Bệnh dịch gia tăng vì thời tiết nắng nóng

Thứ Bảy, 22/05/2010, 15:47
Thời tiết nắng gắt đột ngột khiến số bệnh nhân tăng cao, bệnh viện quá tải, nhiều người phải khốn khổ xếp hàng đợi khám bệnh, nằm ghép 2-4 người/giường bệnh trong cái nóng bủa vây khắp nơi. Theo ghi nhận của chúng tôi, sốt virus, bệnh hô hấp, tiêu chảy, ngoài da… đang ở cao điểm dịch và sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Sốt virus tấn công cả người lớn

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều bệnh viện Trung ương và địa phương trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Bạch Mai, Nhi Trung ương... trong những ngày qua đều có số bệnh nhân khám và điều trị tăng cao, từ 30% đến 50%. Trong đó, trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi thời tiết nắng nóng đột ngột.

Riêng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ khám đã tăng lên khoảng 120 trẻ/ngày. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám đã tăng lên mức khoảng 2.000 trẻ/ngày, có ngày lên tới gần 2.400 trẻ, số trẻ nhập viện cũng tăng lên 1.200 - 1.300 bệnh nhi.

Đặc biệt, tại cả Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi - Bệnh viện Xanh Pôn, ba địa chỉ thường là nơi khám bệnh chủ yếu cho trẻ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đều nổi lên số ca sốt virus chiếm đa số. Phần lớn số trẻ sốt virus đến khám và nhập viện trong tình trạng sốt 38 - 40 độ C, đau đầu, mệt mỏi, quấy khóc nhiều, nôn trớ...

Đặc biệt năm nay, sốt virus có dấu hiệu "tấn công" mạnh sang cả người lớn, khiến nhiều gia đình cả nhà mắc bệnh. Hiện tượng này được các bác sỹ lý giải là do thời tiết thay đổi bất thường, nóng lạnh đột ngột, độ ẩm cao, khiến virus có điều kiện phát triển, đồng thời làm cho sức đề kháng của con người suy giảm.

Bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, ngoài da… tăng cao

Tiếp sausốt virus, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh ngoài da là những bệnh đang tăng mạnh trong đợt nắng nóng này. Theo bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều trẻ phải nhập viện vì các bệnh đường hô hấp do di chuyển giữa các khu vực thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Bệnh nhân phải nằm ghép giường tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Càng nắng nóng, độ chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài trời càng cao, do ngày càng nhiều gia đình mua máy điều hòa không khí và tăng cường sử dụng vào dịp hè. Nhiều gia đình cho trẻ chơi đùa lâu ngoài trời vào cuối chiều, tưởng rằng nhiệt độ đã dịu hơn, nhưng thực chất nền nhiệt độ ở các khu vực bê tông hóa vẫn rất cao sau một ngày nắng nóng.

Nhiều trẻ khác phải nhập viện vì tiêu chảy do ăn uống hàng rong, quán cóc ở quanh trường học, ăn thức ăn để trong tủ lạnh… và có cả trẻ tiêu chảy do nhiễm virus, không có nguyên nhân từ thức ăn.

Tại Viện Da liễu quốc gia, hiện có tới gần 600 người tới khám mỗi ngày do các bệnh như: viêm da, nhiễm vi nấm, vảy nến… Nắng nóng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, gây ngứa ngáy, gãi, quần áo không khô thoáng… là điều kiện lý tưởng cho các virus, vi khuẩn tấn công và gây tổn thương da.

Bệnh về da thường không quá nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái. Do đó, nhiều người thường bỏ qua, không đi khám và tự mua thuốc bôi, nhất là thuốc có corticoid, khiến bệnh không khỏi, dễ tái phát, gây tốn kém và mất thẩm mỹ khi điều trị về sau.

Đề phòng nguy hiểm do say nắng, hạ đường huyết, chuột rút… 

Khi thời tiết nắng nóng, rất dễ xảy ra say nắng, hạ đường huyết, chuột rút... do cơ thể bị mất muối, đường qua mồ hôi. Điều đáng lo ngại và những tình huống này có thể đến bất ngờ và gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tự đề phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo đó, nên đề phòng từ xa bằng cách hạn chế đi lại nhiều giữa các khu vực thay đổi nhiệt độ đột ngột, ra trời nắng khi đang đói, khát, vừa uống rượu bia, tránh ở ngoài trời nắng lâu, đặc biệt nên tránh giờ cao điểm từ khoảng 11h đến 13h, ăn đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể thao điều độ để tăng sức đề kháng.

Trong trường hợp xảy ra say nắng, triệu chứng ban đầu có thể xuất hiện chuột rút, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi rã rời, khó thở… thì cần cấp cứu nạn nhân ngay bằng cách đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, quạt mát, chườm lạnh vào đầu, dùng khăn ướt lau người, uống orezon, nước trà đường nóng, nước chanh đường, muối hoặc nước dưa hấu ép để giải nhiệt, cung cấp lượng đường, muối bị mất cho cơ thể, châm cứu huyệt nhân trung, thập tuyên và đưa nạn nhân đi bệnh viện gấp nếu không đỡ; tránh để say nắng nặng, thân nhiệt 40 - 41 độ C, thở gấp, mạch nhanh, có cảm giác choáng, buồn nôn, sợ ánh sáng, có thể bị ngất, hôn mê hoặc nửa hôn mê, nhịp tim yếu và dẫn đến tử vong. Nên lưu ý tránh cho người say nắng uống nước lạnh, nước đá vì gây cản trở hấp thụ muối.

Với người bị hạ đường huyết, nếu có cảm giác rất đói, rất mệt, chóng mặt, mặt tái xanh, ra mồ hôi lạnh, khó thở, giọng nói ngắt quãng, trí não lơ mơ, mạch nhanh, yếu, thì cần cho uống nước trà đường, ăn thức ăn nhẹ. Nếu có biểu hiện sốc thì phải đưa đi viện ngay. Còn với người bị chuột rút, cần kéo căng, xoa bóp cơ bị chuột rút, tốt nhất là phòng bằng cách khởi động kỹ và tập luyện thể thao vừa sức

Thanh Loan
.
.
.