“Bảo mẫu” ở chùa Trăm Gian

Thứ Bảy, 23/02/2008, 19:36
Đã hơn 6 năm nay, khách thập phương về lễ chùa Trăm Gian cũng như người trong huyện Chương Mỹ, Hà Tây, ai cũng biết đến câu chuyện sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian nhận nuôi hơn chục đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng đứa nào thầy cũng yêu và lo cho như con, như cháu.

Đầu năm đi chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây), chúng tôi bắt gặp một khung cảnh rất lạ. Trong sân chùa cổ kính, những đứa trẻ bụ bẫm đang chạy nhảy, nô đùa. Còn sư thầy Thích Đàm Khoa thì ẵm đứa nhỏ nhất mới được gần 5 tháng tuổi đang ngủ ngoan, như một “bảo mẫu” thực thụ..

Từ một sinh linh bé nhỏ tại cổng chùa

Một buổi sáng mùa hè năm 2001, đang quét sân chùa, bỗng thầy Khoa nghe thấy tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Lần theo tiếng khóc, thầy Khoa tìm thấy một bọc nhỏ đặt tại cổng chùa, mở ra mới biết đó là một đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, người tím tái.

Không cầm được lòng, thầy bế sinh linh bé nhỏ ấy về, ủ ấm cho nó, rồi tất bật vào xã hỏi xem có ai đang cho con bú để nhờ sữa. Không có ai, thầy Khoa đành phải mua sữa về, mớm từng thìa sữa nhỏ cho đứa bé.

Bé đầu tiên được thầy đặt tên là Nguyễn Thị Thu Hà. Thay tã, bón từng thìa sữa, thức đêm thức hôm cùng giấc ngủ của con trẻ, đó lại trở thành niềm hạnh phúc của những người có tấm lòng nhân ái như thầy Khoa. Nhưng, do nuôi cháu bằng sữa ngoài, lại chưa có kinh nghiệm nên cháu Hà ốm yếu liên tục.

Có một lần, khi cháu đã được 5 tháng, cháu không chịu ăn uống gì và quấy khóc. Thầy Khoa không biết lý do vì sao. "Tôi nghĩ cháu chỉ quấy khóc bình thường”, thầy nói - “Nhưng rồi, càng dần càng thấy cháu nóng, sốt cao. Lúc đó cũng phải 9h tối, tôi một mình bế cháu lên bệnh xá và được các bác sỹ cho biết cháu bị sốt virus. Ngay đêm đó, cháu được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Thật may là còn kịp chứ để ngày hôm sau thì không biết thế nào…". Bây giờ bé Hà đã khôn lớn, chuẩn bị học lớp một.

Bé út của "đại gia đình" chùa Trăm Gian là bé Nguyễn Trung Thành mới được chưa đầy 5 tháng tuổi. Khi tôi đến, bé đang cuộn tròn, ngủ ngon lành trên đôi tay của thầy Khoa.

Đợt giáp Tết, trời lạnh, cháu Thành bị viêm phế quản, ho liên tục. Đúng mùng 2 Tết, thầy lại một mình đưa cháu đi Bệnh viện Nhi Trung ương khám và lấy thuốc. "Gắn bó với những đứa trẻ, cái ăn cái ngủ của nó là niềm vui của mình. Nó ốm, mình cũng không thể ngồi yên được".

Dưới sân chùa, bốn, năm đứa trẻ đang ríu rít như bầy chim non, chơi đùa quanh những gốc cau. Từ năm 2001 đến nay, thầy Khoa đã nhận nuôi hơn chục đứa trẻ mồ côi. Đứa thì người ta bỏ ngay cổng chùa, đứa thì thầy xin tại trạm xá, có đứa thầy nhặt được ngay lề đường… Mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng đứa nào thầy cũng yêu và lo cho như con, như cháu.

Đến tổ ấm chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian sẽ trở thành tổ ấm cho những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, đó chính là suy nghĩ của sư thầy Thích Đàm Khoa. "Nhận các cháu bé về chùa nuôi dưỡng, tôi dạy chúng coi nhau như anh em trong gia đình, tạo thành một tổ ấm chứ không muốn xa các cháu".

Chính vì vậy, những người có ý định nhận con nuôi, thầy Khoa đều tìm hiểu kỹ rồi mới quyết định. Bởi đã có cháu bé được nhận về nuôi nhưng rồi người ta bỏ mặc cháu, thầy Khoa lại đón cháu về.

Những đứa đầu tiên, thầy Khoa phải gửi vào các gia đình trong xã làm con nuôi để làm giấy khai sinh. Sau này, biết được mục đích tốt đẹp của thầy Khoa, chính quyền xã đã tạo điều kiện, thầy căn cứ vào ngày rụng rốn mà định ngày sinh cho chúng. Có những đứa vừa lọt lòng mẹ chưa đầy 4 tiếng, chưa cả được tắm nước ối nhưng qua bàn tay chăm sóc cẩn thận của thầy Khoa đã lớn lên từng ngày.

Hiện nay, thầy cùng với chị Nguyễn Thị Phượng và chị Nguyễn Thị Hạnh cùng chăm sóc 8 cháu. Những ngày đầu nhận nuôi các cháu, đứa ốm, đứa sốt, quấy khóc. Nhiều đứa, do yếu quá, thầy phải gửi nhờ các cháu tại Hà Nội gần các bệnh viện chăm sóc cho khỏe mạnh, cứng cáp rồi thầy lại đón về.

Sau này, khi kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ đã tích luỹ được nhiều, thầy Khoa mua sẵn một tủ thuốc phòng khi lũ trẻ hắt hơi, sổ mũi. Nhưng cũng không phải là không có câu chuyện đáng tiếc xảy ra. Đó là chuyện về bé Nguyễn Như Ý.

Bé Như Ý được thầy nhặt được ngay lề đường, cân nặng chưa đến 2kg vẫn còn đỏ hỏn. Thầy mang bé Như Ý về chùa nuôi dưỡng, bé lớn lên từng ngày. Nhưng rồi, khi Như Ý được 6 tháng tuổi, bệnh sốt xuất huyết đã cướp đi tính mạng của bé… Câu chuyện đau buồn mà đến giờ, khi nhắc lại, thầy Khoa vẫn không cầm được nước mắt.

Khi được hỏi chuyện nhận nuôi trẻ mồ côi, sư thầy Thích Đàm Khoa chỉ nở một nụ cười thân thiện: "Làm việc thiện giúp đời, có gì mà kể đâu cô...".

Nuôi dạy các cháu khôn lớn, nên người, tránh khỏi lối đi của bố mẹ chúng là điều thầy Khoa luôn mong mỏi. Chính vì vậy, ngay từ khi các cháu tập nói, đi mẫu giáo, thầy Khoa đều dạy điều hay, lẽ phải. Khi ăn cơm, các cháu đồng thanh: "Bạch thầy, con ăn cơm ạ". Khi đi mẫu giáo, các cháu lại cất tiếng chào to: "Bạch thầy, con đi học ạ".

Hiện nay, tuy điều kiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng thầy Khoa vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện cho các cháu ăn ngủ, học hành đầy đủ. Đến tuổi, thầy Khoa và cô Hạnh, cô Phượng thay nhau đưa các cháu đi mẫu giáo.

Cùng chúng tôi đi lễ chùa, nhiều khách thập phương biết sư thầy Thích Đàm Khoa đang nhận nuôi các cháu mồ côi, đã đóng góp, ủng hộ giúp đỡ các cháu

Nguyễn Hương
.
.
.