Bão số 2 suy yếu, xuất hiện một cơn bão mới

Thứ Ba, 07/08/2007, 08:11

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn TW , một cơn bão mới tên gọi Pabuk đã xuất hiện ngoài khơi Thái Bình Dương từ 13h ngày 5/8, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25km. Sự xuất hiện của cơn bão này là nguyên nhân làm bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Chiều 6/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Tâm của áp thấp cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Bình hơn 200km về phía Đông. Tuy nhiên, sức gió mạnh nhất ở tâm ATNĐ vẫn trên cấp 7.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TW, cần đề phòng bão Pabuk di chuyển gần đến ATNĐ và tạo lại thành cơn bão lớn (hiện bão Pabuk cách ATNĐ 2.500km).

Trung tâm Dự báo KTTV TW cho biết, trong vòng 48h tới, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa đến Tây Nguyên và Đông Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) gây mưa to, các địa phương này cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Cây đổ trên đường Hoàng Minh Giám do lốc xoáy chiều 4/8.

Đã có 9 người chết và 15 người mất tích vì bão số 2

Chiều 6/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Đắk Lắk cho biết, mưa lũ ở địa phương đã làm 4 người chết, 15 người mất tích, 1 người bị thương, 101 nhà sập, trôi; 4.614 hộ phải di dời, 27.828 ha cây trồng bị ngập; 7 đập thủy lợi, 26 đập bối, 16 công trình thủy lợi bị vỡ; 7 cầu kiên cố bị sập, nhiều tuyến giao thông bị ngập, hư hỏng…

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ có người thiệt mạng 2 triệu đồng, mỗi người bị thương 500 nghìn đồng.

Tỉnh Lâm Đồng cũng có 4 người chết.

Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Đắk Nông, mưa lũ ở địa phương đã làm một người dân thiệt mạng, 600 hộ dân phải di dời do ngập nước; 5.430ha cây trồng bị úng, hư hại, thiệt hại ước tính khoảng 150 tỷ đồng.

Sáng 6/8, Bộ NN&PTNT đã cử một đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật dẫn đầu trực tiếp vào Tây Nguyên kiểm tra hệ thống hồ, đập và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục tại đây.

Tại Lào Cai đã có mưa lớn gây lũ quét tại huyện Bát Xát và huyện Bảo Yên làm sập và hư  hỏng 7 nhà dân, trôi 3 cầu tạm và sạt lở nhiều km đường giao thông.

Trong ngày 5/8, tại khu vực tỉnh Nghệ An, các lực lượng ứng trực đã huy động tàu cứu hộ được 37 thuyền viên và 4 tàu đánh cá vào bờ an toàn, chỉ có một chiếc tàu bị chìm.

Tây Nguyên: Lũ tiếp tục lên nhanh

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tổng lượng mưa trên địa bàn Đắk Lắk rất lớn, một số vùng đạt trên 400mm như Cư M'gar 571mm; Krông Búk 619mm, đến trưa 6/8, tuy lượng mưa có giảm song mực nước tại các hồ, đập, sông, suối vẫn tiếp tục lên nhanh.

Mực nước trên sông Sêrêpốk tại Buôn Đôn đã vượt mức báo động 3, tại hồ Ea Súp Thượng, các cửa xả lũ đã vận hành hết công suất và cắt đập để xả lũ. Nước xả lũ của hồ Ea Súp tràn xuống hạ lưu khiến tình hình ngập úng thêm nghiêm trọng.

Huyện Ea Súp hiện đang bị nước lũ cô lập. Một gia đình bị mắc kẹt ngoài ốc đảo tại huyện Buôn Đôn vào cuối ngày hôm qua đã được lực lượng Công an địa phương dùng xuồng tiếp cận và đưa đến nơi an toàn.

Hiện lực lượng Công an, bộ đội, thanh niên xung kích đang dồn sức ứng cứu cho Ea Súp trước nguy cơ đập có thể vỡ bất cứ lúc nào.

UBND huyện Ea Súp đã thông báo ra lệnh sơ tán dân khỏi khu vực hạ lưu, huy động toàn bộ xe các loại phục vụ cứu hộ, tập trung cứu đói bằng mì tôm và nước uống; khắc phục cầu sắt để thông xe. Hiện đã tạnh mưa nhưng có 14 người dân ở xã Cư Kbang đi làm rẫy chưa thấy về.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo PCLB các địa phương, tính đến chiều 6/8, số người chết và mất tích do mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên đã lên đến 20 người, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là Đắk Lắk.

Lũ quét làm trôi chợ CưKpô, gây hư hỏng đường giao thông vào Công ty cafe CưKpô, huyện Krông Năng lũ quét cuốn trôi 9 người (trưa 5/8 đã cứu sống 3 người, còn 6 người chưa tìm thấy).

Huyện Cư M'gar chết 1 người (xã EaKiết) và mất  tích 1 người (xã EaĐăng); 15 nhà dân bị trôi, 50 nhà bị ngập đã được di dời an toàn...

Thiệt hại kinh tế hiện vẫn chưa thể thống kê hết nhưng chắc chắn ít nhất là 10.000ha hoa màu vụ hè thu đã bị mất trắng trong lũ. Nhiều đập, hồ lớn nhỏ đã bị vỡ, các tuyến đường giao thông quan trọng của tỉnh Đắk Lắk đã bị mưa lũ làm xói lở nghiêm trọng. 

