Bạo lực bóng đá trong mắt chuyên gia

Thứ Năm, 29/04/2010, 14:42
Họ là những chuyên gia bóng đá hoặc những người đã và sẽ tiếp tục phối hợp với VFF để ngăn chặn, phòng chống vấn đề tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam. Họ nói gì về tệ nạn này và căn nguyên của nó?
>>Bạo lực bóng đá không thể làm ngơ

 

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: Hãy học cách tôn trọng đối thủ

Mặc dù đã chính thức từ nhiệm vị trí Giám đốc kĩ thuật của CLB Hoàng Anh Gia Lai nhưng chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - một trong những chuyên gia lão làng nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn theo dõi sát sao những diễn biến tại V.League và Cúp QG.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh không giấu được sự bức xúc: "Thời gian vừa rồi, theo dõi một số trận đấu V.League, tôi cảm tưởng như nhiều cầu thủ vào trận với tư tưởng triệt hạ đối phương, thay vì cùng đá bóng với đối phương. Và tôi thấy ai cũng nói là phải tuyên chiến với nó, nhưng muốn tuyên chiến với nó thì phải tìm ra bằng được căn nguyên sản sinh ra nó".

Theo lý giải của ông Vinh thì bóng đá Việt Nam hiện thời tuy mang cái mác chuyên nghiệp nhưng suy nghĩ của cầu thủ, HLV, thậm chí là lãnh đạo một số đội bóng cũng chưa thật sự chuyên nghiệp.

Ông Vinh phân tích: "Ở châu Âu, ngay từ nhỏ, các cầu thủ đã được dạy phải biết tôn trọng đôi chân của đối phương. Vì tôn trọng đôi chân của đối phương cũng chính là một cách tôn trọng đôi chân của mình. Và chỉ có như vậy thì cái gọi là "Văn hóa bóng đá" mới thực sự được hình thành. Nhưng ở Việt Nam, cảm tưởng như cầu thủ không được dạy dỗ, chỉ bảo  kỹ càng về vấn đề này. Thậm chí trong một số trường hợp nhất định, nhiều HLV không ngại ngần thổi vào các học trò cái tư tưởng giành chiến thắng bằng mọi giá, trong đó không loại trừ việc đá rát, đá thô bạo".

Ông Nguyễn Văn Vinh kết luận: "Tóm lại, bóng đá Việt Nam chỉ hết bạo lực khi nào cầu thủ Việt Nam được dạy cách tôn trọng đôi chân của đối phương. Mà không phải tới khi đá V.League hay Cúp QG, ngay từ khi còn là một cầu thủ năng khiếu họ cũng cần thiết phải được giáo dục như vậy rồi".

Đại tá Hỗ Sỹ Tiến.            Ông Trần Văn Phúc.         Ông Nguyễn Văn Vinh.

Chuyên gia Trần Văn Phúc: Thành tích không phải là tất cả

Chia sẻ những suy nghĩ của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, nhưng chuyên gia Trần Văn Phúc - cựu cầu thủ, HLV của bóng đá Hải Phòng bộc lộ thêm một góc nhìn khác: "Thật ra V.League và Cúp QG của chúng ta ngày một diễn ra khốc liệt, và bản thân sự khốc liệt ấy là đáng mừng.

Vấn đề là trong cái quĩ đạo của sự khốc liệt, các cầu thủ nhiều lúc đã đánh mất mình, và từ đấy bạo lực sân cỏ ra đời. Vì vậy theo tôi, căn nguyên nằm ở chỗ cầu thủ của chúng ta chưa có được một thứ bản lĩnh bóng đá vững vàng để có thể giữ cân bằng tâm lý trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh".

Ông Phúc cho biết hiện nay có khoảng 5 đội bóng V.League “máu” chức vô địch V.League, và có khoảng 3-4 đội bóng V.League phải chạy đua chống xuống hạng. Thực trạng ấy khiến ở một số trận đấu nhất định, các cầu thủ chưa ra sân, chưa đá bóng mà cái đầu đã nóng… phừng phừng. Và chính từ những cái đầu nóng như vậy mà hàng loạt những pha đánh nguội theo kiểu "triệt hạ đối thủ" mới diễn ra. Đến khi nó diễn ra rồi thì tâm lý cay cú theo kiểu "anh đánh tôi thì tôi phải đánh lại anh" đã khiến một số trận đấu có nguy cơ đổ vỡ.

Ông Phúc đưa ra giải pháp khắc phục vấn đề: "Ở châu Âu, một đội bóng thi thoảng vẫn có một bác sĩ tâm lý. Và chính vị bác sĩ tâm lý đó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng tâm lý cho cầu thủ. Nếu các đội bóng Việt Nam cũng có một bác sĩ tâm lý như vậy thì có thể vấn nạn bạo lực đã không diễn ra. Tuy nhiên trong bối cảnh thuê một bác sĩ tâm lý cho một đội bóng là quá xa xỉ thì vai trò làm công tác tâm lý của ông HLV trưởng cần phải đặc biệt phát huy".

Cục phó Cục C14 - Đại tá Hồ Sỹ Tiến: VFF cần phải kiên quyết hơn

Như CAND đã đưa tin, mới đây VFF và C14 đã ký văn bản hợp tác trong vấn đề phòng chống tiêu cực và bạo lực bóng đá trên sân cỏ. Đại tá Hồ Sỹ Tiến - đại diện C14 cũng đã có những quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này: "Theo quan sát của chúng tôi, bạo lực sân cỏ ở Việt Nam đang phát triển một cách đáng báo động. Điều này bắt nguồn từ cả những lý do chủ quan lẫn khách quan, nhưng theo tôi, trước hết VFF - cơ quan điều hành nền bóng đá cần phải có những xử lý kiên quyết, đúng người, đúng tội với mọi hành vi bạo lực".

Đại tá Hồ Sỹ Tiến cho biết: "Trước hết, theo tôi VFF và BTC V.League cần phải liên tục nhắc nhở các cầu thủ, trọng tài trong việc giữ một cái đầu bình tĩnh trên sân cỏ. Sau đó, khi bạo lực xảy ra, và tái diễn thì VFF cần phải xử lý rõ ràng. Thậm chí cần phải căn cứ vào hậu quả của những phi vụ bạo lực để đi tới quyết định chỉ nên xử lý hành chính hay cần thiết phải phối hợp với lực lượng Công an để có những xử lý hình sự".

Đại tá Hồ Sỹ Tiến kết luận: "Nếu VFF làm được như vậy, tôi tin là vấn nạn bạo lực sân cỏ rồi sẽ giảm thiểu rất nhiều"

Diệp Xưa (ghi)
.
.
.