Bệnh điên tình

Chủ Nhật, 21/09/2008, 15:48
Chợ Bến lâu rồi thưa người xuống tắm và gội đầu đêm là vì sợ Tuệ chọc ghẹo. Tuệ trốn trong gốc mưng già um tùm ở một góc của Bến, thấy đàn bà con gái ai xuống bến xổ tóc ra gội, là Tuệ ngắm lén, nhòm trộm, khi họ lên, Tuệ chạy theo kêu Nga ơi, Nga ơi, thảng thốt cứ như thể tất cả những đàn bà trong làng cứ ai ra chợ Bến tắm đi lên đều là Nga...

Thằng Tuệ điên ở đó bao nhiêu năm. Cứ đi đâu, lang thang cỡ nào, đến chiều tối, thằng Tuệ điên cũng về chợ Bến và ngủ ở gốc mưng già. Nhất là cứ vào mùa trăng, Tuệ điên càng lên cơn dày hơn. Suốt đêm Tuệ ca hát ỉ ôi, Tuệ chạy khắp làng khắp ngõ, chơi trăng, ngả ngốn với trăng. Suốt đêm, cả làng chỉ nghe tiếng của Tuệ, cho đến khi trăng tàn, Tuệ mới thôi hát, thôi khóc.

Trong làng, hễ ai có việc phải đi qua chợ Bến đều ngại gặp Tuệ, lâu dần, lâu dần chợ Bến thành ra vắng người. Góc Bến tắm, chỉ buổi chiều là đông đúc, còn nhập nhoạng tối hầu như không có ai trong làng dám ra tắm đêm. Buổi đêm ở chợ Bến vắng lặng lắm. Đêm khuya chỉ còn lại tiếng của Tuệ gọi Nga ơi, Nga ơi, vang vọng trong tĩnh mịch đêm.

Không phải là căn bệnh ma ám

Mẹ tôi nói rằng Tuệ bị điên tình. Tôi nhớ, hồi tôi còn rất bé, mỗi lần về quê thăm ông bà, đi ngang qua chợ Bến, nỗi sợ hãi ám ảnh tôi nhiều nhất là nhỡ gặp phải thằng Tuệ điên. Mẹ tôi dặn mấy chị em tôi, nếu có về thăm bà, đừng đi đường chợ Bến mà đi vòng lên Thống Nhất rồi về. Đường xa hơn một chút nhưng an toàn. Nếu sợ xa, vẫn đi đường cũ thì gặp thằng Tuệ con chớ có để ý. Người ta cũng là người, chỉ tội bệnh tật mà mất hết. Đừng chọc ghẹo nó, đừng gieo cho nó bất kỳ một tâm trạng gì, chỉ khổ cho nó.

Chợ Bến bao nhiêu năm nay vắng phụ nữ xuống bến tắm và gội đầu đêm là bởi thằng Tuệ điên đến ám ở đó. Mẹ tôi nói bằng một giọng xót xa, cứ như thể mẹ tôi thương cái thằng lúc nào cũng quần áo bảnh bao, chỉn chu nhưng tâm thần thì điên dại ấy.

Mà thật ra, ở làng, từ già trẻ, gái trai đến con nít như chúng tôi hồi đó, có ai không biết Tuệ điên vì tình. Bà nội tôi kể ngọn ngành và chi tiết hơn cả chuyện tình của Tuệ.

Tuệ con ông giáo Ngữ, nên hơn những đứa trẻ khác trong làng, Tuệ được nuôi nấng chỉn chu, được ông giáo Ngữ cho ăn học dạy chữ tử tế. Năm thằng Tuệ 19-20 tuổi, thằng Tuệ đem lòng yêu cô Nga con ông lái đò người ở xã T.L.

Từ C.V. qua T.L. chỉ cách có một con sông Ngàn Mơ chỉ hơn chục phút bơi, lặn thêm mấy hơi là đến. Thế nhưng, quê tôi không có cầu bắc qua sông, dân làng vẫn thường đi bằng đò.

