Bắt chủ phương tiện chuyển quyền sở hữu cho HTX là sai

Thứ Bảy, 29/12/2007, 16:56
Sau quá trình xem xét, Bộ Tư pháp khẳng định: việc Bộ GTVT quy định buộc các chủ phương tiện phải chuyển quyền sở hữu phương tiện vận tải sang HTX là “không đúng thẩm quyền” và "không phù hợp với đặc thù của pháp luật về HTX".

Sau phản ứng của hàng loạt xã viên và các HTX vận tải tại TP HCM đối với quy định "buộc phải sang tên phương tiện vận tải (ôtô) từ sở hữu cá nhân sang sở hữu của HTX" tại các Quyết định số 16 và 17/2007/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Liên minh các HTX TP HCM đã có công văn gửi đến Bộ Tư pháp, yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét tính pháp lý của một số quy định trong 2 quyết định nêu trên của Bộ GTVT.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời Liên minh các HTX thành phố cũng như gửi đến Bộ GTVT, Liên minh các HTX Việt Nam để cùng phối hợp.

Điều đáng chú ý, cũng giống như ý kiến của Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia thành phố trước đây, khẳng định trong văn bản trả lời của Bộ Tư pháp là "quy định tại các Quyết định 16 và 17 của Bộ GTVT về sở hữu xe ôtô đối với mô hình HTX là vượt quá thẩm quyền cho phép hoặc không phù hợp".

Trả lời về thẩm quyền quy định điều kiện kinh doanh, văn bản của Bộ Tư pháp đã khẳng định: Ngày 28/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Bên cạnh điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ôtô, tại điều 6 của Nghị định đã quy định điều kiện kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định; điều 8 quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi.

Và tại các điều này, Chính phủ không quy định điều kiện về chủ sở hữu phương tiện (ôtô) là của xã viên hay HTX.

Tuy nhiên, ngày 26/3/2007 Bộ GTVT ban hành 2 quyết định nêu trên, trong đó đều có nội dung quy định về việc chỉ có phương tiện đăng ký sở hữu của pháp nhân (HTX) mới được tham gia kinh doanh vận tải.

Theo Bộ Tư pháp, việc Bộ GTVT ban hành các quy định này là "không đúng thẩm quyền" vì quy định tại khoản 5 điều 7 của Luật Doanh nghiệp: "các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh".

Về sự phù hợp của các quy định này của Bộ GTVT với đặc thù của HTX, theo nhận định của Bộ Tư pháp, đối tượng điều chỉnh của Nghị định 110 là mọi doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải khách bằng ôtô trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó, doanh nghiệp được hiểu là các đơn vị kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật HTX. Luật Doanh nghiệp đã có những quy định cụ thể về việc hình thành tài sản thuộc sở hữu của mỗi loại hình doanh nghiệp; Luật HTX cũng đã quy định rõ những đặc thù về hình thành tài sản của HTX.

Tiếp đến là Nghị định số 177/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HTX; Nghị định số 77/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành mẫu hướng dẫn xây dựng điều lệ HTX, đều có nội dung nhất quán với các quy định trong Luật.

Hơn nữa điều lệ HTX do chính Hội nghị thành lập HTX thảo luận và thống nhất. Như vậy, việc Bộ GTVT quy định buộc các chủ phương tiện phải chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho HTX, Bộ Tư pháp đã khẳng định là "không phù hợp với đặc thù của pháp luật về HTX".

Để hơn 100 HTX vận tải khách tại TP HCM yên tâm hoạt động, đang trông chờ vào sự điều chỉnh của Bộ GTVT

Đức Thắng
.
.
.