Bao giờ Việt Nam có Đại học đẳng cấp quốc tế?

Thứ Ba, 19/09/2006, 08:34

Chủ trương xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐHĐCQT)  của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các nhà giáo dục. Có nhiều ý kiến trái chiều nhau và mỗi ý kiến từ góc độ của mình đều có lý riêng.

Hiện nay, tất cả những ý kiến ấy đều đang được xem xét để đi đến quyết định cuối cùng trong việc xây dựng trường đại học này. Tìm ra con đường đúng đắn, thích hợp nhất trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là một bài toán khó đối với các nhà chức trách.

Thế nào là trường ĐHĐCQT?

Trong kế hoạch đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020, xây dựng một trường ĐHĐCQT của Việt Nam là một trong những chủ trương chính của chương trình này. Theo nội dung cơ bản của đề án ở giai đoạn tiền khả thi, trường ĐHĐCQT có thể  hiểu là trường có “chất lượng cao hàng đầu của Việt Nam, có sức cạnh tranh quốc tế, là nơi đào tạo nhân lực tinh hoa cho đất nước trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý, kinh doanh; là trung tâm văn hóa, khoa học của đất nước; có khả năng tham gia, giải quyết  những vấn đề kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ tầm quốc gia, triển khai nghiên cứu những nội dung khoa học ở trình độ quốc tế, sáng tạo công nghệ trong những lĩnh vực mũi nhọn, trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà”.

Nói một cách tóm tắt trường ĐHĐCQT có thể hiểu như “Đại học Harvard” của Việt Nam, nghĩa là mọi tinh hoa của giáo dục Việt Nam đều tập trung ở đây. Do quy mô hoạt động như vậy nên ông Trần Xuân Giá, một trong những người góp công đầu trong việc xây dựng đề án giải thích, trường ĐHĐCQT mới mang cái tên như vậy. Tuy nhiên, cái tên ấy chưa phải chính thức - ông Giá nói rõ, mà chỉ nhằm mục đích nói đến hình thức cũng như chất lượng đào tạo của trường. 

Xung quanh hình thức cũng như chất lượng đào tạo của trường hiện nay đang được bàn luận với nhiều quan điểm trái chiều gay gắt. Có hai luồng quan điểm chính: xây mới hoàn toàn từ cơ sở vật chất đến nhân sự... trường ĐHĐCQT hay nâng cấp một trường có sẵn trong hệ thống giáo dục hiện nay của ta? Đại diện cho hai quan điểm này là hai người từ hai góc độ làm việc khác nhau, cương vị khác nhau. Đó là nhà giáo Văn Như Cương và nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, người từng ở cương vị Tổ trưởng tổ nghiên cứu dự án xây dựng trường ĐHĐCQT.

Đại học vị nhân sinh hay đại học vị... đại học?

Đây là câu hỏi của nhà giáo Văn Như Cương trước dự án xây dựng trường ĐHĐCQT.  Phân tích bối cảnh chung của đào tạo đại học hiện nay, ông cho rằng cả về số lượng lẫn chất lượng đào tạo đại học của ta hiện đều bất cập. Về số lượng, sinh viên đại học chỉ chiếm 20% nhu cầu muốn được ngồi trên giảng đường đại học, tương đương khoảng 100 sinh viên/vạn dân. Từ nay đến 2010, phấn đấu con số này tăng lên 200 sinh viên/vạn dân. So với quốc tế, chỉ số trên quá thấp. Trong khi cùng quốc gia trong khu vực châu Á như Thái Lan hay Hàn Quốc, chỉ số này gấp đôi, gấp ba.

Một mâu thuẫn rất lớn trong hệ thống đào tạo đại học ở ta là khâu tuyển sinh. Thay vì như phần lớn các nền giáo dục trên thế giới đào tạo đại học có thể hình dung như một cái túi hở đáy, miệng túi mở rất rộng nhưng đáy túi thắt chặt dần để những ai đủ khả năng mới lọt qua đó thì ngược lại ở ta, “đầu vào” quá chặt chẽ, khắt khe, “đầu ra” lại thoải mái, thậm chí không cần “gạn đục khơi trong”, cứ vào được đại học là thành cô cử, cậu cử. Thế nên mới có chuyện gian lận thi cử, bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả vi phạm pháp luật nhằm chiếm được một chỗ trên giảng đường đại học. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo, hiện đang yếu kém hơn so với quốc tế.

