Báo động tình trạng bơm kim tiêm không rõ nguồn gốc

Chủ Nhật, 16/01/2005, 07:15
Gần đây, ở nhiều nơi, đặc biệt là Tp.HCM, lại xuất hiện ồ ạt loại bơm kim tiêm (BKT) dùng một lần chất lượng kém, bao bì chỉ ghi chung chung là “Made in PRC” và “High technology from Korea”, với giá bán rất rẻ.

Điều này khiến công luận thêm một lần lo ngại về nguy cơ thiếu bảo đảm an toàn trong điều trị khi sử dụng BKT không rõ nguồn gốc, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người.

Trước đây, các trang thiết bị y tế đều do Bộ Y tế quản lý, nhưng với chủ trương giảm các thủ tục trong xuất nhập khẩu, một số mặt hàng (trong đó có BKT) lại không thuộc danh mục Bộ Y tế quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có QĐ 149/2002/QĐ/BTC ban hành giá tính thuế chung cho BKT rất thấp: 0,02 USD, tức là 309đ/cái, mặc dù trên thực tế, BKT có nhiều loại khác nhau và loại cao cấp được nhập khẩu với giá CIF Hải Phòng tới 0,135–0,162 USD/cái.

Sự mở cửa “quá rộng” này chính là cơ hội để sản phẩm BKT không có nguồn gốc, kém chất lượng, không tiện ích, tồn kho, do tư nhân ở Việt Nam đặt nước ngoài làm với giá rẻ... tràn vào Việt Nam.

Ngày 29/11/2004, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị của Bộ Y tế - ông Dương Văn Tỉnh đã có công văn số 9145/YT-TB-CT gửi Tổng cục Hải quan đề nghị đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế không có trong danh mục do Bộ Y tế quản lý thì khi nhập khẩu “phải có đủ giấy phép lưu hành của nước sản xuất, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và thực hiện đúng việc ghi nhãn hàng hóa... Bộ Y tế sẽ kiểm tra và không cho phép lưu hành sản phẩm khi nhà sản xuất chưa thực hiện đúng quy chế ghi nhãn hàng hóa”.

Để có giá rẻ, nhà sản xuất không thể đáp ứng các yêu cầu rất cao về nguyên liệu không độc tố và đảm bảo vô trùng. Nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng từ BKT không rõ xuất xứ là điều không thể tránh khỏi!

Không chỉ báo động nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn, việc BKT trôi nổi bán phá giá trên thị trường còn dẫn đến một hệ quả khác là làm đình trệ sản xuất mặt hàng này trong nước.

Với năng lực hiện nay, các nhà sản xuất Việt Nam đã đảm bảo nhu cầu trong nước với gần 400 triệu BKT/năm, mà vẫn chỉ hết 70% công suất, còn lại là xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Ukraina, Nhật Bản, Nigeria, Lào...

Nhưng thuế suất và giá tính thuế thấp như hiện nay đã tạo cơ hội cho các sản phẩm kém chất lượng tràn vào bán phá giá, khiến sản xuất trong nước điêu đứng như đã và đang diễn ra tại VINAHANKOOK, VIKIMCO BKT và Công ty Nhựa y tế (Bộ Y tế).

Bà Lê Thị Minh Châu–Giám đốc Công ty Nhựa y tế cho biết: “Cũng như các nhà sản xuất khác, công ty chúng tôi phải cắt giảm 1/3 công suất, cho công nhân nghỉ việc hoặc chuyển làm việc khác, và hạ giá bán để cạnh tranh, đồng thời đứng trước nguy cơ thua lỗ”.

Cần quản lý chặt chẽ

BKT là dụng cụ y tế để bơm các loại thuốc dạng lỏng vào người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên cần sự thận trọng và an toàn tối đa. Vì lẽ đó, các nước EU, Mỹ, Trung Quốc, Ukraina, Nhật v.v... đều có hàng rào kỹ thuật: mặt hàng BKT dùng một lần là do Bộ Y tế quản lý.

Bộ Y tế các nước ngày càng quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm các dụng cụ y tế dùng một lần, theo quy chuẩn quốc gia, đồng thời, tăng cường quản lý điều kiện thực hành sản xuất.

Vì thế, các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn đã không được phép lưu hành và một số nhà sản xuất phải ngừng hoạt động. Các nhà sản xuất BKT của Việt Nam muốn xuất sang các nước cũng phải chấp hành các yêu cầu rất chặt chẽ của nước sở tại: ngoài gửi mẫu BKT trước hàng năm, còn phải nộp 5.000 - 7.000USD phí kiểm định. Đạt tiêu chuẩn mới được cấp giấy phép lưu hành. Nhưng quá trình lưu thông mà có sản phẩm không đúng chất lượng hoặc bao bì không như đăng ký là bị thu hồi giấy phép.

Trong khi đó, chúng ta không những không quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng, mà còn để cho BKT không rõ nguồn gốc, vi phạm quy chế về nhãn hiệu hàng hóa của Bộ Thương mại và Bộ Y tế, được nhập khẩu và lưu hành tràn lan. Có phải đó là sự coi thường tính mạng người dân?

Thanh Hằng
.
.
.