nhập khu điều trị ốm yếu, không đủ sức gầm rú nói chi có phản ứng mạnh như bây giờ".

Nhu cầu mật và tay gấu của những người lắm tiền đã khiến số phận của loài gấu ngày càng bi đát.

Các cán bộ Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, tiền thân của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Cát Tiên là Trạm cứu hộ, làm nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc, chữa trị cho các loài thú hoang bị lún lầy hoặc sụp bẫy.

Năm 1995, nhiều dự án đa dạng sinh học và bảo tồn thú hoang dã đến với Vườn Cát Tiên nên các chương trình cứu hộ của trạm được "nâng cấp". Nhưng với 3 nhân viên phải kiêm quá nhiều nhiệm vụ nên công tác cứu hộ cũng chỉ dừng lại ở chăm sóc, điều trị ban đầu. Năm 2003, sau "phi vụ" cứu hộ gấu thành công (8 "bệnh nhân" là gấu ngựa được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai chuyển đến), trạm cứu hộ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nâng cấp thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên.

"Ghé thăm trung tâm, thấy đa phần bệnh nhân ở đây là gấu nên nhiều người quen miệng gọi nơi đây là "trung tâm cứu hộ gấu" hoặc "bệnh viện gấu". Thực chất thì anh em ở đây còn cứu hộ nhiều loài động vật hoang dã khác như báo, mèo rừng, các loại thú linh trưởng… Nhưng chủ lực nhất vẫn là gấu bởi quá trình chăm sóc, chữa trị ban đầu với loài này mất rất nhiều thời gian, nên gấu được lưu trú lâu hơn các loài thú khác" - anh Dương Duy Cường, một trong những "bác sỹ" tận tâm trong công tác cứu hộ thú hoang, giải thích.

 Khu điều trị - phục hồi chức năng hoang dã thuộc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên hiện chăm sóc, chữa trị cho 23 "bệnh nhân" gấu, gồm 16 gấu ngựa và 7 gấu chó. Bác sỹ thú y Dương Duy Cường cho biết, toàn bộ bệnh nhân này đều "xuất thân" từ các trang trại chuyên kinh doanh gấu hút mật, chủ yếu tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh Tây Nguyên.

Trong số 23 "bệnh nhân" gấu ở đây, có "bệnh nhân" được cơ quan kiểm lâm, Cảnh sát môi trường giải phóng bằng các qui định luật pháp bởi người nuôi không đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khoẻ cho vật nuôi, và cũng có "bệnh nhân" được cơ quan chuyên trách, những người làm công tác bảo tồn, tình nguyện viên của các chương trình cứu nguy động vật hoang dã tiếp cận động viên người nuôi bàn giao gấu cho trung tâm cứu hộ.

"Mỗi cá thể gấu trị giá cả trăm triệu đồng, thậm chí hơn thế nữa. Do gấu mang lại cho chủ rất nhiều nguồn lợi từ việc khai thác mật nên không dễ gì người ta chịu giao chúng cho trung tâm cứu hộ nếu gấu còn khoẻ mạnh, có thể tiếp tục mang lại nguồn lợi cho họ" - anh Cao Thanh Tùng, đồng nghiệp với bác sỹ thú y Dương Duy Cường, nói: "Điều này đồng nghĩa với việc gấu được cứu hộ ở trung tâm có tình trạng sức khoẻ rất bi đát. Đa phần gấu bị lở loét do chuồng trại mất vệ sinh, suy nhược do ăn uống kham khổ nhưng bị lấy mật vô tội vạ. Thậm chí gấu bị nhiễm trùng ổ bụng do liên tục bị chủ lụi kim tiêm kém vệ sinh để hút mật. Có gấu còn bị mù mắt, bị chủ tháo chi để bán cho những người lắm tiền khoái ăn tay gấu".

Trong khi nhiều kẻ săn bắt, cầm tù, hành hạ gấu thì những nhân viên cứu hộ ở VQG Cát Tiên tận tình chăm sóc, chữa trị cho chúng.

Nhập trại trong tình cảnh nguy kịch như vậy, các "bệnh nhân" gấu rất dữ tợn. "Nỗi đau bị bứng ra khỏi rừng, bị giam cầm, bị hành xác chừng như khiến những chú gấu bị nuôi nhốt lấy mật biết hờn căm loài người" - anh Cao Thanh Tùng bộc bạch: "Cá thể gấu nào cũng vậy, khi được đưa về trạm cứu hộ, lúc anh em chúng tôi tìm cách tiếp cận để kiểm tra tình trạng vết thương đặng lên phương án chữa trị thì gấu lồng lộn, gầm rú không cho lại gần. Quá trình làm việc với các chuyên gia cứu hộ nước ngoài thuộc các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã quốc tế trước đó giúp chúng tôi biết được gấu có phản ứng mạnh như thế bởi chúng sợ, chúng căm ghét con người. Người ta nhốt chúng trong các cũi sắt chật hẹp không thể đi lại, rồi họ ngày ngày lụi kiêm vào lồng ngực hút mật khiến gấu đau đớn, hỏi sao chúng không căm phẫn, lo sợ khi bị người lạ tiếp cận".

