“Đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”:

Bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chế độ sở hữu

Thứ Tư, 25/03/2015, 08:21
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, cùng với các bộ, ngành và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật, Bộ Công an đã và đang tích cực triển khai trong toàn lực lượng CAND.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an. 

PV: Đồng chí cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đến nay Bộ Công an đã triển khai thực hiện như thế nào?

Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân: Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Bộ luật Dân sự là bộ luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, được xác định là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự trong đời sống hằng ngày nên dự án luật này nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của UBTVQH và Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành Công văn số 46/BCA-V19 ngày 12/1/2015 để chỉ đạo, hướng dẫn các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các học viện, nhà trường trong CAND để tổ chức lấy ý kiến trong toàn lực lượng về dự thảo Bộ luật. Bộ Công an coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong quý I năm 2015. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai lấy ý kiến, đồng thời đã chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch tuyên truyền về dự thảo Bộ luật và kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật, tham mưu cho cấp có thẩm quyền uốn nắn, nhắc nhở và xử lý đối với những trường hợp lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật để tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng sai trái hoặc thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự.

Đến nay, Công an một số đơn vị, địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến. Bộ Công an đang khẩn trương đôn đốc, tiến hành tập hợp các ý kiến tham gia và sớm hoàn thiện Báo cáo về kết quả đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật gửi Bộ Tư pháp để trình Chính phủ.

Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân. Ảnh: Nguyễn Hưng.

PV: Về vấn đề quyền nhân thân như quy định trong Bộ luật Dân sự hiện hành đã phù hợp chưa? Theo đồng chí, vấn đề này có cần sửa đổi, bổ sung thêm nội dung gì cho phù hợp với Hiến pháp 2013?

Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân: Quyền nhân thân là một trong mười vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật (sửa đổi). Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, các yêu cầu đặt ra đối với quyền của cá nhân đòi hỏi ngày càng phải được nâng cao, hoàn thiện. Việc sửa đổi, bổ sung quyền nhân thân của cá nhân được quy định trong Bộ luật hiện hành là thật sự cần thiết, vừa để phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, vừa tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

Theo đó, dự thảo Bộ luật (sửa đổi) tiếp tục quy định các quyền nhân thân cụ thể (từ Điều 26 đến Điều 51), sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 như quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 41 dự thảo Bộ luật) thay cho quyền bí mật đời tư (Điều 38 Bộ luật Dân sự hiện hành)... Dự thảo Bộ luật còn bổ sung một số quyền mới như: Quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống… Ngoài ra, Điều 51 Bộ luật (sửa đổi) quy định các quyền nhân thân khác được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp năm 2013 và pháp luật. 

PV: Bộ luật Dân sự hiện hành đã quy định về hình thức sở hữu và quyền sở hữu nhưng khi áp dụng vào thực tiễn cho thấy chưa có tính khả thi cao. Dự thảo Bộ luật có nên quy định cụ thể hơn về hai vấn đề này không?

Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân: Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định nhiều vấn đề về quyền sở hữu như: các quy định chung, nội dung quyền sở hữu, hình thức sở hữu, xác lập, chấm dứt quyền sở hữu... và một số quyền thể hiện nội dung của các vật quyền khác như quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề (Điều 274), quyền về lối đi qua bất động sản liền kề (Điều 275); các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (Điều 173)...

Việc phân định giữa quyền sở hữu và các vật quyền khác theo Bộ luật hiện hành chưa được rõ ràng, chưa bao quát hết được các loại vật quyền, chưa quy định được mối quan hệ giữa các quyền, hậu quả pháp lý trong việc xử lý các quyền. Vì vậy, chưa tạo được cơ sở pháp lý đầy đủ để phát huy, khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản và điều chỉnh các quan hệ liên quan đến quyền cá nhân, pháp nhân không phải là chủ sở hữu đối với tài sản. Bởi vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật hiện hành theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng về quyền sở hữu và các vật quyền khác như quyền hưởng dụng, quyền ưu tiên, quyền bề mặt... để giải quyết những hạn chế nêu trên.

Về hình thức sở hữu, Bộ luật hiện hành quy định sáu hình thức sở hữu là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp. Cách liệt kê hình thức sở hữu theo chủ thể như trên còn có hạn chế, dẫn tới những quan niệm không đúng về bản chất sở hữu của một số chủ thể (như sở hữu tập thể, sở hữu chung), đồng thời không phù hợp với nguyên tắc về xác định hình thức sở hữu, đó là khi xác định hình thức sở hữu, cần căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của mình chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành.

Do vậy, để hạn chế những bất cập nêu trên, cần quy định các hình thức sở hữu theo hướng khái quát hơn, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chế độ sở hữu. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.