Bảo lãnh cho Việt kiều để xin cấp giấy miễn thị thực

Thứ Ba, 28/08/2007, 16:34
Theo đại diện Bộ Công an, với những Việt kiều đã mất hết các loại giấy tờ, xa quê hương lâu năm thì chỉ cần giấy bảo lãnh của hội đoàn người Việt Nam tại nơi cư trú hoặc bảo lãnh của công dân Việt Nam đảm bảo đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có thể xin cấp giấy miễn thị thực vào Việt Nam.

Ngày 1/9, Quy chế ban hành theo Quyết định 135/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt đầu có hiệu lực.

Với những thủ tục thông thoáng và đơn giản chưa từng có, chủ trương này đã mang tin vui đến cho hơn 3,2 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, khẳng định trước sau như một về chính sách đại đoàn kết dân tộc, luôn coi cộng đồng bà con là một bộ phận không thể tách rời của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Ngày 27/8, Bộ Công an mà đại diện là Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC), đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí nhằm thông tin chi tiết về đối tượng, hồ sơ thủ tục xin cấp giấy miễn thị thực…

Chỉ cần có giấy tờ bảo lãnh của 1 công dân Việt Nam hoặc giấy tờ do chế độ cũ cấp… vẫn được xem xét

Tại buổi gặp mặt báo chí, Đại tá Triệu Văn Thế, Cục trưởng Cục QLXNC cho biết, giấy miễn thị thực có giá trị 5 năm. Hồ sơ đề nghị cấp giấy miễn thị thực gồm: hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp; một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Điều quan trọng bà con phải chứng minh là người Việt Nam thông qua một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu Việt Nam (kể cả đã hết giá trị); sổ hộ khẩu; giấy chứng minh nhân dân; giấy khai sinh; thẻ cử tri mới nhất; giấy tờ khác chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả giấy tờ do chế độ cũ cấp như hộ chiếu, thẻ căn cước, bộ giấy khai sinh) hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, Cục QLXNC lưu ý, trong trường hợp không có một trong các loại giấy tờ nêu trên, nhất là với những người đã mất hết các loại giấy tờ, xa quê hương lâu năm thì bà con chỉ cần giấy bảo lãnh của hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc bảo lãnh của công dân Việt Nam đảm bảo đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam cũng được xem là giấy tờ tham khảo để xét cấp giấy miễn thị thực.

Đối với người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam phải có giấy kết hôn, giấy khai sinh. Có thể khẳng định, thủ tục cấp giấy miễn thị thực cho bà con đã đơn giản ở mức tối đa.

Đại tá Vũ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLXNC cho biết, bản chất của việc cấp giấy miễn thị thực là tạo điều kiện cho bà con thực hiện nhiều quyền lợi khác khi về Việt Nam; bà con chỉ phải nộp một khoản phí rất nhỏ (sẽ do Bộ Tài chính ban hành), đặc biệt với những người chưa có đủ giấy tờ chứng minh là công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thì họ đã được xác định thuộc diện hưởng chính sách này. Đây là một điểm ưu việt rất lớn.

Cấp giấy miễn thị thực và lấy mẫu tờ khai trên Internet

Người thuộc diện cấp giấy miễn thị thực có thể đề nghị được cấp giấy tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cục QLXNC Bộ Công an (40A Hàng Bài, Hà Nội; 5 Trần Quý Cáp, TP Đà Nẵng254 Nguyễn Trãi, TP HCM).

Thời hạn giải quyết cấp giấy miễn thị thực là 7 ngày làm việc. Người nhập cảnh theo quy chế phải thực hiện việc khai báo tạm trú với Công an phường, xã nếu tạm trú tại nhà riêng thân nhân hoặc thông qua chủ cơ sở chứa trọ để thực hiện trình báo tạm trú nếu tạm trú tại khách sạn.

Cục QLXNC cho biết, hiện Cục đã ban hành mẫu giấy miễn thị thực, mẫu tờ khai đề nghị cấp giấy miễn thị thực, kịp thời in, cung cấp cho Bộ Ngoại giao để kịp chuyển cho các cơ quan đại diện Việt Nam  ở nước ngoài.

Sau khi Quy chế có hiệu lực, bà con có thể lấy mẫu tờ khai trên mạng của Cục QLXNC theo địa chỉ www.vnimm.gov.vn.

Theo Đại tá Triệu Văn Thế, khi Quy chế có hiệu lực, bà con Việt kiều về nước ngày càng đông và Cục QLXNC sẽ phục vụ bà con thật tốt, đồng thời mong bà con đóng góp ý kiến để khắc phục thiếu sót nếu có.

Nếu có điều gì chưa rõ, bà con cần liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cục QLXNC để được trả lời chính thức

Thu Phương
.
.
.