Bằng những kỹ năng được đào tạo và trên hết là tình yêu thương, sự đồng cảm mà những nhân viên cứu hộ gấu đã dần lấy được niềm tin của những "bệnh nhân" hoang dã. "Công tác cứu hộ gấu rất phức tạp, đòi hỏi những qui định rất gắt gao" - một bác sỹ thú y khác cho biết: "Theo qui định, muốn cứu hộ, chữa trị cho gấu đòi hỏi nhất thiết phải tiếp cận với gấu nhưng không được có những cử chỉ tiếp xúc thân mật. Bởi công tác cứu hộ khác với việc thuần hóa thú. Tiếp xúc thân thiện quá gấu sẽ mất đi bản năng hoang dã, sẽ lại tiếp tục sống lệ thuộc vào con người mà không thể tự tìm kiếm thức ăn khi được phóng thích ngoài tự nhiên".

Trong số 23 "bệnh nhân" ở trung tâm cứu hộ, bệnh nhân "nằm viện" lâu nhất là các chú gấu có tên Ron, Sen, Mila… Nghe chúng tôi thắc mắc chuyện mấy chú gấu có tên ngoại quốc, các nhân viên cứu hộ cười, giải thích rằng các chú gấu mang tên ngoại kia là được đặt theo tên của các nhân viên cứu hộ thuộc các tổ chức cứu hộ phi chính phủ WAR (Wildlife At Rist). Khi những nhân viên ngoại quốc này trở về nước, những Son, Sen, Mila vẫn tiếp tục "nằm viện" trong sự hiện diện của ngày càng nhiều "bệnh nhân" khác.

"Nhập viện gần đây nhất là nhóm 5 chú gấu có tên Núi, Đồi, Rừng, Sông, Suối, xuất thân tại Khu du lịch Bửu Long (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Như các bệnh nhân trước đó, 5 bệnh nhân này "nhập viện" trong tình cảnh ghẻ lở toàn thân, con bị hư mắt, con bị mất chi, có con như Đồi ổ bụng nhiễm trùng, nhân viên cứu hộ mất mấy tháng trời mới chữa lành vết thương" - bác sỹ thú ý Dương Duy Cường cho biết: "Những ngày đầu ở rừng, mỗi khi anh em cứu hộ tiếp cận để kiểm tra vết thương thì 1 trong 5 chú gấu kêu rống dữ dội, quyết không cho anh em tiếp cận. 4 chú gấu còn lại nghe tiếng kêu của bạn cũng đồng thanh "quậy" theo. Căn nguyên bởi chúng sợ bạn bị hành hạ. Từ quan sát đó, mình nhận thấy loài gấu sống rất nghĩa khí, biết tương thân tương ái".

Mỗi "bệnh nhân" gấu ở bệnh viện giữa rừng già Cát Tiên là mỗi câu chuyện buồn về số phận thú hoang bị những kẻ hám lợi, vô cảm tước đoạt quyền được sống tự do, xâm hại tàn bạo về thân xác. "Gấu là loài có trí thông minh, có những đặc tính như con người, cũng biết yêu thương, hờn giận nhưng vì hám lợi và hám mạnh mà người ta đã quên đi những điều đó. Họ tỏ ra phấn khích khi thấy ống xilanh trong tay người chủ trang trại đầy mật của con vật bị nhốt chặt trong chiếc lồng sắt không thể cựa quậy, chẳng màng đến sự đớn đau tột cùng mà con vật phải gánh chịu".

Sau những giãi bày, trăn trở ấy, "bác sỹ gấu" Cao Thanh Tùng tự an ủi: "Dù gì thì những chú gấu ở đây cũng may mắn hơn hàng ngàn "anh em" khác đang rên xiết trong các trang trại, khu du lịch đang ăn nên làm ra nhờ công nghệ nuôi gấu lấy mật. Vào trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên, gấu được chữa trị lành các vết thương, được cho ăn uống đầy đủ, thoát cảnh tù túng và bị lĩa mũi kim vào lồng ngực… và quan trọng nhất, chúng có khả năng được trở lại với rừng"

Thành Dũng
.
.
.