Bất ngờ và xúc động với hội thảo và kiểm chứng thần y Võ Hoàng Yên

Chủ Nhật, 31/07/2011, 10:44
Cứ sau mỗi lần lương y Võ Hoàng Yên xoa bóp day ấn huyệt (diễn ra trong tích tắc) giúp bệnh nhân đứng, đi, nghe, nói… được thì kèm đó là những tràng vỗ tay, tiếng cười, những giọt nước mắt hạnh phúc vang lên không ngớt gây xúc động cho mọi người.
>> Thần y Võ Hoàng Yên chữa bệnh cứu người

Sau nhiều lần chữa bệnh, bị phạt vì không có giấy phép hành nghề thì sáng 29/7 tại Hội thảo về phương pháp xoa bóp day ấn huyệt diễn ra trong khuôn viên trụ sở Liên hiệp các hội tỉnh Bình Phước, lần đầu tiên ông Võ Hoàng Yên được công khai chữa bệnh hợp pháp trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương và đông đảo người dân.

Và cứ sau mỗi lần xoa bóp day ấn huyệt (diễn ra trong tích tắc) giúp bệnh nhân đứng, đi, nghe, nói… được thì kèm đó là những tràng vỗ tay, tiếng cười, những giọt nước mắt hạnh phúc vang lên không ngớt gây xúc động cho mọi người.

Niềm vui người bệnh

Sau những lời giới thiệu tuyên bố lý do của Ban tổ chức (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước), buổi hội thảo bước vào phần quan trọng nhất: chữa bệnh. Mở đầu trong số hàng chục bệnh nhân được bốc thăm để chữa là bà Lê Thị Toán, 64 tuổi, ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài. Người con bà Toán là chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước ẵm người mẹ ruột bị chứng bệnh bại liệt hành hạ suốt nhiều năm qua chậm chạp bước vào chiếc ghế gỗ dài. Cái chân phải cùng cánh tay phải bị liệt ngồi trên ghế.

Ông Võ Hoàng Yên (áo trắng) chữa bệnh cho các bệnh nhân sáng 29/7 tại tỉnh Bình Phước.

Sau những cử chỉ chào, hỏi thăm bệnh tình, ông Võ Hoàng Yên liền bắt tay vào chữa bệnh cho bà Toán. Thoa chút dầu nóng vào cái chân đau, với vài động tác xoa bóp day ấn huyệt, cái chân bị bệnh của bà Toán bắt đầu cử động được sau nhiều năm cứng đơ. Rồi thêm vài động tác, bà Toán đã tự ý đứng dậy và tự đi đến ba vòng quanh chiếc ghế. Rồi theo sự hướng dẫn của ông Yên, bà Toán còn tự ngồi xổm mà không cần một bàn tay đỡ đần.

Mọi ánh mắt từ tập trung, chăm chú hồi hộp theo dõi ông Yên chữa bệnh bỗng rơi dài những giọt nước mắt khi chứng kiến sự hồi phục đến lạ thường của bà Toán. Bà Toán đã đứng dậy tự đi nhưng bà vẫn còn một cánh tay bị liệt chưa được xử lý lần này. "Xin hẹn lần sau, con sẽ tiếp tục chữa cho má vì con sợ day ấn nhiều thêm sẽ làm má đau" - ông Yên nhỏ nhẹ sát bên tai thông báo cho bà Toán biết.

Đợt bốc thăm tiếp theo trúng vào bệnh nhân là ông Nguyễn An Việt, 68 tuổi, ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài. Ông Việt bị liệt cả chân phải lẫn tay phải gần 10 năm qua. Chỉ cần khoảng 10 phút, bằng những động tác xoa bóp day ấn, ông Việt đã bỏ chiếc nạng và tự thân bước những bước đi tập tễnh vài vòng quanh chiếc ghế gỗ. Do sức khỏe tốt nên ông Yên dành thời gian chữa nốt cánh tay phải bị liệt. Từ một cánh tay cứng đơ vô tác dụng, ông Việt đã nhúc nhích cử động, tự giơ cánh tay lên qua đầu rồi còn co vào hẩy mũi, vuốt tóc và quan trọng hơn ông Việt đã có thể ngồi xổm một mình.

Bệnh nhân thứ ba là em Nguyễn Vũ Thiện, 17 tuổi, ngụ phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, bị câm điếc bẩm sinh. Em được mẹ ruột mình là bà Võ Thị Ngọc Vẹn đưa đến hội thảo chữa bệnh. Ông Yên đã dùng tay tác động vào cuống lưỡi, phía dưới vòm họng của em Thiện. Kế đến là các động tác dùng hai tay day ấn vào lỗ tai, vỗ mạnh "bốp bốp" vào hai tai. Sau khoảng 10 phút, em Thiện có thể cất được những tiếng nói đầu đời. Âm thanh từ ồm ồm chuyển sang rõ dần.

Em Thiện bắt đầu đếm được: một, hai, ba… rồi đến mười, rồi nói được đến hai âm liền: một hai, ba mẹ, đi học, đến trường... Ông Yên dùng tay búng tách tách vào hai lỗ tai rồi hỏi em: nghe không? Thính giác em Thiện bắt đầu cảm nhận được âm thanh. Búng nhỏ em giơ tay báo hiệu chưa nghe, búng lớn em vừa gật đầu vừa nói: nghe, nghe, nghe nhiều… Bà Vẹn ngồi gần bên theo dõi ông Yên chữa bệnh cho con đã nức nở che mặt, xúc động không nói nên lời.