Bằng chứng là một số nước trên thế giới công nhận bằng đại học của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân: điều kiện cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, trình độ của giảng viên (nhất là những giảng viên trẻ) v.v... Nhưng trên hết là phương pháp và cơ chế giáo dục của chúng ta. Dường như nó đang đi ngược lại mục tiêu giáo dục vị nhân sinh.

Nếu phương hướng chủ đạo là giáo dục vị nhân sinh, giáo dục của ta, đặc biệt ở cấp đại học, đã phải cải tổ theo hướng khác, chẳng hạn mở rộng cổng các trường đại học, đáp ứng nhu cầu học cao hơn của học sinh sau tốt nghiệp phổ thông cũng như của mọi công dân khác. Sau đó để bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như khẳng định yêu cầu hàng đầu đại học là môi trường đào tạo nghiêm khắc nhưng hiệu quả, chúng ta cần tuân theo quy luật đào thải: ai bắt nhịp được với chương trình thì học tập, nghiên cứu; không theo được thì chuyển xuống cấp học phù hợp hơn như trung cấp, cao đẳng... Làm như vậy, theo nhà giáo Văn Như Cương, trình độ dân trí được nâng cao, “sản phẩm” giáo dục có chất lượng, lại ngăn ngừa được tình trạng gian lận trong thi cử và quan trọng hơn cả là giúp cho chất lượng cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn.

Trong hoàn cảnh đào tạo cơ bản như hiện nay của đại học, việc ra đời một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở đây có hợp lý không? Và nó có thể giải quyết mọi vấn đề của đại học không? Trước hết nói về “đẳng cấp quốc tế”. Khi thành lập Trường đại học Harvard hay bất kể một trường danh tiếng nào hiện nay trên thế giới, rõ ràng những người đặt nền móng cho các trường này không bao giờ nghĩ rằng nó lại trở nên nổi tiếng và quy mô hoạt động mang tầm thế giới như hiện tại. Nhưng chính chất lượng đào tạo đã tự đẩy Harvard thành đẳng cấp quốc tế và trở thành thương hiệu trong ngành giáo dục chứ không phải đặt nó là đẳng cấp quốc tế thì nó thành như vậy.

Xin nói thêm, đẳng cấp quốc tế ở đây là do xã hội (có thể là những tờ báo, tạp chí chuyên ngành...) bình chọn dựa trên kết quả khảo sát dư luận. Trường ĐHĐCQT của Việt Nam cũng vậy. Chất lượng sẽ quyết định đẳng cấp của trường. Và một khi chất lượng quyết định đẳng cấp thì việc xây mới một trường đại học nên chăng? Bởi xây mới nghĩa là chúng ta bắt đầu từ số 0. Mà bắt đầu từ số 0 thì mọi thứ rất trừu tượng cho dù chúng ta đã hoạch định chi tiết. Nhưng từ hoạch định đến cụ thể còn là một khoảng cách rất xa.

Trong khi đối với những trường đại học đã có (có thể chọn một trường mạnh nhất toàn quốc), với chất lượng đào tạo định hình rõ ràng, có thể yếu, mạnh tùy từng ngành nghề, chúng ta áp dụng hoặc cụ thể hóa dự án nâng cấp thành trường ĐHĐCQT thuận lợi hơn. Đó là chưa nói đến đầu tư về cơ sở vật tốn kém ít hơn. Và chuyện thầy nội, thầy ngoại chắc cũng được giải quyết nhẹ nhàng.

Vấn đề này, Giáo sư Văn Như Cương nói thêm, theo dự án trường ĐHĐCQT sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh và chương trình giảng dạy mang nội dung tầm quốc tế. Ở Việt Nam chỉ nói tới thầy chưa nói đến sinh viên có bao nhiêu người đủ khả năng đó? Còn thuê thầy ngoại thì kinh phí trả lương cho họ lấy từ đâu? Mà lương của những giáo sư hay giảng viên quốc tế phải là hàng nghìn, hàng chục nghìn USD/tháng. Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất đặt ra trường ĐHĐCQT nếu xây mới sẽ giúp gì trong việc nâng cao hệ thống giáo dục cũng như các trường đại học về cả chất lượng lẫn số lượng?

Chất lượng thì như đã đề cập: ngôn ngữ giảng dạy, giảng viên... Còn số lượng chắc chắn không thể khiến cho tỉ lệ sinh viên nhiều hơn vì học sinh tuyển vào đại học quốc tế toàn tinh hoa (chẳng khác gì đào tạo “gà nòi”)!