Chuyện thằng Tuệ yêu cô Nga thì ai cũng biết. Thằng Tuệ lên tỉnh trọ học xa, toàn viết thư về cho cô Nga chứ không viết thư cho ông giáo Ngữ. Nhà ông giáo Ngữ biết chuyện, giận lắm, đánh tiếng với ông lái đò rằng không bao giờ họ cưới cô Nga kia về làm vợ cho con trai cưng của họ. Ông lái đò biết thân phận, cũng cấm con gái mình không được thương nhớ người không cùng thân phận với mình.

Mặc cho hai bên ngăn cản, đôi trẻ vẫn yêu nhau, thằng Tuệ trốn học đi bộ từ tỉnh về hàng chục cây số, tối lại hẹn hò với cô Nga đi hò đối đáp trên sông Ngàn Mơ. Thế rồi ông giáo Ngữ làm lớn chuyện tại bến đò, nói không bao giờ cho con trai qua lại với con gái lái đò thân phận thấp hèn.

Cha con cô Nga bẽ mặt quá, ông nhất quyết nhổ đò đi khỏi Chợ Bến, khỏi làng T.L. và dòng sông Ngàn Mơ. Từ đó chợ Bến có người lái đò khác chở khách qua sông. Người làng không ai biết cha con cô Nga đi đâu.

Khi thằng Tuệ trở về thì không còn tìm thấy bóng dáng người yêu đâu nữa. Tuệ chạy dọc dòng Ngàn Mơ hàng tháng trời để tìm kiếm dấu vết cha con ông lái đò nhưng không thấy.

Đến khúc sông này thì hay tin cô Nga lấy chồng lên tỉnh làm ăn rồi, bỏ nghề vạn chài, lái đò. Đến khúc sông kia thì nghe tin cô Nga đã buồn chán mà nhảy sông tự vẫn. Thằng Tuệ không tin, vẫn kiên quyết lần theo dấu vết người yêu đi tìm.

Cuối cùng, Tuệ lên tận Ngàn Trươi, mới gặp được cha của người yêu. Lúc này Tuệ mới biết đích xác, sau vụ ầm ĩ do giáo Ngữ ngăn cản Tuệ và Nga, Nga đã nhảy xuống sông tự tử, xác trôi dạt không vớt được. Ông lái đò còn bảo với Tuệ: "Các người là một lũ độc ác, quân giết người, đừng có nói lời nhân nghĩa chi nữa. Cút đi cho khuất mắt!".

Sau đận ấy, thằng Tuệ về ốm một trận thập tử nhất sinh. Khỏi bệnh, Tuệ đâm ra ngớ ngẩn, điên dại, toàn đi tìm Nga và gặp cô gái nào cũng chạy đến hỏi Nga. Mọi người bảo Tuệ quá đau buồn nên hóa điên. Tuệ bị điên tình.

Chuyện Tuệ bị điên tình đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao ở làng tôi. Gia đình Tuệ đưa Tuệ đi cúng, giải hạn, chữa bệnh đủ thầy thuốc nhưng Tuệ vẫn không khỏi, mồm lảm nhảm suốt ngày: "Nga ơi".

Làng tôi có tới mấy người điên. Khổ thật. Toàn những người điên từ đời nảo đời nào để lại. Nhưng điên tình thì chỉ có mỗi Tuệ. Những người điên kia rất bẩn thỉu, quần áo nhếch nhác, quanh năm không tắm giặt, tóc tai bờm xờm phủ vai, đi lang thang bất định.

Tuệ điên kiểu khác, vẫn ăn mặc chải chuốt, vẫn sạch sẽ và biết về nhà. Nhưng Tuệ chỉ mỗi hay đi tìm người yêu và gọi tên người yêu và khóc. Trong làng ai vờ vịt bảo Nga ở chỗ nọ, chỗ kia là Tuệ đi tìm ngay. Những cơn điên của Tuệ, nếu được dỗ dành phỉnh nịnh là Tuệ chịu về nhà. Tuệ ưa nịnh, ưa dỗ dành lắm. Dỗ Tuệ là Tuệ ngoan liền.

