Bảo lưu học ĐH để… luyện games

Thứ Bảy, 03/05/2008, 15:07
Nhập học Đại học Bách Khoa năm 2003, lẽ ra năm học này là năm cuối của Q. Nhưng năm nay, Q. mới học năm thứ nhất. Nhập trường 5 năm, 3 năm liền Q. đều xin bảo lưu để luyện games.
>> Ký sự về những SV trượt dốc

Sinh viên lưu ban không phải hiếm. Nhưng sau 5 năm vẫn là sinh viên năm thứ nhất như N.N.Q. thì tôi "bái phục". Vì đâu nên nỗi?

Bảo lưu để chơi games

Tôi biết Tuấn “gà" từ khi cậu đang học phổ thông. Khi nghe tin Tuấn “gà" đậu Đại học Bách khoa ngay lần thi đầu tiên, tôi thầm khen cái thằng béo tròn, béo trục vậy mà học giỏi.

Mới đây, tôi giật mình khi cậu em họ cho biết Tuấn vẫn chưa ra trường. Hỏi ra mới biết, Tuấn tốt nghiệp chậm do mất 2 năm luyện games. Một cậu học trò quê xứ Thanh chăm ngoan là thế mà đổ đốn vậy sao?

Tôi vừa nghĩ, vừa cố tưởng tượng xem Tuấn "hư" như thế nào. Gọi điện, Tuấn nhận ra tôi ngay và bảo: "Em giải nghệ rồi, bây giờ đang làm đồ án tốt nghiệp. Nếu muốn, em giới thiệu cho chị gặp một bạn cùng phòng. "Thành tích" của nó hơn em rất nhiều". Nghe "hấp dẫn" quá.

15h ngày 29/4, tôi phi xe đến thẳng ký túc xá (KTX) Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Đợi tôi ở cổng, Tuấn không khác lắm so với hồi học cấp III. Vẫn cái dáng to, béo, trắng trẻo và cách nói chuyện từ tốn. Tôi theo Tuấn lên một phòng ở tầng 3, nhà B8.

"Q. xuống đi, chị tao hỏi tý?", Tuấn lên tiếng gọi bạn khi chúng tôi vừa bước vào phòng. Thấy tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy từng nhóm 2-3 sinh viên chụm đầu vào máy tính xem phim, Tuấn cho biết phòng mình đã nối mạng.

"Có ai đó thầu cung cấp Internet đến các phòng ở trong KTX. Mỗi tháng phòng em trả cước phí 155.000đ dùng cho 7 cổng", Tuấn giới thiệu. Internet về đến tận phòng ở trong KTX là nhất rồi, tôi thầm nghĩ.

"Nối mạng rồi bọn em chơi games thoải mái nhỉ?", tôi hỏi. Mạng yếu lắm, chỉ chơi được Đế chế, Half Life thôi. Còn các trò như PlayStaion II, III không thể chơi được vì phải đầu tư máy xịn, tốc độ nhanh, Tuấn cho biết.

Sau một lúc lục đục trên đầu chúng tôi (Q. ở giường tầng 2), Q. xuống dưới ngồi cùng. "Em có gì mà kể hả chị. Bây giờ em "làm lại" rồi", Q. nói.

Nhập học năm 2003, lẽ ra năm học này là năm cuối. Đằng này, năm nay Q. mới học năm thứ nhất. Theo tính toán của Q., nếu "xuôi chèo mát mái', năm 2012 cậu sẽ ra trường. Người ta chỉ có 5 năm học đại học, riêng Q. 10 năm, âu cũng là "thành tích" nổi bật.

Quê ở tỉnh Bắc Ninh, năm 2003, Q. đỗ Đại học Bách khoa với 23 điểm. Con đường đến với games online của Q. khá "bằng phẳng". Nghĩa là càng chơi càng có đẳng cấp. Khi đã chuyên nghiệp rồi Q. còn "lấy nó nuôi nó" nữa chứ. Hồi học cấp III ở huyện, Q. mới chỉ biết chơi điện tử "bấm nút". Thế mà nhập trường chưa đầy một tháng, Q. đã là khách quen của các hàng điện tử trong khu tam giác (khu này hiện đã bị giải tỏa) ngay gần KTX.

Q. giải thích: "Nếu hồi học cấp III em ham chơi chắc chắn không thể đỗ đại học. Lên đây, cả phòng đều chơi, em không tham gia sẽ lạc lõng". Chỉ vì không muốn lạc lõng mà ngay kỳ học đầu tiên, Q. đã thi lại 3 môn.

Kỳ học thứ hai của năm thứ nhất, Q. không đến lớp mà cũng chẳng đóng học phí. Làm gì còn thời gian, sức lực mà đến lớp. Làm gì còn tiền mà đóng học phí, toàn bộ tiền bố mẹ cho đều đốt vào games mà lại.

Đến năm học thứ 2, Q. xin bảo lưu một năm. Một năm tạm dừng việc học để chơi cho thoả thích. Hồi đó, Đế chế, Half Life đang nóng. Có thời điểm, Q. ăn ngủ luôn tại quán điện tử cho tiện. Cứ tưởng chơi liền một năm sẽ chán, nào ngờ hết năm vẫn còn đắm đuối lắm. Thế là bảo lưu tiếp.

