Việc tiêm vaccin cho trẻ sơ sinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Bệnh viện bắt ký cam kết khi tiêm phòng là thừa

Thứ Năm, 01/08/2013, 09:31
Sau tai biến của 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị, nhiều người hoang mang không biết có nên tiếp tục tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h sau sinh hay không, nhất là khi Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Công an tham gia phối hợp tìm nguyên nhân. Thậm chí, chính phía ngành Y tế cũng có không ít lo ngại, như Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (TP HCM) yêu cầu người nhà cháu bé sơ sinh phải ký "Giấy đăng ký tự nguyện tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh". Thực tế này khiến cho công tác tiêm chủng của trẻ gặp nhiều khó khăn, dự báo gánh nặng bệnh tật của trẻ trong tương lai.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về những vấn đề này, ngày 31/7, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):

PV: Thưa ông, việc Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra nguyên nhân vụ 3 trẻ em tử vong sau tiêm phòng ở Quảng Trị, hiện kết quả điều tra như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Bình: Việc tìm ra nguyên nhân vụ tai biến, bên cạnh yếu tố khoa học, còn đòi hỏi nghiệp vụ điều tra của lực lượng Công an để có kết luận đầy đủ và chính xác. Vì thế, cùng với đề nghị ngành Công an vào cuộc, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Y tế vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, để phát huy hết sức mạnh cũng như tập trung các trang thiết bị tốt nhất của 2 Bộ, nhằm sớm làm rõ nguyên nhân, ổn định tư tưởng người dân.

PV: Hội đồng đánh giá chất lượng vaccin thuộc Bộ Y tế. Như vậy, liệu kết luận cuối cùng của Hội đồng có đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy?

TS. Nguyễn Văn Bình: Hội đồng đánh giá chất lượng vaccin tương đối độc lập, gồm nhiều chuyên gia của các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thường xuyên giám sát, theo dõi công tác đánh giá của các Hội đồng khoa học của Việt Nam. Bộ Y tế đã có buổi làm việc với WHO và WHO vẫn đang phối hợp với Bộ Y tế trong việc xác định nguyên nhân của vụ việc.

PV: Thưa ông, việc Bệnh viện Phụ sản Mê Kông yêu cầu gia đình trẻ sơ sinh ký cam kết về việc tiêm phòng với nội dung “sau khi nghe nhân viên y tế giải thích về lợi ích và tác dụng phụ có thể có sau chủng ngừa viêm gan siêu vi B, tôi đồng ý chích ngừa... Gia đình chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này", có đúng qui định?

TS. Nguyễn Văn Bình: Tiêm chủng nằm trong chương trình bắt buộc, ngành Y tế phải tổ chức tiêm phòng và cha mẹ phải đưa các cháu đến tiêm phòng bệnh. Nếu chẳng may xảy ra sai sót, ngành Y tế phải chịu trách nhiệm và phải tổ chức điều tra nguyên nhân do chất lượng vaccin hay do qui trình bảo quản vaccin và tiêm chủng. Vì thế, việc bệnh viện yêu cầu bệnh nhân ký giấy cam kết là không cần thiết.

Cha mẹ trẻ không có quyền từ chối việc tiêm phòng cho trẻ, khi điều này mang lại lợi ích cho các cháu.

Người dân nên đưa trẻ đi tiêm phòng.

PV: Một số ý kiến băn khoăn: không nhất thiết phải tiêm phòng vaccin viêm gan B trong vòng 24h cho trẻ nếu người mẹ không mắc. Ý kiến của ông về điều này?

TS. Nguyễn Văn Bình: Trẻ sơ sinh không cần tiêm phòng vaccin viêm gan B trong vòng 24h, nếu chắc chắn mẹ không bị viêm gan B. Nhưng không thể làm xét nghiệm cho khoảng 1,6 triệu bà mẹ sinh con mỗi năm để biết kết quả, mà nếu làm được, thì vẫn có những bà mẹ mắc bệnh ở giai đoạn cửa sổ, phải sau 3 - 4 tháng mới phát hiện được, nên việc lây nhiễm sang trẻ sơ sinh vẫn xảy ra. Với tỷ lệ lây mẹ sang con là 5%, nếu không có chương trình tiêm vaccin viêm gan B, hằng năm sẽ có khoảng 80.000 trẻ bị lây viêm gan B từ mẹ và sau này, khoảng 20.000 người chết/năm vì các bệnh liên quan tới viêm gan B. Cho đến nay ngoài việc tiêm vaccin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ, không có biện pháp nào hữu hiệu khác được WHO khuyến cáo trong việc phòng lây truyền từ mẹ sang con.