Mọi người ở làng bảo Tuệ điên là do ma ám, là do hồn của cô Nga kia về bắt. Nếu ai đi ngang qua chợ Bến một mình về đêm cũng dễ bị ma ám, làm cho điên tình.--PageBreak--

Hóa điên do những ẩn ức trong tình cảm không thể giải tỏa

Càng lớn lên, đi học, rồi đi làm, tôi càng gặp nhiều người bị bệnh tâm thần hơn. Và những người bị điên tình cũng nhiều lắm. Chứng bệnh điên tình là một dạng bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh lý của não, có những biến đổi sinh học phức tạp, chịu tác động mạnh của môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi.

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh phổ biến trên thế giới và ở nước ta tỷ lệ từ 0,3-1% dân số. Bệnh có thể chữa được hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hợp lý.

Những người quá nhạy cảm, tinh thần yếu đuối, dễ xúc động, không kiềm chế được tình cảm là những người khi xảy ra những cú sốc về tinh thần, đặc biệt là cú sốc về tình cảm, do không chế ngự được bản thân, rất dễ mắc bệnh tâm thần.

Và những dạng bệnh tâm thần vì chuyện tình cảm riêng tư, người ta xếp vào một dạng bệnh điên tình. Bệnh điên tình có thể phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Đó là một rối loạn trong tình cảm, suy nghĩ, một trạng thái tuyệt vọng, chán chường mà con người không thể kiểm soát được những xúc cảm thứ phát sau khi xảy ra cú sốc ấy. Họ bị rối loạn tinh thần. Từ thể nhẹ đến nặng.

Điên tình không chỉ xảy ra ở những người bị thất tình, bị phụ bạc, hay gặp bi kịch, trắc trở không thể vượt qua được trong chuyện tình cảm nên dẫn đến tuyệt vọng. Có những bệnh nhân mắc chứng điên tình do ảo giác, do hoang tưởng. Nhưng bệnh điên tình nặng nhất bắt đầu từ những tuyệt vọng không thể giải quyết được trong chuyện tình cảm yêu đương. Những ẩn ức, ức chế bị kìm nén quá mức, không thể giải toả được nên mới bùng phát kịch liệt.

Hằng ngày, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường xuyên gặp những người điên. Khác với những người bị bệnh tâm thần, người bị điên tình không giống như những người bị bệnh tâm thần khác. Họ không dị mọ, bẩn thỉu hoặc hung dữ, độc ác như những biểu hiện ở các người bệnh khác. Chứng điên tình có những biểu hiện rất rõ như hay cười, hay đi lang thang, hay đi tìm gặp một ai đó, nói chuyện với một ai đó với một tâm trạng rất cuồng si.

Ở Nông trường N. huyện NĐ tỉnh N.A. có trường hợp cô gái tên V. yêu một người thợ điện mắc điện lưới 500kV, đơn vị của anh ta công tác qua nông trường của cô 3 tháng trong thời gian dựng cột chăng điện lưới. Hai người gặp nhau rồi yêu nhau.

Người thợ điện hết thời hạn 3 tháng, khi hoàn thành xong công việc thì đi đến nơi khác, bỏ lại cô V. với giọt máu đang lớn dần. Cô V. xin nghỉ việc ở nông trường để đi tìm người thợ điện này.

Mất bao nhiêu thời gian, cô V. mới tìm được anh ta ở Đồng Hới. Nhưng anh ta lẩn trốn, tránh mặt không chịu gặp. Đơn vị anh ta khuyên cô V. về nhà tự thu xếp cuộc sống, đừng tìm người đàn ông phụ bạc kia nữa, anh ta đã có vợ con đề huề ở quê.

Quá sốc, quá tuyệt vọng, cô V. về nông trường và uống thuốc ký ninh tự tử. Cú tự tử không thành do phát hiện sớm. Cô V. được đưa xuống bệnh viện tỉnh, cái thai bị chết lưu không cứu được. Sau khi điều trị lành, cô V. trở về nông trường. Từ đó, cô V. không còn là một người bình thường được nữa. Cô toàn đi tìm anh T., tên người đàn ông đã bội bạc cô.