Nhập trường 5 năm, 3 năm liền Q. đều xin bảo lưu để luyện games. Công việc quan trọng khiến cậu lưu tâm liên quan đến việc học là đầu năm lên phòng công tác sinh viên xin bảo lưu. Thời gian còn lại, cậu ngồi lỳ ở quán games. Năm 2006, khu tam giác bị giải tỏa, Q. lại dạt vào ngõ 67, đường Lê Thanh Nghị chơi.

"Bố mẹ vẫn chu cấp đều cho em chứ?", tôi hỏi. "Vâng. Bố mẹ không hề biết em nghỉ học. Với lại từ khi có "Võ lâm truyền kỳ", em chuyên "cày" đồ để bán", Q. cho biết.

Q. còn khoe với tôi, món đồ đắt tiền nhất Q. bán được là chiếc dây chuyền giá 800.000đ. "Trao đổi ở trên mạng nhưng tiền họ tìm đến tận nơi đưa", Q. tự hào khoe. Với cách "buôn bán" đồ ảo nhưng tiền thật, Q. luôn có một khoản kha khá kinh phí chơi games.

"Em tỉnh ra khi nào?", tôi chợt cắt ngang dòng tưởng nhớ thời "huy hoàng" của Q. "Mới đầu năm học này thôi ạ. Bố mẹ em biết, bắt em phải đi học lại. Hơn nữa, thấy bạn bè đứa ra trường, đứa đang học năm cuối mà mình vẫn chưa đâu vào đâu nên…", Q. bỏ lửng câu nói.

Hiện nay, Q. đang là sinh viên năm thứ nhất song không có sự hồn nhiên như các bạn cùng lớp. Q. bảo "em quá thấm rồi". Vẫn chơi games nhưng chỉ "để giải trí thôi", Q. bộc bạch.

Lời khuyên từ cựu games thủ

Cũng giống Q., Tuấn dính games ngay từ năm học đầu tiên. Hồi đó, Tuấn trọ trong ngõ Tự Do cùng mấy anh khoá trước. Tuy là lính mới tò te nhưng được các đàn anh "dạy bảo" nên chẳng mấy chốc Tuấn cũng "thành tài".

Hồi học phổ thông ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, Tuấn chỉ mới cùng bạn đi nhặt sắt vụn kiếm tiền lên thành phố Thanh Hoá chơi điện tử bấm nút. Tuấn không ngờ mình lại có năng khiếu với games như vậy.

Từ Đế chế, Half Life, CGA, Hamachi… cậu sành hết. Kỷ lục của Tuấn là chơi một mạch 40h trong một quán games ở ngõ 87, đường Lê Thanh Nghị. Sự nghiệp chơi games của Tuấn bị gián đoạn do có đứa bạn cùng quê về mách mẹ.

Hiện nay, Tuấn sắp tốt nghiệp khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa.

Nếu không bị gia đình phát hiện sớm, không biết em còn đắm chìm trong những trận chiến của thế giới ảo đến bao giờ, Tuấn tâm sự.

Làm thế nào để gia đình biết và có biện pháp ngăn chặn nhanh chóng trong khi con em mình học tập xa nhà? Giải pháp Tuấn đưa ra là phụ huynh nên thường xuyên liên lạc với lớp trưởng. Lớp trưởng là người điểm danh nên biết ai đi sớm, về muộn, hay vắng mặt.

Với những gia đình có điều kiện, có thể mua thẻ trả tiền trước tặng lớp trưởng để khi có vấn đề gì cậu này gọi điện báo ngay. Liên hệ với thầy chủ nhiệm cũng là cách rất tốt để biết tình hình học tập của con mình.

Tuấn còn nói rất ví von khi Trường Đại học Bách khoa giải tỏa khu "tam giác", đó là cách giúp cánh sinh viên ham chơi games chăm học hơn, nhà trường cũng đỡ đau đầu. Đây là khu đất của trường nên nhà trường có thể giải tỏa và triệt tiêu các điểm chơi games, còn các tụ điểm khác như ngõ 67, ngõ 121, ngõ 87… đường Lê Thanh Nghị thì sao? Kinh doanh loại hình này được pháp luật cho phép, không có lý do nào cơ quan chức năng ngăn cấm.

Trò chuyện với một bà chủ quán games trong ngõ 87, tôi được biết bà nguyên là cán bộ Trường Đại học Xây dựng. Về hưu, lại gặp đúng lúc trào lưu chơi games đang nổi, bà đầu tư 100 triệu đồng cho dàn máy tính mới kính coong. Tầng 2 nhà bà có lúc phải dành một phòng riêng cho khách nghỉ. "Bây giờ khác rồi, khách ít lắm, chỉ toàn khách quen thôi", bà cho biết.

Sinh viên trượt dốc là do đâu? Do bản thân họ. Gia đình vừa là chỗ dựa, là cứu cánh nên các bậc phụ huynh hãy quan tâm với con mình hơn nữa, khi chúng phải đi học xa nhà

Cao Hồng
.
.
.