Bệnh viện quá tải mùa dịch cúm

Thứ Tư, 12/08/2009, 10:08
Cùng với dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp tại cộng đồng, công việc khám chữa bệnh ở Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia - đơn vị duy nhất điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1 ở phía Bắc cho đến thời điểm này, đang "căng như dây đàn". Chúng tôi đã có mặt tại Viện để ghi nhận sự vất vả của các bác sỹ và vô số những phát sinh từ một loại dịch bệnh hoàn toàn mới.

Phòng khám "giãn nở" theo dịch

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, con số bệnh nhân vào khám tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã tăng lên hàng trăm mỗi ngày. Từ hơn 100, đến 200, 300, 400 và hiện giờ là 500 lượt/ngày. Trong đó, chiếm tới hơn một nửa là bệnh nhân khám cúm A/H1N1. Do công việc, chúng tôi thường có mặt tại Viện và ngỡ ngàng vì khu vực phòng khám phải thay đổi, "giãn nở" liên tục do số bệnh nhân tăng quá nhanh.

Hiện Khoa Khám bệnh đã phải mở tới 4 phòng khám. Khi bệnh nhân đông, Khoa Khám bệnh thường xuyên phải huy động bác sỹ của các khoa khác hỗ trợ, thậm chí cả Viện trưởng cũng phải xắn tay vào cùng khám bệnh để giải tỏa số bệnh nhân ùn lại. Bệnh nhân đông, ai cũng muốn biết mình có bị cúm A/H1N1 hay không, nhưng 2 máy PCR của Viện hoạt động tối đa công suất cũng chỉ được không quá 100 xét nghiệm xác định cúm A/H1N1/ngày, trong đó có nhiều xét nghiệm của bệnh nhân đang điều trị.

Bác sỹ đành giải thích cho những bệnh nhân có triệu chứng cúm nhưng không có tiếp xúc với người bệnh, không đi tới vùng dịch… về nhà tự theo dõi, nhưng đâu phải ai cũng chịu. Vì thế, làm sao giải quyết được nhu cầu của rất đông bệnh nhân muốn khám cúm A/H1N1 mỗi ngày vẫn là bài toán đau đầu chưa có lời giải.

Bệnh mới, nhiều thắc mắc mới

Cúm A/H1N1/2009 là bệnh quá mới với cả bác sỹ và đặc biệt với bệnh nhân. Vậy là xảy ra tình trạng bệnh nhân liên tục thắc mắc về đủ thứ thuốc men, xét nghiệm, chế độ miễn phí…, khi bác sỹ giải đáp rồi thì lại có thắc mắc mới ngay. Có người đã âm tính, bác sỹ đề nghị chuyển viện khác để đỡ phải nằm ghép, nhưng nhất quyết không đi, người khác vẫn dương tính với cúm A/H1N1 nhưng lại nhất quyết đòi ra viện vì thấy hết triệu chứng ho, sốt, v.v… Có nhiều người được bác sỹ tại khoa, phòng giải thích rồi nhưng vẫn không tin. Vậy là mọi yêu cầu lại đổ dồn về phía Viện trưởng.

Phòng khám “giãn nở” liên tục theo dịch cúm A/H1N1 tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới.

TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đang trong tình trạng làm việc "quay như chong chóng". Mỗi ngày, TS Kính ra khỏi nhà vào lúc 6h30’ và nhiều hôm về nhà khi đã 22h. Bệnh nhân đông, Viện trưởng phải trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cùng các bác sĩ, kiêm cả "nhiệm vụ" trả lời phỏng vấn báo chí và mệt mỏi nhất có lẽ là việc phải làm tư vấn viên bất đắc dĩ bất kỳ lúc nào.

Đó là chưa kể về công việc quản lý, Viện trưởng Kính phải đối mặt với những bài toán đau đầu: Test xét nghiệm, khẩu trang đều chuẩn bị hết, trong khi việc đề nghị nhập thêm vật tư không phải dễ dàng, vì cả thế giới đều đang có dịch, những hãng lớn không kịp sản xuất hàng để bán.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tất cả chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân cúm A/H1N1 đều được miễn phí, nhưng hiện Viện chưa được nhận số kinh phí phát sinh này, mà chỉ dựa vào nguồn ngân sách đã dự toán từ đầu năm. Trong khi đó, chỉ riêng tiền xét nghiệm của bệnh nhân, có người đã lên tới 1.000USD/5 lần.

Bệnh nhân đa quốc gia

Có lẽ không ở đâu bệnh nhân lại đa dạng về sắc tộc, quốc gia như ở khu cách ly điều trị cúm A/H1N1. Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nhiều bệnh nhân người nước ngoài không nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, nên các bác sỹ chỉ có cách giao tiếp bằng… cử chỉ.

Không biết bệnh nhân ăn uống theo kiểu nào, nhưng lại bất đồng ngôn ngữ, nên nhiều khi y tá chỉ đoán rồi gọi món ăn về, nếu thấy bệnh nhân không ăn thì lại gọi món khác. Đặc biệt, trong điều kiện vật chất khu cách ly còn khá thiếu thốn, chật hẹp, nhiều bệnh nhân đến từ những nước phát triển, nhưng tỏ ra khá thông cảm, lịch sự và hợp tác điều trị với các bác sỹ.

Tuy nhiên, có không ít bệnh nhân phàn nàn, yêu sách và tỏ thái độ khó chịu. Có một số “cậu ấm cô chiêu" được gia đình chiều chuộng từ nhỏ, được cho đi du học, khi vào khu cách ly thì thường đưa ra những đòi hỏi quá đáng. Gặp những trường hợp đó, đôi khi các bác sỹ buộc phải tỏ thái độ kiên quyết để cân đối quyền lợi của tất cả bệnh nhân.

Vào viện trong mùa dịch, chúng tôi cảm nhận rõ ràng hơn về một điều đơn giản: Cần phải tự giác cao độ phòng bệnh, bởi cúm A/H1N1 cho đến nay chưa hẳn là bệnh nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng, nhưng là bệnh "không từ một ai". Thêm một người mắc bệnh là thêm gánh nặng chi phí cho xã hội và khiến công việc, cuộc sống của cá nhân và người xung quanh bị đảo lộn. 

TP HCM: Chỉ mua thuốc Tamiflu điều trị cúm A/H1N1 khi có đơn của thầy thuốc

Diễn biến căng thẳng của dịch cúm A/H1N1 đã khiến nhiều người dân TP HCM hoang mang lo lắng đã đổ xô đi tìm mua thuốc Tamiflu để tích trữ dự phòng điều trị. Lợi dụng tình trạng này, một số tiệm thuốc tây trên địa bàn TP đã tăng giá bán thuốc Tamiflu lên gấp nhiều lần (140.000 thậm chí 150.000 đồng/viên thay vì giá chính thức là 44.800 đồng/viên).

Ngày 11/8, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, bà Phạm Khánh Phong Lan đã có công văn gửi tới các cơ quan truyền thông và các cơ sở y tế 24 quận, huyện, nhất là các nhà thuốc yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc thông tin tới người dân về hiệu quả sử dụng thuốc Tamiflu trong điều trị cúm A/H1N1. Đề nghị người dân không nên tự ý mua thuốc kháng virus khi không có đơn của thầy thuốc nhằm tránh gây ra nguy cơ kháng thuốc Tamiflu

H.Nga

Thanh Loan
.
.
.