Báu vật truyền đời của những phụ nữ T’rin

Thứ Bảy, 12/02/2011, 14:10
Những ngày cuối năm, không như chị em người Kinh tích cực mang đồ trang sức như dây chuyền, nhẫn vàng, cà-rá (còng đeo tay), hoa tai… đi đánh bóng, các bóng hồng T'rin chăm chút chùi rửa những sợi dây cơm đủ sắc màu (như dây chuyền của người Kinh nhưng được làm từ hạt cườm) bên dòng chảy của con suối Lách cho thêm phần sáng đẹp. Đó là báu vật truyền đời của những phụ nữ T'rin.

Đến núi rừng Yang Ly vào những ngày đầu xuân mới, chúng tôi rất ấn tượng trước hình ảnh các bà các chị người T'rin xúng xính với những sợi dây cơm đủ sắc màu (như dây chuyền của người Kinh nhưng được làm từ hạt cườm) được gìn giữ, truyền lưu qua bao đời.

Bên dòng chảy róc rách của con suối Lách ở thôn Gia Lố (xã Yang Ly, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), nói về "lý lịch" của sợi dây cơm ngũ sắc (gồm các hạt cườm màu xanh, đỏ, vàng, đen, nâu), cụ bà Cà Thị Mai, 78 tuổi, cho biết: "Sợi dây này bà ngoại cho mẹ lúc lấy chồng. Sau đó mẹ cho mình. Nếu nói cái tuổi nó cũng gần 200 mùa rẫy (năm) rồi".

Khắp núi rừng Yang Ly, những bóng hồng mà chúng tôi gặp, từ các cô gái, phụ nữ đã lấy chồng, người già đến các bé gái đều điệu đàng diện trên cổ những sợi dây cơm đủ sắc màu trông rất xinh đẹp. Dây cơm là những sợi dây đeo cổ được xỏ xâu từ hàng trăm hạt cườm (đồng bào gọi là nhong).

Từ các bé gái, phụ nữ đến người già T'rin, ai cũng sặc sỡ, lộng lẫy với những sợi dây cơm ngũ sắc xinh đẹp.

Những ngày cuối năm, không như chị em người Kinh tích cực mang đồ trang sức như dây chuyền, nhẫn vàng, cà-rá (còng đeo tay), hoa tai… đi đánh bóng, các bóng hồng T'rin chăm chút chùi rửa những sợi dây cơm bên dòng chảy của con suối Lách cho thêm phần sáng đẹp. Cụ bà Cà Thị Mai cho biết ngoài sợi dây cơm mẹ cho, cụ còn giữ 4 sợi dây cơm khác: "1 sợi do mình tự làm, 1 sợi lúc ông chồng lấy mình tặng làm của, 2 sợi còn lại mình mua của người khác".

Điều đặc biệt là người càng lớn tuổi thì càng đeo nhiều dây cơm, có người đeo gần chục sợi với độ dài ngắn, màu sắc khác nhau. Chị Hà Thương, 45 tuổi, nhà ở thôn Gia Rít, tâm tình rằng sợi dây cơm gắn bó với phụ nữ T'rin như hình với bóng, từ lúc được sinh ra đến lúc về với Yàng (thần linh).

"Các cô gái ở Yang Ly khi lấy chồng đều được chồng và mẹ tặng cho sợi dây cơm. Nhưng sợi dây cơm mẹ tặng mới có giá trị, ý nghĩa vì sợi dây được truyền qua nhiều đời. Có người đeo dây cơm qua 4-5 đời bà mẹ truyền cho. Càng đeo lâu năm, những hạt nhong càng lên nước bóng đẹp".

Bên cạnh việc làm đẹp, người T'rin tin rằng những sợi dây cơm giúp họ chống lại sự xâm nhập của ma quỷ và thú dữ. "Ngày trước núi rừng rậm rạp, thú dữ nhiều vô cùng. Mình đi đào củ, hái rau, bắt cá ở suối thường hay gặp con gấu, con hổ, con beo. Khi chuẩn bị vồ tát mình, nhìn thấy sợi dây nhong, chúng cứ nhìn chăm chăm, quên cả chuyện bắt mồi. Thừa lúc đó mình nhanh chân chạy. Mình chạy một đoạn khá xa con thú dữ mới tỉnh lại. Lúc đó nó cố rượt đuổi nhưng mình đã kịp về làng rồi" - cụ bà Cà Thị Mai cho biết.

Theo tâm tình của những phụ nữ tuổi ngoài 50, ẩn sau những sợi dây cơm có rất nhiều thông điệp. Bởi chỉ cần nhìn vào sợi dây là có thể biết được người đeo giàu hay nghèo, khéo tay, chịu khó hay là người vụng về, lười biếng. "Người nghèo thì sợi dây cơm được làm từ hạt cây mắt mèo (nửa đen nửa đỏ) nhặt trong rừng mang về xỏ lỗ. Người khá giả thì đeo dây cơm với nhong làm từ đá quý, thường là mua lại hoặc trao đổi hàng hóa với người Kinh. Ngày trước, hầu như các cô gái T'rin nào cũng siêng đi nhặt hạt nhong và biết kỹ thuật dùi lỗ, bện dây làm dây cơm.

Có một điều lạ là theo các già làng, người T'rin làm dây cơm để làm đẹp cho bản thân hoặc truyền tặng cho con, người thân chứ không bao giờ mang bán dù rằng có những vị khách người thành phố khi đến thăm buôn làng vì choáng ngợp trước những sợi dây cơm đậm hương rừng sắc núi ngỏ ý trả giá cao nhưng không bao giờ được ý toại. Anh Hà Thái, nguyên Trưởng ban văn hóa xã, khẳng định: "Người T'rin chỉ mua thêm chứ không bao giờ bán ra. Sợi dây cơm như là linh hồn của mỗi người nên không ai mang bán cả".

Một ngày nào đó, nếu có dịp đến núi rừng Yang Ly thăm tộc người T'rin, bạn hãy nhớ câu chuyện về những sợi dây cơm, những báu vật bất ly thân của phụ nữ tộc người này để càng thêm trân trọng ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa nguồn cội của đồng bào.

Và biết đâu bạn sẽ có những khám phá thú vị liên quan đến những sợi dây cơm mà bao thế hệ đồng bào cố gắng truyền giữ, khi yêu mến một ai đó sẵn sàng gửi tặng chứ nhất định không bán. Đó phải chăng là nét chấm phá về cái tính cách phóng khoáng, hào sảng của tộc người vùng cao

N.T.Dũng
.
.
.