Cơ hội vàng cho phát triển thực phẩm sạch

Thứ Ba, 17/04/2018, 07:50
Sản xuất thực phẩm sạch là việc làm tất yếu, bởi đó là trách nhiệm với người tiêu dùng, sự tồn tại và phát triển bền vững của nhà sản xuất, nhà phân phối, đồng thời nâng cao giá trị nông sản – cơ hội để được xuất khẩu và cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp khác của thế giới.


Nhưng cơ chế, chính sách của Chính phủ hiện nay mới chỉ là khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, xanh, bền vững.

Để thực hiện được nó còn cần một “cú hích” về vốn, về ưu đãi, về đầu tư, có điều kiện cho công trình nghiên cứu khoa học đưa thực phẩm sạch vào thực tế; để người sản xuất và kinh doanh có thể sống được thì mới mong bữa ăn đảm bảo an toàn đến với từng gia đình, sau đó là có mặt trên thị trường xuất khẩu.

Đừng chỉ hô hào suông

Thực phẩm bẩn đang làm dấy lên rất nhiều lo ngại, vì vậy khát thực phẩm sạch là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Chính phủ và cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần phải có trách nhiệm xây dựng một nền sản xuất sạch, đó là việc làm tất yếu, bền vững của tương lai.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam thì chúng ta “đừng hô hào mà hãy làm thật”. Ông đánh giá, thực phẩm báo động nhất hiện nay là thịt và rau. Sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi bị phát hiện thời gian qua chỉ nóng lên một thời gian rồi lại nguội xuống. Nhưng chất tạo nạc đặc biệt nguy hiểm khi vào cơ thể con người.

Bộ Y tế cho nhập chất tạo nạc Salbitamol nhưng với lượng rất nhỏ để chữa bệnh hen suyễn và bệnh phổi mạn tính. Chỉ cần 1.000mg/lít huyết tương hay nước tiểu đã có tác dụng tạo nạc, khi đưa vào chăn nuôi chuyển mỡ thành nạc, con người ăn vào dẫn tới ngộ độc vì nó tích tụ trong gan, gây bệnh gan, tim mạch, thần kinh.

Đầu tư nhà lưới không tốn kém nhiều nhưng lại giảm trừ sâu bệnh.

Nguy hiểm là người chăn nuôi cho lợn ăn chất tạo nạc khi gần xuất chuồng để thịt đỏ như thịt bò, bán giá thành cao. Để chấm dứt tình trạng trên thì công tác quản lý phải tăng cường từ khâu kiểm soát chặt chẽ ở biên giới, tránh nhập lậu chất tạo nạc.

Các hộ chăn nuôi phải được chính quyền địa phương, cơ quan thú y quản lý chặt chẽ, kiểm tra giám sát thường xuyên việc sử dụng chất cấm, chất kích thích trong chăn nuôi. Quản lý thị trường phải kiểm soát được thị trường, nguồn gốc chất cấm trong nội địa

Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì để khuyến khích phát triển nông nghiệp  xanh, sạch, bền vững thì phải chấm dứt sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và phân đạm hóa học (sinh ra hợp chất nitrit gây ung thư) trong sản xuất.

Ông đã giúp 2 đơn vị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thành công trong việc sản xuất rau bảo đảm. Đó là rau có bao bì ghi rõ công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật là không dùng thuốc trừ sâu và phân đạm hoá học. Ông rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “Hãy chấm dứt tình trạng nông dân 2 loại ruộng, 2 loại chuồng”.

Để nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu thì bắt buộc phải trồng rau trong nhà lưới. “Đầu tư nhà lưới không tốn kém lớn, lại ngăn ngừa được sâu bệnh, chấm dứt tình trạng phải ăn rau có thuốc trừ sâu” - GS Nguyễn Lân Dũng khuyến cáo.

Phải tạo cơ chế, chính sách

Sự kiện lá tía tô của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật với giá 700đ/lá là tín hiệu vui với nhiều nông dân trong nước, bởi không chỉ có làm giàu mà chúng ta đang hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch, từng bước vào thị trường quốc tế.

Trên thực tế, có nhiều mô hình, nhiều sáng kiến lập nghiệp của thanh niên bắt tay với nông dân sản xuất thực phẩm sạch đã thành công như chàng sinh viên Nguyễn Đông Hải (quê ở Hà Tĩnh) vay tiền trồng rau sạch đã lập lên thương hiệu VietFarm – trang trại sản xuất nông sản sạch nổi tiếng bậc nhất Đà Lạt.