Sáng 29/7, có thêm 3 bệnh nhân khác bị các chứng câm, điếc, bại liệt cũng được ông Yên chữa. Cả ba đều có chuyển biến bước đầu tích cực so với chưa điều trị. Theo người thân tất cả các bệnh nhân khi đến nhờ ông Yên cứu chữa đều đã lặn lội khắp các nơi điều trị với mong muốn được phục hồi sức khỏe nhưng đều bó tay. "Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn thầy Yên. Nhờ thầy Yên mà niềm vui đã trở lại. Mong rằng các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để thầy Yên có cơ hội chữa bệnh cứu người" - người thân các bệnh nhân mong muốn.

Theo ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Bình Phước, chủ trì buổi hội thảo, vào tối 28/7, trước đề nghị của các nha khoa học, lương y Yên đã chẩn, trị cho nhiều bệnh nhân. Trong đó có một nam bệnh nhân bị tai biến liệt (là người thân của ông Võ Đình Tuyến, hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Phước). Sau vài phút bấm trúng huyệt, bệnh nhân đã ngồi dậy, tiễn lương y Yên từ trên lầu xuống đến cửa để về!

Cơ quan chức năng ủng hộ

Dự hội thảo về phương pháp xoa bóp day ấn huyệt để kiểm chứng sự hồi phục có đông đủ các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương và rất đông nhân dân trong nước. Giáo sư Hoàng Bảo Châu, Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam: Đây là một môn xoa bóp day ấn huyệt theo trường phái võ đạo mà ông Yên có một quá trình khổ luyện và đã đạt được những thành công nhất định. Người bệnh sau khi được tác động vào những nơi bị "chết" như: gân, khớp… bằng những động tác xoa bóp day ấn huyệt sẽ có "sự sống" trở lại.

Lương y Trần Nam Hoàn, Phó chủ tịch Hội Đông y TP Hồ Chí Minh, cho biết phương pháp chữa bệnh của ông Yên khá hay. Móc ngay cổ họng nhằm cố gắng phục hồi thanh quản đã không vận động trong thời gian dài. Thứ hai, cầm lưỡi kéo ra, trong y học hiện đại không có thủ thuật nào cầm lưỡi kéo và quay, mục đích chính nhằm phục hồi cơ ở lưỡi. Vì lưỡi mềm mại mới nói được. Trên cơ sở đó mọi người đều thấy bệnh nhân nói được ngay.

Phương pháp này có cơ sở khoa học, đó là tác động trực tiếp vào những cơ quan bị rối loạn. Còn về lâu dài do các căn bệnh trên (câm điếc, liệt) do tổn thương ở não, nếu tổn thương não nặng thì phục hồi chậm còn nhẹ thì phục hồi nhanh. Vì vậy nếu bệnh nhân được chẩn trị thường xuyên sẽ chóng phục hồi. Theo tôi nên thành lập tổ nghiên cứu vì nếu đã xác định đây là phương pháp hay.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế, phát biểu: "Tuy chưa thể kết luận ngay về hiệu quả phục hồi của bệnh nhân nhưng chúng ta phải làm rõ để trả lời dư luận. Vì vậy phải nghiên cứu, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của phương pháp chữa bệnh của lương y Yên. Tôi đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề tài nghiên cứu về phương pháp chữa bệnh này và phải có đơn vị tham gia đánh giá trước, trong và sau quá trình điều trị. Trên cơ sở đó đưa ra những kết luận xác đáng về tính an toàn và hiệu quả của nó".

Thạc sĩ - bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, nhận định: "Chưa thể kết luận được phương pháp này có tác dụng tạm thời hay tác dụng lâu dài. Chính vì vậy Sở Y tế sẽ có trách nhiệm kiểm định phương pháp của ông Yên. Tuy nhiên sẽ phải thông qua Hội đồng khoa học kỹ thuật, hội đồng đạo đức y khoa và phải được thực hiện theo đúng các quy trình theo quy định của Bộ Y tế. Việc cho phép hay không cho phép chữa bệnh phải thông qua hội đồng và phải có sự thẩm định của Bộ Y tế".

Được biết sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, chiều 29 và cả ngày 30/7, ông Võ Hoàng Yên tiếp tục lưu lại chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân đến từ các nơi. Sau khi được chữa trị, bước đầu nhiều bệnh nhân đã phục hồi.

Theo giáo sư Hoàng Bảo Châu, cách chữa trị của ông Võ Hoàng Yên về y học hiện đại, đây là phạm vi phục hồi chức năng. Qua 2 loại bệnh nhân (vi chứng tai biến mạch não và câm điếc) mà lương y Võ Hoàng Yên chữa cho thấy có hiệu quả tức thời. "Là người đi trước, tôi rất kính trọng ông Yên, một tài năng vĩ đại, hiếm có. Bằng tấm lòng thương người được tu dưỡng trong nhà chùa, hy vọng với khả năng bẩm sinh, ông Yên sẽ giúp cho nhiều, nhiều người bệnh có cơ hội được sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội".

Ông Võ Hoàng Yên tâm sự: "Học được cách chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền từ các sư trong chùa như day, ấn huyệt. Tôi luôn mong muốn được khám chữa bệnh giúp đỡ những người không may mắc phải bệnh tật. Tuy nhiên việc khám chữa bệnh của tôi chưa được phù hợp theo quy định của pháp luật dù tôi đã đi nhiều nơi khám chữa bệnh miễn phí và giúp được nhiều bệnh nhân lành bệnh. Do điều kiện học hỏi của tôi chủ yếu từ các nhà sư trong chùa và không qua trường lớp chính quy nào của ngành y. Vì vậy về mặt lý thuyết chắc hẳn tôi không bằng các bậc thầy và các bác sĩ chuyên ngành. Tôi chỉ là một người bình thường, tất nhiên không phải bệnh nào cũng chữa khỏi. Nhưng với tâm niệm rất bình thường là mong được phục vụ giúp bệnh nhân về lâu dài" .

Long Điền
.
.
.