Bảo hiểm môtô xe máy ở Hà Nội: Đua nhau giảm giá, khuyến mại

Thứ Tư, 04/12/2013, 08:07
Thời gian gần đây, người đi đường trên các tuyến Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ... rất dễ nhận thấy các tấm biển quảng cáo khuyến mại“bảo hiểm xe máy, 20.000 đ/năm”. Mặc dù đã có quy định, giá bán, nhưng bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới (mô tô, xe gắn máy) lại được rao bán với mức giá khuyến mại, thậm chí là mua một tặng một…Việc bán bảo hiểm “dạo” này có đúng quy định? Và khi xảy ra tai nạn, sự cố, loại bảo hiểm này có được bồi thường?

Giảm giá sốc, giao hàng tận nhà

Trưa ngày 1/12, lưu thông trên đoạn đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, phóng viên Báo CAND ghi nhận được, trên dọc trục đường có tới 4-5 hàng bán bảo hiểm dạo. Gọi là dạo vì chỉ với một chiếc xe máy đỗ trên vỉa hè cùng một tấm biển “bảo hiểm xe máy giá 20.000đ/năm”, người bán hàng đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của người đi đường.

Trong vai người muốn mua bảo hiểm, tạt vào một hàng bên đường, lập tức nhân viên tên Linh, tay cầm quyển sổ, đon đả mời chào, giới thiệu các loại khuyến mại cho việc mua bảo hiểm xe máy 1 năm và 2 năm. Thắc mắc chuyện sao lại có bảo hiểm giá 20.000đ, cô gái tên Linh cho hay, đó là bảo hiểm cho người ngồi trên xe, còn bảo hiểm xe máy là 66.000đ/năm, nếu mua cả hai loại này, thay vì giá gốc là 86.000đ, thì nay chỉ phải trả 65.000đ (giá này đã được chiết khấu phần trăm). Nếu anh chị mua hai năm, giá còn thấp hơn nhiều, cô gái cho biết thêm.

Bảo hiểm xe máy được bán “dạo” trên đường Ngọc Hồi (Ảnh chụp trưa ngày 1/12).

Khi được hỏi về giá trị của bảo hiểm, cô gái nói mạch lạc: “giá rẻ, nhưng mọi điều kiện, quyền lợi trong bảo hiểm người mua đều được hưởng đúng quy định. Còn quy định là gì thì anh chị về nhà tìm hiểu thêm”?! Viện cớ chưa mang giấy tờ nên không có số khung, số máy để điền vào giấy bảo hiểm, nhân viên bán bảo hiểm này tỏ vẻ nhiệt tình: không cần đâu anh chị, chỉ cần điền biển số là được. Còn nếu nhà anh chị gần, em có thể đến tận nơi hoàn thiện thủ tục giúp anh chị”.

Trên thực tế, bảo hiểm xe máy giá rẻ xuất hiện trên thị trường Hà Nội khá rầm rộ với đủ các chiêu quảng cáo, thu hút người mua như giảm giá sâu, mua hai tặng một… Theo ghi nhận, trong tháng 10 và tháng 11/2013, tại Hà Nội, trên các đoạn đường Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, chân cầu Thăng Long vào cuối giờ chiều, hàng loạt những điểm rao bán bảo hiểm giá rẻ di động với biển quảng cáo rất hút như “giảm giá sốc”, “mua 1 tặng 1”… Các điểm bán bảo hiểm này đều rao bán các loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với người sử dụng xe máy với giá rất rẻ. Giá bán của mỗi đại lý cũng khác nhau, tùy từng hãng. Thậm chí, có hãng giá bán bảo hiểm bắt buộc/năm chỉ 35.000 đồng, trong khi mệnh giá ghi trên bảo hiểm là 66.000 đồng, số còn lại dao động từ 40.000- 50.000 đồng, nếu mua mệnh giá 2 năm, giá trị còn rẻ hơn với giá 70.000 - 75.000 đồng/giấy chứng nhận.

Khi được hỏi, quy định không cho phép bán Giấy chứng nhận bảo hiểm phương tiện cơ giới thời hạn hai năm, một nhân viên bán bảo hiểm lấp liếm “đang trong thời gian khuyến mại nên mới có mức giá này”.

Người mua coi chừng tiền mất, quyền lợi cũng mất theo

Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, bảo hiểm ôtô, xe máy hiện có hai loại, bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Với loại tự nguyện đang được bán với giá 10.000 đồng/giấy/người là hoàn toàn đúng, loại bảo hiểm này có thể không mua, tùy theo nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa, loại bảo hiểm này doanh nghiệp được quyền khuyến mại, nhưng phải theo quy định của Bộ Công Thương, mức giảm không quá 50% giá bán. Còn bảo hiểm bắt buộc thì chủ sở hữu xe phải mua, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.

Lý giải về việc Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc được bán dưới mức quy định của Bộ Tài chính, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết, theo quy định của Bộ Tài chính cho phép chi hoa hồng là 20%, tương đương 13.200 đồng, cho chi hỗ trợ đại lý thêm 50% của hoa hồng, các loại hỗ trợ bao gồm phương tiện kinh doanh đi lại tương đương với 6.600 đồng. Như vậy, nếu đại lý nào chấp nhận cắt toàn bộ hoa hồng và hỗ trợ sẽ vẫn có thể bán bảo hiểm xe máy bắt buộc với giá 45.000 - 46.000 đồng/giấy.

Mặc dù quy định của Bộ Tài chính là vậy, nhưng để kiểm tra, bắt quả tang các đại lý bán dưới giá quy định theo đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam là khá khó khăn. “Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cùng với Hiệp hội cũng đã đi kiểm tra nhưng về mặt pháp lý khó có thể bắt được. Kiểm tra trên hồ sơ, giấy tờ cũng rất hoàn hảo. Số tiền thực ghi trên mỗi tờ bảo hiểm đều khớp với mệnh giá 66.000 đồng”. Liệu, các đại lý bán bảo hiểm xe môtô, gắn máy có thực sự giảm lợi nhuận, cắt bỏ hết phần hoa hồng (khoảng 30%) chỉ để hưởng doanh số, nếu đạt cao? Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, thì bảo hiểm xe máy đang là một thị trường “hời” đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì, gần như các vụ tai nạn liên quan đến xe máy (tai nạn ở mức bình thường, không gây ra chết người, thiệt hại lớn - PV) thì hoặc chủ xe thường bỏ chạy; hoặc tự thỏa thuận bồi thường với nhau mà không cần bảo hiểm.

Thực tế này cũng được ông Phùng Đắc Lộc thừa nhận. Bởi, thủ tục để hưởng bảo hiểm không đơn giản. Theo quy định, khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phải báo cho Cảnh sát giao thông đến lập biên bản, đồng thời báo cho đường dây nóng của công ty bảo hiểm đến để làm thủ tục bảo hiểm. Sau khi đã thu thập chứng từ sửa chữa thiệt hại do tai nạn giao thông, khách hàng gửi toàn bộ hồ sơ tới công ty bảo hiểm để đề nghị thanh toán theo quy định… Với những thủ tục nhiêu khê, rườm rà như vậy, dễ hiểu vì sao, chủ xe và nạn nhân thường tự thỏa thuận đền bù. Song, vô hình trung, lại tạo điều kiện thu lời lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, vì bảo hiểm thì các chủ xe máy vẫn mua nhưng gần như không hưởng

Đặng Nhật
.
.
.