Miền Bắc đón Tết Nguyên đán trong tiết trời ấm áp

Thứ Ba, 26/01/2021, 17:39
Theo chuyên gia dự báo thời tiết, Tết Nguyên đán Canh Sửu ít có khả năng xảy ra giông lốc và mưa đá như dịp Tết Canh Tý. 


Chiều 26/1, tại cuộc Hội thảo Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo Khí tượng thuỷ văn (KTTV) phục vụ cộng đồng, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) thông tin, thời tiết Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giai đoạn trước Tết, từ ngày 2/2 (ngày 21 tháng Chạp âm lịch), khu vực Bắc bộ có không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới miền Bắc, nên khoảng thời gian ngay trước 23 tháng Chạp, miền Bắc trời rét về đêm và sáng.

Khoảng ngày 5 đến ngày 6/2 (tức 24-25 tháng Chạp), miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông. Khoảng ngày 8/2 trở đi không khí lạnh suy yếu.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) 

Cụ thể trong giai đoạn Tết Nguyên đán, từ 30 Tết đến mùng 3 Tết, miền Bắc trời nhiều mây, về đêm và sáng, vùng đồng bằng có khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ có xu hướng ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. 

Khu vực Trung bộ có nhiều mây về đêm và sáng, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày trời nắng. Khu vực  Tây Nguyên và Nam bộ trong giai đoạn này không mưa, ngày trời nắng.

Giai đoạn sau Tết Nguyên đán, từ ngày 16 đến ngày 22/2), không khí lạnh hoạt động yếu ở Bắc bộ. Miền Bắc nhiều khả năng vẫn duy trì ấm và ẩm, có thể xuất hiện hiện tượng nồm ẩm. Miền Trung ít mưa và miền Nam trời nắng. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, giai đoạn Tết Tân Sửu ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm, cũng ít có khả năng xảy ra giông lốc, sấm sét và mưa, mưa đá như dịp Tết Canh Tý vừa qua. 

“Tết năm nay ở miền Bắc sẽ ấm, có nhiều khả năng xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù vào buổi sáng. Ở miền Trung nhiều mây, nhiệt độ thấp hơn các năm trước. Ở miền Nam tương tự như các năm khác. Còn trên Biển Đông không có dấu hiệu xuất hiện của bão hay áp thấp nhiệt đới”, ông Trần Quang Năng chia sẻ.

Tết Nguyên đán năm 2020, mưa đá đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành gây thiệt hại lớn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến khoảng tháng 4 đến tháng 5, sau đó chuẩn nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Trung tâm Thái Bình Dương có khả năng tăng dần và nhiều khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào các tháng cuối năm 2021. 

Theo đó, các hiện tượng như áp thấp nhiệt đới, bão có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông, số lượng trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm. Nửa đầu mùa mưa bão, từ tháng 6 đến tháng 8, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Thời kỳ nửa cuối mùa, từ tháng 9 đến tháng 11, sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung bộ trở vào phía Nam.

Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2021 có xu hướng từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình, tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020. 

Trúc Linh
.
.
.