Bão số 2 cướp đi sinh mạng 23 người dân, thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Thứ Ba, 22/07/2014, 08:53
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, để đối phó với mưa lũ, các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát, di dời dân cư tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối với hơn 5.500 hộ dân.
>> Lở đất ở Hà Giang làm 7 người chết

Trong đó, chỉ tính riêng Lạng Sơn đã di dời tới 5.100 hộ dân. Số hộ dân còn lại thuộc về các tỉnh  Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ. Con số thương vong do bão số 2 vẫn chưa dừng lại, tính đến chiều 21/7, đã có 23 người chết và 1 người mất tích (Sơn La).

Cụ thể, Lạng Sơn có 5 người, Lai Châu 1 người, Cao Bằng 1 người, Bắc Kạn 1 người và 3 người chết do sét đánh ở Lào Cai. Riêng Hà Giang, theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Hoàng Su Phì, mưa to đã gây sạt lở đất vùi lấp khiến 7 người chết, trong đó có 1 bé sơ sinh 10 ngày tuổi. Ông Sèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, khoảng 3h ngày 21/7, tại đội 3, thôn Thiêng Rày thuộc xã Nàng Đôn có 3 hộ gia đình bị sạt lở taluy dương làm sập nhà, trong đó có 2 nhà bị lấp 5 người (4 người lớn và 1 trẻ em) cùng toàn bộ tài sản trong nhà. Mưa lũ cũng làm sạt lở đất, vùi lấp 2 người tại lán công trường làm đường từ xã Hồ Thầu đi Nàng Đôn. Đến cuối giờ chiều 21/7, toàn bộ 7 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở đất đã được tìm thấy. Không chỉ thiệt hại về người, mưa lũ còn làm sạt lở đất của nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Thèn Chu Phìn, Nậm Ty, Pố Lồ, Đản Ván, Hồ Thầu...

Ông Hoàng Hải Lý, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. Huyện đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện xuống phối hợp với các xã, cùng với các lực lượng tại chỗ khẩn trương hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho nhân dân.

Đối với các hộ gia đình có người chết, bị thương, bị sập nhà, hộ phải di chuyển đến nơi ở mới, huyện Hoàng Su Phì đang xem xét hỗ trợ khẩn cấp theo định mức quy định; huy động đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương giúp đỡ ngày công, vật chất để giúp các hộ nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Lai Châu, mưa lũ đã làm các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã bị sạt lở, ách tắc. Ước tính, thiệt hại lên tới 20 tỷ đồng.

Các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có tới hơn 3.200ha lúa, hoa màu bị ngập đổ. Nhiều tuyến giao thông tại các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La bị chia chắt do ngập úng và sạt lở đất. Về hệ thống lưới điện, tới thời điểm này, các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh đã khắc phục xong sự cố mất điện. Một số nơi của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang… vẫn còn bị mất điện.

Trong khi đó, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 trên lưu vực vùng thượng lưu sông Đà vẫn đang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, mực nước trên sông Đà, Thao, Lô, sông Thái Bình đang lên. Lúc 9 giờ sáng nay, trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 3,72m (dưới báo động 1: 0,58m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 4,82m (trên báo động 1 là 0,52m); trên sông Thao tại Yên Bái là 30,66m (dưới báo động 2 là 0,34m). Lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam đã đạt đỉnh là  6,13m (dưới báo động 3: 0,17m) lúc 3 giờ sáng nay và đang xuống chậm, lúc 9 giờ ở mức 6,03m. Lưu lượng nước trên sông Đà về hồ Sơn La lúc  2 giờ sáng nay đạt 13.400 m3/s và đang giảm, lúc 9 giờ là 9.000 m3/s. Lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương cũng có khả năng đạt đỉnh ở mức 4,9m (trên báo động 1 là 0,6m) vào 10 giờ sáng nay, sau xuống chậm; trên sông Cầu tại Đáp Cầu tối nay có khả năng lên mức 4,0m ( dưới báo động 1 là 0,3m).

Do mưa lớn ở thượng lưu và tăng cường lượng nước xả từ các hồ chứa phía Trung Quốc, lưu lượng đến hồ Sơn La có khả năng tăng trở lại, đến trưa chiều hôm nay có khả năng lên mức 12.000m3/s, sau biến đổi chậm.  Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất có khả năng xảy ra ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc tập trung ở Lai Châu, gồm các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường; Lào Cai gồm các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa.

Lào Cai: Lũ lên cao, thuỷ điện Bắc Hà buộc phải xả lũ

Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Lào Cai cho biết, sáng 21/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có mưa to trên diện rộng. Đến 9h sáng, các sông, suối chảy qua địa phận Lào Cai bắt đầu xuất hiện lũ lớn, biên độ lũ phổ biến từ 1,5- 2,5m; tại sông Chảy, sông Nậm Thi, lũ lên cao trên 2,5m. Trên sông Hồng, nước từ thượng nguồn phía Trung Quốc đổ về gây lũ cao tới 80,05m (trên báo động 1 là 5cm), cao hơn đỉnh lũ ngày 14/7 là 1,45m, biên độ lũ đạt mức 2,94m. Vào lúc 16h, lượng mưa đo được tại trạm thuỷ văn Long Phúc (Bảo Yên) đã lên tới 75,41m. Tại TP Lào Cai, mực nước sông Hồng đo được cũng ở mức 80,25m. Do lưu lượng nước về hồ dâng cao (1.600m3/s), đến 6h30 ngày 21/7, mực nước cao trình của thuỷ điện Bắc Hà ở mức 180,3m. Để đảm bảo an toàn công trình, nhà máy quyết định xả lũ từ 7h ngày 21/7 với lưu lượng xả lũ qua đập tràn là 1.700m3/s. Việc xả lũ đã khiến cho phía hạ lưu càng thêm ngập lụt.

K. Vy

Ngọc Yến
.
.
.