TP Hạ Long - Quảng Ninh:

Bao giờ mới thoát cảnh sau mưa là sạt lở?

Thứ Bảy, 27/09/2014, 11:15
Cấu trúc địa lý của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có địa hình 70% là đồi núi, độ dốc lớn (từ 10-20%), mặc nhiên đã có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, hiểm họa sạt lở ở thành phố này còn đến từ nhiều nguyên nhân khác, dù đã biết, đã thấy, đã xảy ra nhiều lần nhưng cho tới giờ vẫn chưa có giải pháp chấm dứt nguy cơ sạt lở.

Mưa là sạt, bão là lở

Không cứ gì bão, cứ mưa lớn là nhiều nơi tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thắc thỏm mối lo sạt lở nhà cửa công trình. Đặc biệt, sau bão số 3 (Kalmaegi) vừa qua, lượng mưa lớn, kéo dài khiến nhiều điểm dân cư ven đồi, dốc, ven các khai trường, bãi thải của ngành than trở thành "điểm nóng" sạt lở nguy cơ cao gây nguy hiểm, tính mạng, tài sản người dân.

Một cán bộ UBND phường Hà Tu cho biết, địa bàn phường có khá nhiều khu dân cư giáp ranh với khai trường khai thác của Công ty Than Núi Béo (thuộc Tập đoàn TKV), cứ đến mùa mưa bão, cả chính quyền lẫn người dân đều ăn ngủ không yên vì mối lo sạt lở. Đất đá, đá, bùn, than từ khai trường theo dòng nước đổ xuống chảy vào nhà dân. Trong khi đó, đa số nhà cửa, công trình khu vực này đều được xây dựng trên nền đất yếu, địa thế chênh vênh. Mưa kéo dài chừng 30 phút là xuất hiện sạt lở các lối đi, mưa lâu hơn là xuất hiện lũ quét, lũ ống khoét trơ móng nhà.

Một điểm sạt lở tại TP Hạ Long.

Tương tự, tại khu vực bãi thải Nam Lộ Phong, thuộc Công ty CP Than Hà Tu cũng đang là mối lo ngại lớn đối với hàng chục hộ dân có nhà cửa gần chân bãi thải. Đã từng xảy ra tình trạng đất đá từ bãi thải giội xuống nhà dân, tan nhà, nát cửa, thương vong xảy ra liên tục vì sạt lở khu vực này trong nhiều năm qua nhưng chính quyền bất lực, các đơn vị ngành Than thì chỉ hỗ trợ khi hậu quả đã xảy ra. Còn làm thế nào để chấm dứt mối nguy cơ sạt lở thì cho đến giờ vẫn chưa có giải pháp.

Ở phường Cao Xanh lại khác, có cả một dự án lớn là Khu đô thị mới Đồi Chè do Công ty CP Doanh nghiệp trẻ Quảng Ninh làm chủ đầu tư với đầy đủ biện pháp an toàn, khang trang nhưng chính sự hình thành khu đô thị này lại là mối nguy cho các hộ dân tại chỗ. Nguyên nhân rất đơn giản, cốt nền khởi tạo cao hơn rất nhiều so với mặt bằng các khu dân cư xung quanh. Nước chảy chỗ trũng, cứ mỗi lần mưa to thì nhà dân chính là điểm thoát nước của khu đô thị. Phường Cao Xanh còn là điểm nóng về khai thác than trái phép, nay than “thổ phỉ” đã được ngăn chặn nhưng vô số hầm mỏ, hang hốc do "thổ phỉ" đào khoét chằng chịt dưới lòng đất thì chưa ai biết chúng chui đâu, về đâu. Việc hoàn thổ, trả lại nguyên trạng ở phường Cao Xanh gần như chưa ai nghĩ đến. Và vì thế, lún sụt bất thình lình tại đây không còn là chuyện lạ.

Hãy làm những gì dân mong đợi

Trước những mối nguy cơ dài hạn nói trên, UBND TP Hạ Long đã tiến hành khảo sát để có được số liệu thống kê chính xác: Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có trên 30 điểm sạt lở gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Các điểm sạt lở tập trung nhiều tại các phường: Hà Tu, Hà Lầm, Cao Thắng, Bạch Đằng... Ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, địa hình không thuận lợi cộng với mưa lớn liên tục làm độ bền liên kết trong đất đá bị giảm, gây sạt lở, khiến các khu dân cư nằm trên các quả đồi xảy ra tình trạng sạt lở kè, gây hư hại các công trình nhà ở kiên cố... Thành phố đã chỉ đạo UBND các phường tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Từ đó, thông báo, tuyên truyền để các hộ dân tại những khu vực này nhận thức về mức độ nguy hiểm của khu vực đang sinh sống.

Ngay đợt bão số 3 vừa rồi, lãnh đạo TP Hạ Long cũng đã đi kiểm tra tại một số điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao như: Khai trường than của Công ty CP Than Núi Béo, đồng thời trao đổi với lãnh đạo công ty về biện pháp để xử lý kịp thời như: tổ chức di dời khẩn cấp nhân dân về nơi an toàn; hướng dẫn, yêu cầu nhân dân thực hiện việc hạ tải đối với các tuyến kè yếu; chặt, tỉa cây xanh; hạn chế các công trình xây dựng trên kè; nắn dòng thoát nước, khơi thông các rãnh thoát nước để tránh hình thành các túi nước, hạn chế sạt lở. Bài bản hơn chút, thành phố đã tích cực vận động hơn chục hộ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ cho mỗi hộ 3 triệu đồng tại thời điểm di dời...

Không thể phủ nhận nỗi khó khăn, vất vả của chính quyền các cấp thành phố Hạ Long trong việc đối phó với sạt lở. Nhưng nếu chỉ dừng lại có thế, cái khổ, sự nguy hiểm sẽ thuộc về các hộ dân sống trong 30 vùng nguy cơ cao (do thành phố xác lập). Chẳng lẽ cứ mưa là chạy, cứ lở là sơ tán dân, hỏng lại xây, sạt lại dựng? Mỗi một năm có hàng chục cơn bão, hàng trăm trận mưa to, an cư, an sinh và an toàn thế nào được đây?

Mong rằng, chính quyền thành phố cần soát xét lại quy hoạch thành phố theo hướng an toàn cho người dân, ổn định đối với hạ tầng. Đó mới chính là điều mà nhân dân thành phố du lịch Hạ Long mong đợi

Lê Minh Triết
.
.
.