Bạt ngàn rừng nguyên sinh nhờ hương ước làng

Thứ Bảy, 24/11/2012, 16:35
Trong thời gian qua, rất nhiều cánh rừng nguyên sinh trong cả nước luôn bị lâm tặc chặt phá, thì ở Quảng Bình có một cánh rừng hàng trăm năm tuổi với nhiều chủng loại gỗ quý vẫn được giữ gìn nguyên sơ. Điều đặc biệt ở chỗ, để cánh rừng này luôn tồn tại, chính người dân sống cạnh rừng đã đề ra "hương ước giữ rừng". Một hương ước tồn tại đời này qua đời khác để cánh rừng mãi rợp bóng cây.

Rừng nguyên sinh ở cạnh nhà dân

Chúng tôi băng qua tuyến đường sắt Bắc - Nam, đi bộ thêm khoảng mươi phút đồng hồ là bắt đầu đến cửa rừng Rào Trổ ở Uyên Phong, xã Châu Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình. Dưới tán cây che rợp bóng mát, ông Phan Thành, xã Châu Hóa cầm rựa đi trước dẫn chúng tôi đến cánh rừng của làng. Leo một con dốc không cao lắm, nhưng đủ rịn mồ hôi ướt áo là đến rừng già. Bên tai đã nghe tiếng con suối Rào Trổ chảy rù rì và hơi mát ngập len xua đi cái bức bối khi vượt dốc. Con đường nhỏ vừa đủ lối chân đi vòng vèo chạy theo con suối, ôm lấy mấy bụi tre già đan xiên lấy nhau như tấm mạng nhện khổng lồ.

“Đây là cây sú cổ đại” tiếng ông Thành như vút lên giữa rừng. Tôi nhảy qua mấy hòn đá lớn đến cạnh cây sú cao đến hàng chục mét đứng sừng sững, tỏa bóng xuống dòng suối. Ông Thành theo sau, dùng rựa phát mấy cây bụi quanh vạt đất sát gốc cây sú. Cả ba người chúng tôi giang hết tay nối nhau để đo, song gốc cây sú vẫn còn một khoảng trống dài. “Gốc cây này cũng có đường kính hơn mét rưỡi” ông Thành vừa nói vừa gật gật đầu...

Đối diện với cây sú lớn là một dãy sú nhỏ hơn một chút. Cả ba cây đứng như xếp hàng dọc trên sườn đồi. Cây nào cũng xì xì da vỏ, loài lan bám đầy trên các cành. Thấy chúng tôi cứ xuýt xoa vì cây rừng quá đẹp, ông Thành nói như khoe: “Ở đây cũng còn nhiều loại cây lắm. Có cả lim xẹt, giẻ lim, nao, sú, dổi, gõ... Nhiều cây có đường kính gốc gần 2m đó. Cây nao trên kia cao to lắm. Ước tính đến hàng chục mét khối gỗ”.

Ngược lên con dốc nhỏ, tiếng suối nghe mạnh hơn. Rồi khoảng sáng trước mặt như bừng lên, tiếng nước nhào từ trên tảng đá lớn xuống ràn rạt như át hết tiếng gió đẩy cây rừng xàn xạt. Chúng tôi đến vùng có cây nao lớn, sau khi đã đi điểm qua hàng chục cây lớn đứng như ru gió giữa lưng núi. Cây nao gốc tròn, vè góc không rộng lắm. Đứng ở dưới gốc cây nhìn lên, cổ cứ ngửa ngặt ra mà mắt không nhìn được thấy ngọn.

“Làm sao bác biết cây này đến mấy chục mét khối gỗ” tôi hỏi ông Thành? À, do hôm trước, có đoàn cán bộ lâm nghiệp nhờ tui đưa đi thăm rừng. Đến góc cây nao này, họ dùng máy đo đếm chi đó và cho tôi biết trữ lượng gỗ là gần hai chục khối đó chớ". Bên cạnh rất nhiều chủng loại gỗ quý, rừng ở Uyên Phong còn rất nhiều loại động vật, bò sát sinh sống như khỉ, hươu, nai, lợn rừng, rắn...

Một góc rừng nguyên sinh Rào Trổ ở Uyên Phong.Một góc rừng nguyên sinh Rào Trổ ở Uyên Phong.

Giữ rừng bằng hương ước

Ông Phan Xuân Thuyệt (77 tuổi) được dân làng Uyên Phong xem như người chép sử của làng trò chuyện: “Khi tôi lớn lên là đã nghe gọi tên “rừng cấm Khe Trổ” rồi. Hồi đó, làng cũng đã có quy định xử phạt những ai vi phạm vào rừng đốn cây, chặt củi hay săn bắt chim thú. Bất kể hành vi xâm phạm nào dù lớn hay nhỏ nếu làm ảnh hưởng đến rừng đều bị làng xử phạt. Nặng thì phạt lúa gạo, nhẹ thì đưa ra khiển trách trước làng. Vì thế mà ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây đã được truyền lại từ đời này qua đời khác”.