Tại Km 39, Km 42, QL26 từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa đã thông xe vào chiều 5/8. Trưa 5/8, tại đoạn đường này, nước lũ đã tràn đường, cuốn trôi 4 người đi trên xe máy và một chiếc ôtô du lịch.

Hiện công tác tìm kiếm các nạn nhân bị lũ cuốn khi đi qua các đoạn đường này vẫn tiếp tục được triển khai. Bên cạnh việc bố trí lực lượng đối phó với mưa lũ, các địa phương đang tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác cứu đói cho dân nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống.

TP HCM: Lốc xoáy, cây đổ, sạt lở bờ sông

Theo Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt TP HCM, trong ngày, đêm 2/8, mưa lớn kèm theo gió lốc đã ảnh hưởng tới 3 quận, huyện của thành phố, gây thiệt hại không nhỏ đối với người dân.

Đến sáng hôm qua (6/8), vợ và các con anh Ngô Văn Trường (42 tuổi, ngụ 133/18B, đường Cây Sung, phường 14, quận 8) vẫn chưa hết bàng hoàng sau tai họa xảy ra sáng 2/8.

Cơn lốc xoáy diễn ra quá bất ngờ cuốn phăng mái tôn, lúc đó anh Trường vẫn còn nằm ngủ trên gác, những viên gạch bị gió bóc rơi trúng đầu anh Trường khiến anh bị chấn thương nặng. Anh Trường được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi. Chính quyền địa phương đã tạm ứng số tiền 10 triệu đồng chung tay cùng gia đình lo hậu sự cho anh.

Cơn lốc kèm theo mưa lớn sáng 2/8 đã làm tốc mái 8 căn nhà khác của người dân tại các phường 2, 3 của quận 8. Lốc xoáy kèm theo giông lớn cũng diễn ra trên địa bàn 4 xã của huyện Củ Chi lúc 17h ngày 2/8 làm 28 căn nhà bị sập, tốc mái, 3 người bị thương. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng đưa người bị thương đi bệnh viện, bảo vệ tài sản người dân và khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả.

Diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày qua, nhất là mưa và lốc xoáy làm đổ cây, gãy cành trên các tuyến phố gây nguy hiểm đối với người dân.

Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ tại phường 9, quận Phú Nhuận vừa thoát chết trong gang tấc do cây cổ thụ tróc gốc.

Vào lúc 14h ngày 4/8, trời tạnh mưa, chị Hằng tranh thủ mở sạp báo dưới gốc cây cổ thụ góc đường Hồng Hà - Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận), cơn lốc xoáy đến cuốn bay chiếc dù che báo, chị nhìn phía sau thấy thân cây cổ thụ đang đổ xuống trên đầu chị, chị hốt hoảng tránh sang một bên, ngay lập tức sạp báo và chiếc xe đẩy của chị bẹp rúm.

Chị Hằng nhìn ra ngoài đường, có mấy người đi đường đang lóp ngóp bò dậy, 2 xe hơi bị hư hại nặng.

Cùng lúc, 2 cây xanh trên đường Lê Văn Thọ, Trần Quốc Hoàn (Gò Vấp) cũng bị tróc gốc đổ xuống đường làm hư hại 2 xe hơi khác. Thống kê của Công ty Cây xanh, tối 3 và ngày 4/8, có 62 sự cố gãy cành, đổ cây do gió lốc, ảnh hưởng tới tính mạng người dân, trong đó làm hư hại 5 xe hơi, 37 xe gắn máy, một nhà dân.

Về tình hình sụt lở bờ sông, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt cho biết, sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Mưa lớn trong những ngày qua và mực nước thủy triều lớn, tuy nhiên khi thủy triều rút trong tuần tới sẽ làm hổng hàm ếch, gây sạt lở.

Hiện tượng sạt lở tiếp tục xảy ra trên nhiều tuyến sông. Bờ kè bảo vệ sông Đồn Điền (huyện Nhà Bè) tiếp tục sạt lở 100 mét, chìm xuống sông sâu từ 3 đến 5 mét so với hiện trạng đầu, làm ảnh hưởng trực tiếp nhà của 3 hộ dân nơi đây.

Tại điểm nóng kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), vẫn tiếp tục sạt lở, sáng 6-8, vẫn còn một số người dân ở đây không chịu di dời, mặc cho chính quyền địa phương khuyến cáo nguy hiểm do sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng: Di dân tránh vùng sạt lở đất

Nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân sống quanh vùng có nguy cơ sạt lở đất cao tại 2 thôn Nam Mỹ và Nam Yên thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, trước và trong  mùa mưa bão năm nay, UBND TP Đà Nẵng vừa thông qua phương án di dân tránh vùng thiên tai sạt lở đất, lũ quét tại khu vực này về nơi tái định cư mới tại tiểu khu 23, thôn Nam Mỹ, xã Hoà Bắc.

Kinh phí để thực hiện di dời là 650 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và vốn ngân sách của thành phố...

Hiện thành phố đang đốc thúc các ngành hữu quan tổ chức di dời khẩn cấp tổng cộng 25 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao này trước mùa mưa bão năm 2007

Ngọc Yến - Tuấn Thiện - Bá Dũng - H.T.
.
.
.