Bến Đông Bộ Đầu bị lãng quên

Chủ Nhật, 22/03/2009, 19:12
Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm đang đến gần nhưng Bến Đông Bộ Đầu, nơi gắn liền với những chiến công hiển hách của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, nơi có đền thờ vị tướng tài ba Hưng Đạo Vương thì lại đang dần bị lãng quên.

Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm chắc chắn sẽ được đầu tư kỹ lưỡng, hứa hẹn một màn trình diễn sinh động và chân thực về lịch sử của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Câu chuyện Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long; vua Quang Trung và chiến thắng ở Gò Đống Đa lịch sử. Và hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình đầy nắng sẽ là những cái không thể không nhắc đến.

Sẽ có nhiều điểm lễ hội được tổ chức ở những con phố nổi tiếng hay những di tích lịch sử quan trọng. Nếu Triều Lý có công phát hiện ra Thăng Long là mảnh đất "rồng bay lên", thì dân thành Thăng Long thời Trần trong cơn nguy kịch đã ba lần "vườn không nhà trống" để Thăng Long không bị vó ngựa quân Nguyên giày xéo. Vậy mà Bến Đông Bộ Đầu với vị trí trung tâm là đền Sơn Hải dường như vẫn chưa có được sự quan tâm cần thiết của lịch sử.

Nơi in dấu lịch sử

Bến Đông Bộ Đầu thời Trần nằm ở bờ Nam sông Hồng, nay thuộc vị trí từ đầu dốc Hàng Than, Hòe Nhai kéo dài đến Vạn Kiếp. Không hề quá khi nói rằng, đây là vùng "đất thiêng" của vương triều Trần trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258- 1288). Nơi đây, vào năm 1258, đã ghi dấu chiến thắng Đông Bộ Đầu lừng lẫy của vua tôi nhà Trần, đuổi giặc Nguyên ra khỏi kinh thành Thăng Long và buộc chúng tháo chạy về nước.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần 2, tại Bến Đông Bộ Đầu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sau một cuộc tổng duyệt binh lớn, đã đọc Hịch Tướng sĩ, kêu gọi quân và dân Đại Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Và như một sự trùng hợp đầy tâm linh, cả ba lần đem quân đi chống quân Nguyên, Trần Hưng Đạo - một trong những vị tướng tài ba nhất của dân tộc ta đều xuất binh ngay tại Bến Đông Bộ Đầu và đều mang về những chiến công hiển hách, 3 lần đánh tan tác quân Nguyên - Mông, khiến cả thế giới phải sửng sốt, kinh ngạc.

Lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta lừng lẫy với ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược. Điều này đã được lịch sử thế giới ghi nhận, đưa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào hàng những vị tướng quân sự tài ba nhất của thế giới.

Riêng với kinh thành Thăng Long, thì con sông Hồng ở đoạn Đông Bộ Đầu ở cửa ngõ Thăng Long, là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất để bảo vệ kinh đô Đại Việt; nơi hàng vạn binh sĩ nhà Trần đã hy sinh xương máu để đem lại chiến thắng lẫy lừng cho dân tộc, đem lại sự hòa bình, thịnh trị cho nhân dân ta thời đó.

Và ít ai biết ở trên bến sông này, chính Hưng Đạo Vương đã tự tay kỳ lưng cho Tướng Trần Quang Khải, giúp xóa tan những hiềm khích cá nhân của hai vị tướng to nhất triều đình, để cùng nhau lo mối nguy lớn của cả dân tộc. Đó chính là một trong những điều cơ bản làm nên chiến thắng vẻ vang nhà Trần "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước giúp sức…".

Đông Bộ Đầu nay: Chìm trong… rác

Tại một đoạn thuộc Bến Đông Bộ Đầu nằm trên đường Bạch Đằng ngày nay, có đền Sơn Hải, là nơi thờ Đức Thánh Hưng Đạo Vương. Đền do dân vạn chài, vì ghi nhớ công đức của Hưng Đạo Vương mà xây lên năm 1875.

Thời nhà Nguyễn, đền Sơn Hải thuộc xứ Vạn An (thôn Đông Bộ Đầu, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, Hà Nội). Đền đã được nhiều đời vua Nguyễn như Khải Định, Thiệu Trị ban sắc phong công nhận di tích lịch sử. Đến bây giờ, những sắc phong đó và tấm bản đồ khu vực này thời nhà Nguyễn vẫn được lưu giữ trong đền, trở thành những tư liệu lịch sử quý giá.

Ông Trần Văn Hai (thủ từ đền Sơn Hải hơn 20 năm) kể lại: "Đền Sơn Hải có số phận thăng trầm theo những giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân vạn chài ven sông Hồng đã phải sơ tán toàn bộ tượng thờ, bát hương và những hiện vật lịch sử của đền xuống thuyền, thả trôi trên sông Hồng và thực hiện việc thờ cúng trên sông đến tận khi hòa bình lập lại mới đem trở lại đền.

Dựa trên ngọc phả và trên các sắc phong của vua các triều đại trước, có thể khẳng định chắc chắn đây chính là nơi mà Trần Hưng Đạo đã ba lần xuất quân đi đánh đuổi quân Nguyên - Mông. Nói cách khác đây cũng chính là nơi khởi thủy của những chiến thắng Vạn Kiếp, Bạch Đằng đã đi vào lịch sử.

Trong một lần đến thăm đền, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã vô cùng xúc động khi được thăm lại "chiến trường xưa" thời Trần, nơi lưu giữ những chiến tích vẻ vang của triều Trần nói chung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói riêng.

Không một nhà sử học nào có thể phủ định ý nghĩa lịch sử to lớn của địa danh này. Tuy nhiên có một sự thật đáng buồn là cho đến nay, đền Sơn Hải vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử. Hồ sơ xin cấp bằng chứng nhận di tích dù đã được quận Hoàn Kiếm trình lên Sở Văn hoá Hà Nội từ mấy năm nay, nhưng những cơ quan chức năng vẫn "chần chừ" không quyết định chỉ vì vị trí đền nằm ngay ở bờ sông Hồng, nơi có những quy hoạch chiến lược trong tương lai. Việc công nhận di tích đền Sơn Hải có thể cản trở những quy hoạch đó chăng?

Chịu thiệt thòi vì nằm trên vị trí nhạy cảm nên đền Sơn Hải chưa thực sự được đối xử công bằng. Lối vào đền dài 160m chạy thẳng ra đường Bạch Đằng từ nhiều năm nay đã bị người dân xung quanh cơi nới, lấn chiếm làm nơi phơi quần áo, nơi xả rác và thải các chất vệ sinh, khiến không khí xung quanh khu vực đền bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của đền thờ.

Hiện giờ, những người đến thăm đền đều phải đi nhờ qua ngõ 53 (Bạch Đằng), một con ngõ vô cùng nhỏ và tối tăm, lắt léo như mê cung, phải nhờ những cái cờ phây chỉ dẫn mới tìm được lối vào. Ý thức kém của người dân, cùng với sự thờ ơ của các cơ quan văn hóa, khiến cho không gian của đền bị lấn chiếm một cách trắng trợn và ngày càng bị thu hẹp.

Những người dân xung quanh khu vực này, khi được hỏi, đã không biết nơi đây là nơi đã ghi dấu những chiến tích vẻ vang của dân tộc ta, thậm chí còn không biết nơi đây đã từng có thời mang tên Bến Đông Bộ Đầu

Nguyên Mộc
.
.
.