Báo hiếu cuộc đời

Thứ Sáu, 21/05/2010, 09:15
Vừa chào đời đã bị mẹ chối từ, anh lớn lên trong sự cưu mang và tình thương của những "dì phước tại Trại cô nhi Thị Nghè". Khi trưởng thành, anh "trả hiếu" công ơn dưỡng dục ấy bằng việc lặng lẽ chăm sóc các cụ già lang thang bị khuyết tật. Anh tâm tình: "Phận làm con thì phải chăm dưỡng mẹ cha. Các cụ đã chịu quá nhiều mất mát, nỗi đau nên trong khả năng làm được gì để các cụ vui thì tôi gắng sức".

"Tôi sinh ra bị khuyết tật, toàn thân oặt oẹo nên bị bỏ rơi trước cổng Cô nhi viện Thị Nghè. Chăm bẵm đến khi tôi lên 3, các dì liên lạc với các bác sĩ đưa tôi lên Đà Lạt tiến hành phẫu thuật. Nhờ vậy mà từ đứa trẻ tật nguyền không thể đứng được tôi có thể đi lại, chạy nhảy dù hơi bị khập khiễng. Năm 15 tuổi tôi được gia đình một người hiếm muộn đón về sống với họ.

Ở được một thời gian thì tôi về làm ở Nhà nuôi số 3, tiền thân của Trung tâm Nuôi dưỡng người già Thạnh Lộc, thuộc quận 12 bây giờ. Sau đó tôi làm qua một số nhà nuôi khác và đến năm 1982, khi Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa thành lập được vài năm thì tôi chuyển về nơi đây, làm việc và sinh sống đến bây giờ".

Tại Khu tàn tật của Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa, anh Ba mở đầu câu chuyện chăm sóc 41 cụ già nay đau mai bệnh mà anh xem như đấng sinh thành của chính mình bằng nỗi đau của bản thân hơn 50 năm trước. Anh tâm tình do xuất thân từ trẻ cô nhi, từ nhỏ đến lớn gắn bó với các trung tâm, trường trại nên xem người lang thang ăn xin có hoàn cảnh cơ nhỡ là người thân, xem trung tâm bảo trợ xã hội là mái nhà.

"Dẫu không mang nặng đẻ đau nhưng các dì phước vẫn chăm bẵm nuôi tôi nên người nên khi ở tuổi trưởng thành, tôi nghĩ mình phải có bổn phận trả lại những ơn nghĩa ấy bằng việc gắn bó, chăm sóc các cụ già ở trung tâm người mù mắt, người mất tay, mất chân, người các ngón tay ngón chân đều rơi rụng do chứng bệnh phong quái ác".

Qua "sơ yếu lý lịch" mà các sơ lưu lại, anh Ba biết mình có cha vô danh, mẹ là Trần Thị Liên, ở làng Tường Lộc, tỉnh Vĩnh Long. Anh trải lòng: "Nhiều năm qua tôi cất công tìm mẹ nhưng mọi nỗ lực đến nay vô vọng. Có lúc tôi nghĩ mẹ cha mình vẫn còn sống lưu lạc đâu đó giữa dòng đời và biết đâu trong số các cụ được tôi chăm sóc có người là cha, là mẹ tôi không chừng. Nên tôi đến với các cụ ngoài trách nhiệm của một nhân viên trung tâm còn vì niềm tin, tình cảm của một người con mất cha lạc mẹ".

Chúng tôi hỏi thăm về các cụ già, anh Ba trĩu giọng: "Ở đây cụ nào cũng có hoàn cảnh đáng thương, cụ nào cũng từng sống lang bạt nơi đầu đường xó chợ. Nhiều cụ như cụ Hoàn, cụ Kha kể cho tôi nghe từng bị những kẻ bất lương chăn dắt, bóc lột, hành hạ, vắt sức, bắt ăn xin từ lúc mờ sáng đến tối mịt để mang tiền về cho chúng. Hôm nào các cụ được bố thí nhiều thì chúng cho ăn uống đầy bụng, bằng không chúng bỏ đói và nặng lời thóa mạ".

Hỏi chuyện buồn vui trong nghề làm con trăm họ, anh sẻ chia: "Vui lắm mà buồn cũng nhiều. Vui vì khi vào đây các cụ sức khỏe kém, tâm trạng luôn lo sợ, bất an nhưng sau một thời gian được chăm dưỡng thì sức khỏe, tinh thần của các cụ tiến triển tốt, các cụ bày tỏ nguyện vọng muốn được gắn bó suốt đời tại trung tâm".

Người già trái tính, chăm sóc cho cha già mẹ yếu nay đau mai bệnh đã khó huống chi phải lo cho hàng chục đấng sinh thành. Qua trò chuyện, các cụ già khu tàn tật cho biết, mỗi khi trái gió trở trời, có cụ đau xương nhức khớp kêu la, có cụ tỏ thái độ cau có, khó chịu và những lúc như thế, lại thấy anh Ba lặng lẽ đến vuốt ve, an ủi các cụ.

Thời gian lưu lại Trung tâm Bảo trợ Chánh Phú Hòa đã hết nên chúng tôi giã từ anh Ba, người đang phụng dưỡng 41 cụ già không một lời kêu ca, than vãn, với tất cả tình yêu thương. Sau mong ước nếu được hỗ trợ sách báo cho thư viện, xe lăn, xe lắc cho các cụ già, anh mong ước ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức đến thăm các cụ để những năm tháng cuối đời các cụ có được sự sẻ chia, bình yên. Tôi tin rằng mong ước ấy của anh sẽ trở thành hiện thực

Thành Dũng
.
.
.