Báo động ô nhiễm một vùng biển

Thứ Tư, 25/02/2009, 16:48
Năm 2009, TP Hải Phòng dự kiến triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý nguồn chất thải với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan. Tuy nhiên, môi trường biển trong khu vực sẽ không thể được bảo vệ một cách triệt để và bền vững nếu chủ các nguồn thải nguy hại, trong đó có dầu, mỡ cặn vẫn vô tư… xả thải bừa bãi ra sông, biển.

Dầu, mỡ cặn xả… vô tư

Ngoài Cảng chính Hải Phòng, khu vực Hải Phòng còn có hơn 20 cảng khác, như: Chùa Vẽ, Container, Vật Cách, Đoạn Xá, Đình Vũ… ở tất cả các địa điểm này, hoạt động kinh tế biển, gồm: Vận tải hàng hoá; phá dỡ tàu cũ; sửa chữa, đóng tàu mới… diễn ra khá sôi động.

Chỉ tính riêng hoạt động hàng hải đã có tới hàng chục nghìn lượt tàu thuyền ra vào cảng và các cửa sông ven biển, mỗi năm chúng thải ra sông, biển khu vực Hải Phòng hàng nghìn tấn chất thải các loại...

Nghiêm trọng hơn, các tàu thuyền hoạt động trong thủy vực ngày một gia tăng, nhưng hầu hết phương tiện cũ kỹ, không được đầu tư, lắp đặt bộ phận thu gom chất thải, nhất là dầu, mỡ cặn nên mỗi khi bốc dỡ xong hàng hoá, các chủ tàu thường "phi" trực tiếp xuống sông, biển.

Bên cạnh hoạt động hàng hải kéo theo những nguy cơ ô nhiễm do dầu, sự cố dầu tràn, nhiều cơ sở phá dỡ tàu cũ, sửa chữa, đóng tàu mới với trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, thiếu hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, nằm rải rác ven sông, biển của Hải Phòng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng môi trường mặt nước khu vực. Chưa kể, không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận, còn nhập hàng nghìn tấn sắt thép phế thải từ nước ngoài về qua cảng, "tiếp tay" hủy hoại môi trường.

Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ như: Sửa chữa, sản xuất ôtô; chế tạo máy, thép; chưng cất dầu… cũng xả ra môi trường một lượng dầu, mỡ thải không nhỏ. Bằng chứng, tại khu vực quanh cống Cảnh Hầu ven sông Lạch Tray, nơi có các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền nhỏ, luôn có cặn dầu, mỡ bám thành từng mảng lớn, đen đặc.

Nồng độ dầu trong nước ở đây cũng như các khu vực có hoạt động sửa chữa, đóng mới tàu, luôn dao động trong khoảng 0,21 - 0,41 mg/lít, càng gần với các cảng, mỡ, cặn dầu càng nhiều, có nơi cao hơn tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam tới 1,3 - 1,4 lần.

Đặc biệt, lượng dầu mỡ thải chưa qua xử lý, vô tư… xả ra môi trường đã làm cho việc tích tụ dầu trong trầm tích có xu hướng tăng từ năm 2000 trở lại đây, hiện vượt ngưỡng cho phép, nhất là ở khu vực cảng hoá lỏng Đình Vũ. Hệ quả là, đã làm gia tăng sự suy giảm môi trường nguồn nước trong khu vực.

Có một thực tế, lượng dầu, mỡ cặn nhiều nhưng hoạt động xử lý lại rất hạn chế. Theo báo cáo nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược Cảng Hải Phòng của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, bình quân mỗi năm, chỉ có khoảng từ 20-30% lượng dầu cặn được thu gom.

Phải xử lý, ngăn chặn từ gốc

Ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm nước biển do dầu là một vấn đề lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với vùng biển Hải Phòng, nơi không chỉ có hải cảng xinh đẹp, mà còn có các dòng sông nước ngọt, cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho gần 1,8 triệu dân thành phố. Bởi vậy, việc ngăn ngừa, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề sống còn và bức thiết ở địa phương hiện nay, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Theo chúng tôi, ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay, đó là phải siết chặt quản lý nguồn thải ngay từ lúc "đầu ra". Nghĩa là, từ chủ các cơ sở nguồn thải. Năm 2008, Hải Phòng mới có 52 cơ sở sản xuất được cấp và điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại, trong đó 11 cơ sở sản xuất được điều chỉnh chủ nguồn thải. Con số này là quá ít, không đáp ứng được với nhu cầu thực tế.

Được biết năm 2009, TP Hải Phòng dự kiến triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý nguồn chất thải với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan. Tuy nhiên, môi trường biển trong khu vực sẽ không thể được bảo vệ một cách triệt để và bền vững nếu chủ các nguồn thải nguy hại, trong đó có dầu, mỡ cặn vẫn vô tư… xả thải bừa bãi ra sông, biển.

Vậy nên, cần phải sử dụng các biện pháp, chế tài mạnh, đồng bộ có tính răn đe cao để xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường

Lệ Thu
.
.
.