Dự án trường ĐHĐCQT còn đề ra đây sẽ như một trường “hoa tiêu” để các trường khác noi theo. Làm sao noi theo được trong khi trường riêng một cơ chế, chủ trương chính sách  giáo dục, kinh tế...

Cuối cùng, theo Giáo sư Văn Như Cương, việc xây mới trường ĐHĐCQT của Việt Nam có nhiều yếu tố chưa thích hợp với hoàn cảnh của giáo dục, đất nước hiện nay. Nó dường như chỉ giải quyết một vấn đề duy nhất Việt Nam phải có trường đại học quốc tế, nghĩa là có đại học để mà có, để được tiếng.

Thời gian quý hơn vàng!

Cho dù vừa rút khỏi vị trí Trưởng ban Nghiên cứu Dự án xây dựng trường ĐHĐCQT, nhưng ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn là một người tâm huyết với dự án này.

Theo ông Trần Xuân Giá, việc nâng cấp một trường đại học sẵn có thành ĐHĐCQT sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc xây mới, đặc biệt về thời gian. Theo mục tiêu trước mắt của đề án: trong vòng 10 năm giáo dục phải có được một trường đại học đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và có khả năng cạnh tranh quốc tế... Theo thời hạn này, việc cải tạo một trường có sẵn thành đẳng cấp quốc tế sẽ không kịp. Vì thay đổi một môi trường đã duy trì bao nhiêu năm cung cách làm việc từ quản lý đến phương pháp, chương trình giảng dạy... là một việc rất khó khăn. Chưa bàn đến cung cách làm việc ấy lại trì trệ, bảo thủ. Muốn cải tổ nó phải mất nhiều thời gian. Và mất thời gian không biết có thay đổi được không?

Đơn cử tiêu biểu đó là nhân sự. Khi áp dụng chương trình mới, phải khẳng định ngay là chương trình này cao hơn nhiều so với chương trình đang dạy trong nước (vì nó ngang tầm quốc tế), liệu cả 100% giảng  viên cũ có theo kịp đòi hỏi? Lại còn ngoại ngữ. Vì chắc chắn giảng viên của trường ĐHĐCQT phải thành thạo tiếng Anh do trường có kế hoạch thu hút học sinh là Việt kiều từ nước ngoài về học tập, nghiên cứu, và trường còn liên kết với các trường đại học hàng đầu thế giới để giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức mới... Trong trường hợp như vậy, những giảng viên không đáp ứng nhu cầu không lẽ chúng ta đào thải?

Rồi chuyện đầu tư. Một số quan điểm cho rằng đầu tư vào trường đại học đã có thì kinh phí thấp hơn so với đầu tư từ đầu đối với trường ĐHĐCQT - dự kiến bước đầu là 100 - 200 triệu USD. Làm một phép so sánh chỉ riêng về thời gian: một đằng đầu tư thấp nhưng mang lại kết quả không nhanh do nguyên nhân như đã nói và một đằng đầu tư cao lại mang đến hiệu quả nhanh hơn.  Đương nhiên phương án thứ 2 tốt hơn. Tốt hơn là vì khi đã có trường đại học chất lượng cao, những dự án lớn như xây dựng, sản xuất công nghiệp ở trong nước chúng ta có thể thực hịên được một cách độc lập, không phải mất tiền thuê chuyên gia hay bán đứt, đoạn... Chứ như hiện nay một số ngành công nghiệp lớn như đóng tàu thì khâu thiết kế, kỹ thuật... Việt Nam phải thực hiện ở nước ngoài. Mà tính ra khoản tiền thực hiện ở nước ngoài này không nhỏ. Nếu chúng ta càng kéo dài tiến trình thành lập trường đại học chất lượng cao thì khoản tiền mất cho nước ngoài ấy ngày càng nhiều. Nhiều tới mức có khi còn hơn cả khoản tiền đầu tư và trường ĐHĐCQT. Cho nên tốt hơn hết theo ông Trần Xuân Giá là xây mới trường ĐHĐCQT để bảo đảm “thời gian là vàng”!

Trên đây là hai ý kiến cơ bản trong việc xây dựng trường ĐHĐCQT.  Để dễ nhận biết bạn đọc có thể hình dung trường ĐHĐCQT như một ngôi nhà hoặc được xây mới hoặc được cải tạo trên nền cũ. Những ý kiến thiết thực, phù hợp là những gì hiện nay dự án đang mong mỏi

Tú Anh
.
.
.