Nỗi đau khổ về tình yêu bị phụ bạc, cô V. bị điên tình. Sau này, cô V. cứ lang thang, rồi bị chửa, đẻ con, cho con, rồi lại chửa hoang, lại đẻ… Chuyện của cô V. không ai ở N.Đ. không biết.

Cách đây không lâu, trường đại học N. ở Hà Nội đã chứng kiến một nữ sinh tên L., học giỏi, là cán bộ đoàn trường, hát hay, xinh đẹp đã phát điên vì tình yêu oái oăm giữa cô nữ sinh với một thầy giáo ở trong trường, thầy cũng đã có vợ con. Thật may, khi có những biểu hiện lạ, bạn bè của L. đã báo cho gia đình. Gia đình đã nhanh chóng đưa L. tới bệnh viện tâm thần để chữa trị.

Do bệnh phát hiện sớm, được gia đình tận tình chu đáo, L. đã điều trị tốt, bệnh khỏi hẳn, và cô đã trở về hoà nhập với cộng đồng. Cô không còn học ở trường đại học cũ nữa, mà bố mẹ cô chuyển cho cô vào miền Nam, với ý thức tách con gái mình khỏi môi trường cũ, gợi nhớ những chuyện cũ, buồn phiền, bệnh tình sẽ tái phát.

Không chỉ có những chàng trai cô gái trẻ mới bị mắc chứng bệnh điên tình. Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, bệnh nhân điên tình còn xảy ra ở những người đàn ông và đàn bà có vợ có con, tình cảm hạnh phúc đề huề. Họ rất đáng thương, phần lớn rất yêu vợ, yêu con, yêu chồng con.

Nhưng vì quá yêu, những nghi ngờ, ghen tuông, hoang tưởng về chồng, hoặc vợ đang phản bội mình, lừa dối mình, khiến họ như điên như dại và phát bệnh điên tình. Họ không có khả năng làm chủ được mình, làm chủ được suy nghĩ và hành động.

Từ ý nghĩ điên loạn rằng, chồng hoặc vợ mình đang sắp sửa phản bội mình, tệ hơn nữa, đang tìm cách giết chết mình để đi đến với người tình khiến cho họ đã ra tay hành động và gây ra những tội ác ghê rợn. Có bao nhiêu vụ án mạng bi thảm giết chồng, giết vợ, giết con do người bị tâm thần gây ra.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Tiến Đức, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện 103, thì chứng điên tình ngày nay ít xảy ra hơn, bệnh nhân ít bị chứng bệnh điên tình, do cuộc sống hiện đại, quan hệ yêu đương cởi mở hơn, người bệnh không bị đè nén, dồn ép, căng thẳng sinh ra ức chế về mặt tâm sinh lý, nên bệnh nhân mắc phải chứng bệnh điên tình vào nhập viện ít hơn các chứng bệnh về thần kinh khác.

Tuy nhiên, chứng bệnh căng thẳng thần kinh (stress) đang hoành hành và trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại. Công nghiệp hóa, sự bùng nổ thông tin, nhịp sống ngày một khẩn trương, căng thẳng, gây thử thách và sức ép lớn cho con người.

Những thay đổi về mặt xã hội, sự phân hoá xã hội, sự bất cập của nền giáo dục, y tế, sự thay đổi cơ cấu gia đình, mất đi các giá trị truyền thống… Nếu con người không có bản lĩnh, không vững vàng, không được xuất phát bởi một nền giáo dục vững chắc, con người dễ bị tha hóa ngay trong đời sống hiện đại ấy.

Hơn bao giờ hết, cuộc sống hiện đại, chúng ta cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò trong công tác phòng bệnh, vệ sinh tâm thần, giáo dục nâng cao sức khỏe tâm thần, chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm lý khi phải đối diện với những khó khăn, những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mình, ví như thất bại trong tình yêu, hôn nhân, trong thi cử, trong kinh doanh, hoặc những sự việc không may mắn khác

Nguyễn Lê
.
.
.