PV: Việc khảo sát thực tế cho thấy vẫn có những sai sót trong qui trình tiêm chủng. Vấn đề bảo đảm an toàn tối đa cho việc tiêm chủng đã được ngành Y tế đặt ra hay chưa, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Bình: Công tác tiêm phòng vẫn có đầy đủ các qui định: tổ chức buổi tiêm thế nào, vaccin bảo quản ở nhiệt độ nào; không được lẫn với thuốc khác, để tránh các nguy cơ do tiêm nhầm hay bảo quản không tốt. Việc kiểm tra, giám sát cũng được đặt ra thường xuyên. Những sai sót nghiêm trọng đều được xử lý ngay.

PV: Cảm ơn ông đã trao đổi!

Bé trai 7 tháng tuổi nguy kịch vì bị tiêm nhầm thuốc

Chiều 31/7, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ cho biết tiếp nhận một bệnh nhi chuyển tuyến cấp cứu vì bị tiêm nhầm thuốc.

Bệnh nhi là cháu Nguyễn Huỳnh Phúc An (7 tháng tuổi, ngụ quận Ôn Môn, TP Cần Thơ). Ngày 25/7, cháu An được gia đình đưa đến BV phụ sản quốc tế Phương Châu điều trị viêm phổi và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong quá trình điều trị, cháu An có biểu hiện sốt, ho nhiều, tiêu chảy và kết quả cấy phân phát hiện tụ cầu vàng. Ngày 30/7, sau khi hội chẩn các bác sĩ đã đổi thuốc dùng Tienam và Vancomycin chảy chậm truyền qua máy vào cơ thể cháu An từ 30 phút đến 1 giờ. Cùng với việc điều trị viêm phổi, cháu An được dùng thuốc Ventolin dưới dạng phun sương. Đến 10h30 ngày 31/7, người nhà cháu A hết thuốc để phun sương nên báo với bệnh viện. Trong lúc, gia đình đưa cháu An đi vệ sinh một điều dưỡng có đem theo ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin đến phòng bệnh. Khi cha mẹ cháu An vào, máy truyền báo hết thuốc nên ra ngoài gọi bác sĩ. Lúc này, một điều dưỡng khác vào thấy ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin để trên mâm tiêm, nhưng lầm tưởng là nước cất đã đưa vào máy truyền đẩy hết thuốc Tienam và Vancomycin vào cơ thể bé An...

Chiều 31/7, ông Trần Viết Hào, Phó Giám đốc BV Phụ sản quốc tế Phương Châu cho biết: “Sau khi họp hội đồng khoa học chuyên môn, chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật nữ điều dưỡng vì tiêm nhầm thuốc”.

Văn Vĩnh

Hơn 190 nước trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng

Sử dụng vaccin là chính sách ưu tiên trong y tế công trên thế giới. Hiện nay, đã có hơn 190 nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Hằng năm, khoảng 85% trẻ em trên thế giới được tiêm chủng phòng các bệnh lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà và sởi. Tiêm vaccin phòng các bệnh này đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ mỗi năm. Mặc dù đã có những thành công này, hàng năm vẫn có khoảng 3 triệu người tử vong bởi các bệnh có thể phòng được bằng vaccin trong đó có khoảng 50% là trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là không được tiếp cận với vaccin ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo.

Nhờ sử dụng vaccin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết như: bệnh đậu mùa đã được thanh toán vào năm 1979, 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp/năm.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng các vaccin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccin. Tiêm vaccin viêm gan B là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ. Nếu không tiêm chủng vaccin viêm gan B sơ sinh thì hàng năm sẽ có khoảng 80.000 trẻ bị nhiễm virus mãn tính và hậu quả sau đó là khoảng 20.000 người bị xơ gan và ung thư gan.

Hân – Hằng

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.