Bão vào đất liền

Thứ Bảy, 17/07/2010, 17:08
Một số địa phương đã bị ảnh hưởng, có mưa và gió mạnh dù cơn bão số 1 được dự đoán không còn mạnh nữa.

Bão chuyển hướng

Theo Trung tâm Dự báo KTTV TW, trong 6 giờ vừa qua, bão số 1 đã đổi hướng di chuyển lên phía Bắc.

Bão chuyển hướng di chuyển lên phía Bắc. Ảnh: Trung tâm KTTV TW.

15h hôm nay, 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông,  cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nam Định khoảng 60 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Như vậy khoảng chiều tối nay (17/7), vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 3h sáng mai, 18/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7  (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 15h ngày mai, 18/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đêm nay (17/7) còn có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Sóng biển cao từ 5 - 7 mét. Các tỉnh ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 5 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Mất điện, cấm lưu thông trên cầu Bãi Cháy

Khoảng 15h15 hôm nay, 17/7, Quảng Ninh đã xảy ra mất điện trên diện rộng do ảnh hưởng của mưa bão. Mưa bão cũng đã gây đổ cột phát sóng của Đài TTTH Vân Đồn và đổ 1 ăng ten của 1 trạm phát sóng Viettel tại huyện Vân Đồn.Theo tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh thì do mưa to, gió lớn đã gây ra sự cố làm mất điện hầu hết các địa phương trong tỉnh từ Đông Triều đến Móng Cái.

Gió lớn gây tắc đường cục bộ trên cầu Bãi Cháy. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Mô tô, xe máy đổ ngã giữa cầu. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Xe chuyển tải mô tô, xe máy. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Từ 14h40 hôm nay 17/7, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã chính thức cấm người đi bộ, xe thô sơ và xe mô tô qua cầu Bãi Cháy, còn xe ô tô vẫn qua lại cầu bình thường. Để đảm bảo yêu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT cũng đã bố trí phương tiện để chuyên chở người qua cầu được an toàn. Đến 15h15, phía đầu cầu bên Hòn Gai sang Bãi Cháy cũng đã chính thức cấm người đi bộ, xe thô sơ và xe mô tô qua cầu.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB Tiên Yên, đến 11 giờ ngày 17/7, bắt đầu có mưa trên diện rộng, lượng mưa khoảng 100mm, gió giật cấp 4. Đến nay 376 tàu thuyền đăng ký hoạt động trên địa bàn huyện đã về nơi tránh, trú bão an toàn.

Trước đó, 2 tuyến đê trọng yếu là Hà Phong, xã Hải Lạng và đê Cống To, Tiên Lãng đã cơ bản  thi công song phần thân đê, phần kè chắn sóng phía biển đang thi công dở, một số điểm chưa làm song đã được giải bạt và kè đá. Theo ông Vũ Hồng Thắng, Phó Chủ tịch huyện Tiên Yên “Hoàn toàn yên tâm về phần đê chắn song, chắn bão của huyện”.

Hiện khu vực phố Long Thành, thị trấn Tiên Yên có nguy có sạt lở cao, Lãnh đạo UBND huyện, Ban chỉ huy PCLB huyện đã huy động lực lượng quân đội, đoàn thanh niên tổ chức di dời 6 hộ gia đình đang sống tại khu vực trên đến nới tránh, trú an toàn.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB TP Hạ Long, đến 11h bắt đầu có mưa, lượng mưa gần 200mm, gió giật trên cấp 5. Điện và thông tin liên lạc vẫn ổn đinh đảm bảo thông suốt.

Đến nay, 625 nhà bè, 1147 tàu cá đăng ký hoạt động trên địa bàn đã về nơi tránh, trú bão an toàn. Ba khu dân cư làng chài Cửa Vạn, Ba Hang và Cạp Rè với 400 hộ dân và 1600 nhân khẩu sẽ được di dân vào các hang động gần đó như hang Sửng Sốt… Những điểm có nguy cơ sạt lở như khu vực chân dốc nhà thờ, dự án biệt thự đồi chè cũng đã được che phủ bạt tránh nước thẩm thấu gây sạt lở.

Bão bắt đầu “hỏi thăm” đất liền

16h chiều nay, tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định gió rít liên hồi, sóng biển đánh mạnh vào bờ đê, kè tạo thành cột sóng cao gần 10 mét, quật đổ nhiều cây xanh. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng đang mưa rất to, tới 180 mm.

Tại Đồ Sơn (Hải Phòng), theo ghi nhận của VnExpress.net, từ 14h gió bão bắt đầu thổi mạnh. Thỉnh thoảng những con gió rít lên từng hồi, làm nghiêng ngã dãy phi lao chắn sóng ven bờ và giật tung một số biển quảng cáo của những ngôi nhà nghỉ. Sóng biển dâng cao cuồn cuộn vồ đập vào bờ kè.

Bãi biển dài vắng hoe, chỉ có một số ít du khách tò mò ra ngắm bão. Một số nhà hàng ven biển thấy gió giật mạnh vội vàng gia cố lại cửa bằng những tấm gỗ phòng chống. Mưa bắt đầu từ sáng, nhưng không to.

Tại Đồ Sơn, sóng đánh mạnh vào bờ kè. Ảnh: VNE.

Tại bãi biển Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định), chiều nay gió gầm rít mạnh, biển đỏ ngầu, sóng đánh mạnh vào bờ cao 2 m. Bãi biển Hải Thịnh vốn rất đông khách, nhưng vì bão nên vắng hoe. Dù vậy hầu hết các quán hàng vẫn hoạt động. "Người dân nơi đây đã quen với mưa bão nên không thấy quá lo lắng. Chúng tôi vẫn xem tivi liên tục để cập nhật tình hình", chủ nhà hàng Tuấn Kiệt giải thích.

Khoảng 14h chiều, giữa lúc cơn bão Conson đang thẳng hướng vào bờ, một nhóm học sinh ở Hải Hậu vẫn tắm biển, đá bóng trên bãi cát. “Bọn em biết tin bão sẽ vào chiều nay. Nhưng tắm biển lúc sóng to thế này mới thú vị”, một em gái nói và cho biết đã đội mưa đi 17 km từ xã Hải Phú đến đây.

Tại huyện Hậu Lộc, nơi được coi là “đầu sóng ngọn gió” của Thanh Hóa, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các mùa mưa bão, khoảng 16h chiều nay, gió bắt đầu mạnh lên cấp 5-6 và bắt đầu có mưa.

Tại Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn đã được kêu gọi về tránh bão an toàn. Ảnh: Báo Thanh Hoá.

Sáng nay, UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra và có phương án bảo đảm giao thông trên các tuyến đường trọng điểm xung yếu, đặc biệt là tuyến đường đi Mường Lát; chuẩn bị sẵn sàng 5 xe tải, tải trọng 5 đến 7 tấn/xe; 30 xe khách, mỗi xe chở được 40 người để thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị 500 quân, Công an tỉnh 500 quân, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 200 quân để sẵn sàng huy động khi có lệnh

PV (tổng hợp)
.
.
.