Bến Tre… khát vì một công trình thuỷ lợi dang dở

Thứ Sáu, 29/04/2005, 17:16
Do chưa triển khai thi công hai công trình quan trọng của dự án ngọt hoá Bắc Bến Tre là đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa và sông Bến Tre, nên nước mặn từ hai sông lớn Cửa Đại và Hàm Luông theo đó mà đổ vào Ba Lai.

Đi từ Minh, qua Bảo rồi sang cù lao An Hóa, ở đâu chúng tôi cũng nghe người dân than vì chuyện bị nước mặn tấn công. Người dân xứ dừa Bến Tre đang lao đao, đối mặt với nghịch cảnh: Sống giữa vùng cù lao, sông nước mênh mông nhưng lại… thiếu nước dùng.

Theo một cán bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bến Tre, các sông lớn của tỉnh như Hàm Luông, Cửa Đại, Cổ Chiên, nước có độ mặn 4‰ xâm thực sâu vào đất liền từ 50 - 55 km và nước có độ mặn 1‰ hiện đã "bao vây" toàn đảo dừa. Ở khu vực thị xã Bến Tre, người dân phải chấp nhận dùng nước do Nhà máy nước Sơn Đông cung cấp với độ mặn đến 2‰, cao hơn 8 lần so với mức cho phép.

Nhiều người nhớ đến dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, chặn dòng Ba Lai, một trong chín nhánh quan trọng tạo nên dòng Cửu Long, có vốn đầu tư quy mô nhất ĐBSCL được Chính phủ phê duyệt 1.230 tỉ đồng. Ông Huỳnh Văn Be - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, dự án ngọt hóa dòng Ba Lai sẽ ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ cho khoảng 115.000ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh và cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho trên ẵ dân số của tỉnh, gồm các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành và thị xã Bến Tre.

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, để dòng Ba Lai thành chiếc hồ chứa 90 tỉ m3 nước ngọt, thì ngoài hạng mục chính, còn đến 8 hạng mục nữa phải được tiếp tục đầu tư thi công. Hiện Nhà máy nước Tân Mỹ (Ba Tri) phải lấy nước mặn 2‰ xử lý rồi cung cấp cho dân dùng... chờ đến mùa mưa.

Không chỉ người dân mà các nhà lãnh đạo của Bến Tre đều đang mong mỏi, kiến nghị Bộ NN&PTNT - chủ đầu tư, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án "hồ nước ngọt Ba Lai" để xứ dừa Bến Tre không còn đối mặt với nghịch cảnh: Chết khát giữa vùng cù lao, sông nước!

Thái Bình
.
.
.