Khó như công tác quản lý người nghiện

Thứ Tư, 22/07/2015, 09:33
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), trong 6 tháng đầu năm nay, tội phạm ma tuý vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trong khi việc quản lý người nghiện theo Nghị định 221 lại gặp nhiều vướng mắc. Trước tình hình này, nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, xuất phát từ thực tế áp dụng ở địa phương cho rằng: Nghị định 221 tuy đảm bảo nội dụng về quyền con người, nhưng khi áp dụng lại rất khó khăn. 

Cụ thể, về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, điều kiện bắt buộc ban đầu là phải có Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Tuy nhiên, địa phương chưa triển khai được điều này vì chưa chuẩn bị được điều kiện về hạ tầng như các trạm y tế xã, phường đáp ứng đủ tiêu chuẩn và đội y, bác sỹ cũng chưa được tập huấn để khám và xét nghiệm. 

Một trung tâm cai nghiện tại TP HCM.

Ngoài vấn đề trên, bà Thuỷ cũng cho rằng áp dụng theo quy định hiện nay về việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung có rất nhiều thành phần tham gia nên có việc chồng chéo, đơn vị nọ tưởng đơn vị kia làm, khiến nhiều việc chưa được triển khai đến nơi đến chốn.

Thực tế triển khai ở nhiều địa phương cũng cho thấy, việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả không cao, nên các cấp chính quyền chưa ưu tiên lựa chọn phương án này. Tuy vậy, để đưa được người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lại có quá nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều ban, ngành như Công an, y tế, lao động - thương binh & xã hội, tư pháp, toà án, UBND các xã, phường... nên thời gian kéo dài. 

Kinh nghiệm ở Quảng Ninh cho thấy tối đa có thể lên tới 37 ngày. Luật xử lý vi phạm hành chính cũng yêu cầu cơ quan lập hồ sơ sau khi hoàn thiện phải có văn bản thông báo cho người bị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng khi thực hiện nội dung thông báo này thì hầu hết các đối tượng được thông báo đều bỏ trốn để tránh phải đi cai nghiện. 

Chưa kể đến việc lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm rất khó, bởi các đối tượng đa phần đều nghiện lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong việc “tránh, né” lấy mẫu, thậm chí hơn cả cán bộ y tế, do đó rất khó kiểm tra được họ, đặc biệt với những đối tượng có tiền án tiền sự. 

Do đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Chính phủ cần có quy định chế tài cụ thể xử lý các đối tượng không hợp tác khi lấy mẫu xét nghiệm. Đối với các đối tượng tái nghiện thì không nhất thiết phải áp dụng trình tự tự cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 3 tháng mà cho phép áp dụng luôn biện pháp cai nghiện bắt buộc. 

Kiến nghị này nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh Sơn La, bởi tỉnh này cho biết do tồn đọng người nghiện trong quá khứ của tỉnh khá nhiều, nếu áp dụng đủ các trình tự sẽ rất khó khăn trong quản lý.

Về quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định, Nghị định 221 cũng quy định giao các tổ chức xã hội quản lý, nhưng không giao cụ thể tổ chức nào. 

Vướng mắc này đã dẫn tới TP Hồ Chí Minh - địa phương có số lượng người nghiện dạng này rất lớn (theo báo cáo của TP Hồ Chí Minh năm 2014, số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố là 19.213 người và ước tính có 9.000 đến 15.000 người nghiện không có nơi cư trú ổn định) phải xin Quốc hội cơ chế đặc thù để quản lý cho đỡ “loạn”. 

Đến nay, Quảng Ninh cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể để các tỉnh trên toàn quốc áp dụng.

Nam Phương
.
.
.