Báo động tình trạng người chưa thành niên gây án

Thứ Sáu, 05/06/2015, 08:24
Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Dương, từ năm 2012 đến tháng 6/2015, trên địa bàn đã xảy ra hơn 3.000 vụ phạm pháp hình sự trong đó có tới 165 vụ với 247 đối tượng là người chưa thành niên.

Dưới cái nắng chói chang, chúng tôi theo chân cán bộ Công an TP Thủ Dầu Một đến thăm bị cáo Trần Thị Hồng Ngọc (17 tuổi, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một), khi vừa tham dự phiên tòa xét xử vụ án cướp giật tài sản trở về.

Nước mắt giàn giụa, em Ngọc tâm sự:  “Tòa án nhân dân TP Thủ Dầu Một vừa tuyên phạt mức án 3 năm 3 tháng tù đối với em về hành vi cướp giật tài sản. Em sợ cái cảm giác phải sống ở trong nhà giam. Trong khi bạn bè cùng lứa với em thì được học hành đến nơi, đến chốn và được gia đình quan tâm, yêu thương. Cũng chỉ vì ham chơi, đua đòi mà em đã đánh mất tương lai tươi sáng phía trước của mình. Em rất hối hận về tội lỗi đã qua và mong muốn mau được chấp hành án để trở về nhà sum họp với gia đình”.

Trước đó, vào tháng 2/2014, Ngọc cùng Trần Quang Hiếu (19 tuổi, quê quán Thừa Thiên  - Huế) và Bùi Lê Anh Vũ (17 tuổi, ngụ tỉnh  Đồng Nai) đã gây ra hàng chục vụ cướp giật tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Qua sàng lọc các đối tượng có biểu hiện bất minh về thời gian, kinh tế trên địa bàn, các trinh sát phát hiện nhóm của Ngọc thường xuyên dùng tiền ăn chơi phung phí ở hàng quán.

Các đối tượng đều thiếu vắng sự quản lý, yêu thương của gia đình. Ban đêm, nhóm này lượn lờ ở các khu dân cư để tìm kiếm “con mồi”. Trinh sát đã tổ chức đeo bám, bắt giữ bọn chúng. Điều mà những người làm công tác phá án hết sức trăn trở, nguyên nhân mà các em đưa ra, chỉ đơn giản là đi cướp lấy tiền thỏa mãn ăn chơi, tiêu xài.

Với gương mặt non choẹt, Nguyễn Thành Huyền Thoại (18 tuổi, ngụ huyện Bàu Bàng), sẻ chia: “Em cùng bạn Đặng Trung Hiếu (17 tuổi) và Nguyễn Cường Quốc (19 tuổi) phạm tội cướp giật tài sản vào rạng sáng 23/2 tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Khi được Hiếu rủ đi cướp giật kiếm tiền, bọn em đã đồng ý. Hiếu giật tài sản còn em chỉ ngồi trên xe không làm gì cả. Sau này, em mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Em mong rằng gia đình hãy tha thứ cho tội lỗi của em”.

Chúng tôi không khỏi xót xa. Chỉ đơn giản túng tiền tiêu xài, ăn chơi thì đi cướp, thích gì làm đấy mà chẳng cần quan tâm đến hậu quả của nó ra sao. Trong 165 vụ phạm pháp hình sự với 247 đối tượng ở độ tuổi chưa thành niên thì có đến 35 vụ cướp tài sản, 11 vụ cướp giật tài sản, còn lại là liên quan đến các hành vi giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng…

Nguyên nhân chính phải kể đến là do thiếu hiểu biết về pháp luật của người chưa thành niên. Điều đó cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em chưa thực sự có hiệu quả. Giải pháp cũng đã được đưa ra như, phải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên; gia đình, nhà trường và xã hội cùng phối hợp quản lý, giáo dục để các em có sự hiểu biết, nâng cao ý thức tránh sa vào các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để những giải pháp này có hiệu quả đang là vấn đề đặc biệt quan tâm của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch về phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên giữa Công an và Tỉnh đoàn Bình Dương, một trong những giải pháp được đưa ra là lực lượng Công an và Đoàn Thanh niên ở cấp cơ sở như phường, xã phải làm nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục tới thanh thiếu niên.

Đặc biệt, chú trọng đến thanh niên công nhân và cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, đồng thời, tạo ra những sân chơi bổ ích, thu hút các bạn trẻ tham gia tích cực nhằm giúp các em quên đi những mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, giúp các bạn trẻ tránh xa các hoạt động vô bổ, không lành mạnh từ đó khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội.

Đức Mừng
.
.
.