Hay mô hình canh tác rau trái vụ theo quy trình VietGAP của anh Nguyễn Văn Duyến ở Mộc Châu (Sơn La) đã rất thành công khi thành lập HTX rau an toàn Ta Niết với sự tham gia của 10 thành viên, cung cấp cho nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm…

Để có cơ hội vàng cho sản xuất nông sản sạch, chúng ta cần phải làm gì? Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì Nhà nước cần đầu tư cơ chế, chính sách cho nhân dân (cho vay lãi suất thấp trong 10 năm) và đầu tư cho đề tài nghiên cứu sản xuất trừ sâu sinh học. Bởi thực tế, có nhiều công trình nghiên cứu chưa triển khai được vào sản xuất vì không có đủ kinh phí.

Theo một kết quả điều tra xã hội học thì có 30% người dùng thuốc trừ sâu sai quy định. Thế nhưng để nông dân chấm dứt sử dụng thuốc trừ sâu thì Nhà nước cần thúc đẩy việc gấp rút hoàn thành việc triển khai đề tài sản xuất thuốc trừ sâu sinh học. Theo GS Nguyễn Lân Dũng hiện đề tài đã có nền tảng, chỉ thiếu kinh phí để triển khai vào sản xuất lớn.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì việc cần và làm ngay là khuyến khích và yêu cầu nông dân trồng rau bằng nhà lưới. Việc bắt buộc nữa là yêu cầu siêu thị phải bán rau trồng trong nhà lưới, bởi đây là nơi chịu sự quản lý của Nhà nước, phải kinh doanh thực phẩm an toàn. Chúng ta phải thay đổi dần thói quen mua rau ở chợ của người tiêu dùng.

“Cơ quan quản lý không được coi là rau không nhà lưới là rau an toàn. Chỉ cho phép rau an toàn là rau trong nhà lưới, không có bướm, không có sâu. Không đồng ý rau an toàn là rau cách ly trước bao nhiều ngày mới thu hoạch. Thời gian cách ly thì hiện không ai kiểm tra và giám sát được” – GS Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến. Ông cũng đưa ra sáng kiến biến rau rừng thành rau đặc sản.

Ông nói: “Trung Quốc đã thực hiện thành công mô hình này và in sách có ảnh màu để biết 400 loại rau rừng có thể trồng để ăn. Việt Nam có nhiều loại rau rừng quý, bộ đội ta đã thường sử dụng trong kháng chiến, quan trọng là rau rừng thường không có sâu, nên cần thiết phải đưa rau rừng vào trồng ở quy mô rộng lớn”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi (sản xuất – sơ chế - tiêu thụ). Nhưng hiện nay sản xuất theo chuỗi, có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc rất khó do kinh phí không có, dẫn tới nhiều chuỗi bị phá sản.

Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã đề xuất cơ chế, chính sách cho tiêu thụ rau an toàn nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng cho biết, chúng ta cứ hô hào truy nguyên nguồn gốc nhưng ra chợ thịt, rau không có tem nhãn. Chúng ta đang thiếu quy định về thông tin vì hiện chưa có quy định nào kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chỉ có Thông tư liên tịch số 34/2014 hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm... nhưng cũng không quy định dán nhãn đối với thực phẩm tươi sống.

Nhãn hàng hóa rất quan trọng, phải có tem, nhãn mới truy xuất được nguồn gốc. Sở NN&PTNT cần phối hợp với cơ quan chức năng quy định về thông tin trên sản phẩm tươi sống bán lẻ. Hà Nội hiện chưa có chính sách xây dựng hạ tầng kinh doanh cho rau an toàn như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán lẻ hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng. Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp bán lẻ, điểm kinh danh rau an toàn.

Cơ hội vàng cho phát triển thực phẩm sạch đang là điều kiện sống còn, tất yếu, là trách nhiệm với hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân, cho nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học và phải có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt để tiến tới chúng ta có một nền nông nghiệp xanh, sạch và an toàn.

“Nhãn hàng hóa rất quan trọng, phải có tem, nhãn mới truy xuất được nguồn gốc. Sở NN&PTNT Hà Nội cần phối hợp với cơ quan chức năng quy định về thông tin trên sản phẩm tươi sống bán lẻ. Hà Nội hiện chưa có chính sách xây dựng hạ tầng kinh doanh cho rau an toàn như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán lẻ hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng. Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp bán lẻ, điểm kinh danh rau an toàn” – ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nhấn mạnh.
Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.