Hương ước mới của thôn Uyên Phong bây giờ cũng kế thừa những lời răn dạy của cha ông. Trong đó có nhiều điều khoản ghi rất cụ thể. Chẳng hạn như chặt một cây tươi có kích cỡ trên 10 phân thì phạt ba cân thóc; một gánh củi khô phạt 15 ngàn đồng... “Mấy năm nay rồi, tổ bảo vệ rừng cũng chẳng phạt trường hợp nào trong thôn. Đơn giản là vì mọi người từ già đến trẻ ai cũng có ý thức bảo vệ rừng mà”, ông Phan Thành, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng Uyên Phong cho biết vậy.

Người dân Uyên Phong không chỉ có ý thức chung trong việc răn dạy bản thân, con cái trong gia đình cần bảo vệ rừng, mà khi phát hiện có người lạ vào rừng nếu có hành vi chặt phá rừng hay làm điều nguy hại đến rừng họ đều ra tay ngăn chặn. Mùa hè năm trước, vào ngày nắng như đổ lửa, đang nghỉ trưa, chợt nghe tiếng kẻng báo động cháy rừng, gần cả nghìn người dân Uyên Phong vác theo cuốc xẻng, thùng chậu...rùng rùng chạy lên rừng. Người có xe máy thì chở thêm người, đi xe đạp cũng chở thêm người, ai không có phương tiện thì phóng chạy trên đôi chân trần. Phía trên mái núi xế cụm rừng có cụm cây sú cổ đại, lửa đã bắt ngọn rần rật cháy, khói, tàn tro bay ngút trời.

“Cứu lấy rừng bà con ơi” có tiếng ai đó thét lên dội vào vách đá. Quên khát, quên mệt nhọc lăn xả vào dập lửa. Gần 3 giờ đồng hồ, ngọn lửa được dập tắt, rừng được cứu. Người dân Uyên Phong mới thở phào. Được biết, để giữ rừng, mỗi năm người dân thôn Uyên Phong còn tự nguyện đóng góp hai tấn thóc để chi trả cho người trong thôn tham gia quản lý và bảo vệ rừng.

Quảng Trị: Thêm một vụ bán rừng Nhà nước giá rẻ hơn củi

Ngày 23/11, lãnh đạo UBND huyện Gio Linh cho biết, trong quá trình điều tra sai phạm của ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, về việc ông Thành bán rừng Nhà nước giá rẻ hơn củi như Báo CAND đã phản ánh, đoàn công tác của huyện còn phát hiện thêm một vụ tương tự cũng do chính ông Thành thực hiện vào ngày 11/7/2012.

Cụ thể, ông Thành đã tùy tiện bán 385 héc-ta rừng trồng trên 10 năm tuổi thuộc các dự án trồng rừng 327 và 661 trên địa bàn huyện Gio Linh, với mỗi héc-ta chỉ hơn 2,3 triệu đồng cho một doanh nghiệp tư nhân ở huyện Vĩnh Linh.

Thanh Bình

Xử lý kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn để mất rừng

Sáng 22/11, ông Y Rít Byăh, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã ban hành công văn chỉ đạo lãnh đạo VQG Yok Đôn sớm điều tra, báo cáo vụ 15 cây gỗ giáng hương và gõ đỏ (nhóm 2A) tại Tiểu khu 477 bị lâm tặc khai thác trái phép, xẻ hộp cất giấu dưới sông Sêrêpốk bị kiểm lâm vườn phát hiện vào 15/11 vừa qua.

Cùng ngày, ông Trần Văn Thành, Quyền giám đốc VQG Yok Đôn cũng cho biết thêm, hiện đơn vị đang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm của vườn phối hợp cùng cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn khẩn trương tính toán khối lượng, mức độ thiệt hại nếu đủ yếu tố chuyển hồ sơ Công an đề nghị khởi tố vụ án hình sự. Lãnh đạo vườn cũng đang xem xét kỷ luật 6 cán bộ của Trạm Kiểm lâm số 9 vì thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra vụ khai thác gỗ nói trên. Trước mắt, lãnh đạo vườn đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với trạm trưởng và 2 trạm phó để kiểm điểm trách nhiệm.

Theo nguồn tin từ Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn cho biết, số gỗ bị chặt phá trên có khối lượng trên 4m3, tương đương hơn 8m3 gỗ tròn.

Văn Thành

Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.